Logistics nội loay hoay giành giật thị phần

Trung Thành 10/03/2018 04:45

Hiện tại, trong nước có hơn 1.300 doanh nghiệp Logistics, chỉ 3% trong đó là doanh nghiệp nước ngoài nhưng lại chiếm lĩnh đến 80% thị phần toàn ngành. Giành lấy thị phần logistics là khát khao cháy bỏng của các doanh nghiệp nội.

Thế nhưng nghịch lý này không hề phi lý bởi xétt về yếu tố tài chính là một trong các khâu quyết định tính cạnh tranh thì các doanh nghiệp nước ngoài có thế mạnh hơn hẳn các doanh nghiệp trong nước.

 Doanh nghiệp nội chỉ tham gia các chuỗi cung ứng nhỏ của dịch vụ logistics. Ảnh: T.H.

Doanh nghiệp nội chỉ tham gia các chuỗi cung ứng nhỏ của dịch vụ logistics. Ảnh: T.H.

Nghịch lý không phi lý

Dẫn chứng điều này, đại diện một hàng tàu “tầm cỡ” ở Hải Phòng cho biết, các doanh nghiệp vận tải biển trong nước về tiềm lực tài chính chỉ đủ sức phát triển đội tàu lên đến chục chiếc, trong số đó có đến hơn 2/3 số tàu được đầu tư bằng nguồn vốn vay với lãi suất cao. Trong khi đó, doanh nghiệp nước ngoài có đội tàu mạnh gấp nhiều lần. Họ cũng sử dụng vốn vay để đầu tư nhưng mức lãi suất rất thấp, thậm chí ở nhiều quốc gia mức lãi suất cho vay bằng 0%. Như vậy, nếu chỉ tính đến khả năng tài chính, các doanh nghiệp trong nước đã thua ngay từ màn... cấp vốn.

Mặt khác, các doanh nghiệp logistics trong nước non trẻ, thua xa về kinh nghiệm và khả năng quản lý, hệ thống thông tin lạc hậu... Dù số đông nhưng các doanh nghiệp trong nước chỉ làm dịch vụ các chuỗi cung ứng nhỏ trong lãnh thổ: dịch vụ giao nhận, cho thuê kho bãi, làm thủ tục hải quan... Trong khi đó, các hoạt động lớn hơn, mang tính liên vận quốc tế đều do thiểu số các công ty, tập đoàn đa quốc gia đảm trách.

“Cứu” logistics từ chính sách?

Ngày 14/2/2017, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 200 “Phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025”. Theo đó, logistics được xác định là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân...

Chưa mơ ước thống lĩnh thị phần trong nước nhưng để logistics khỏi bết bát ngay trên sân nhà, trước tiên cần phải có cơ chế hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp. “Dịch vụ logistics ở Việt Nam hiện có quy mô 20 - 22 tỷ USD/năm, chiếm 20,9% GDP của cả nước. Với tốc độ phát triển hàng năm đạt 16% - 20%, đây là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng đều nhất của Việt Nam trong thời gian qua. Vậy nên có chính sách ưu đãi hỗ trợ lãi suất về vay vốn đối với các doanh nghiệp vận tải trong nước” – một doanh nghiệp vận tải biển tại Hải Phòng cho biết.

  Theo Quyết định số 200/2017 của Thủ tướng Chính phủ, logistics được xác định là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân.

Ngành được xác định “liên đới” nhiều nhất đến hoạt động logistics là Hải quan. Nhiều năm qua, Hải quan được đánh giá là ngành có nhiều đổi mới, đặc biệt cải cách thủ tục hành chính. Cơ quan Hải quan cũng đã xây dựng các hệ thống thông tin khá đầy đủ để quản lý.

Tháng 11/2017, Hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng biển được triển khai chính thức tại cảng Tân Vũ (Hải Phòng). Nhờ hệ thống quản lý này, thời gian đưa hàng ra, vào cảng mỗi container rút ngắn được vài phút. Với hàng nghìn container mỗi ngày, chỉ riêng cảng Tân Vũ đã giảm được rất nhiều thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, để sánh được với các doanh nghiệp logistics ở đẳng cấp quốc tế, ngoài chính sách, các doanh nghiệp buộc phải cạnh tranh từ các dịch vụ chuyên nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Logistics nội loay hoay giành giật thị phần
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO