Nhân dịp đầu xuân Nhâm Dần 2022, Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trò chuyện cùng ông Nguyễn Hoàng Minh - Tổng Giám đốc FPT IS để có những góc nhìn rõ nét hơn về cuộc đua này.

- Là đơn vị đã hợp tác triển khai các giải pháp chuyển đổi số cho nhiều doanh nghiệp bất động sản, ông có thể chia sẻ chuyển đổi số sẽ giải quyết được những bài toán cụ thể nào cho doanh nghiệp thưa ông?

Xây dựng – Bất động sản là ngành kinh tế mũi nhọn và nó thể hiện bộ mặt của cả nền kinh tế nói chung với đóng góp GDP đạt 7,62%. Ngành Xây dựng – Bất động sản đã trải qua làn sóng về số hoá đầu tiên bắt đầu từ cách đây 5-7 năm, các doanh nghiệp cũng đưa nhiều ứng dụng công nghệ thông tin vào trong vận hành, bán hàng nhưng cơ bản cách thức cũ vẫn là triển khai rời rạc, đơn lẻ, thiếu kết nối.

Hiện nay, làn sóng thứ hai đang tạo nhịp và nó được thúc đẩy từ chính nhu cầu của thị trường với các đòi hỏi ngày càng lớn từ thị trường về bất động sản (BĐS) thông minh, hệ sinh thái thông minh, dịch vụ tiện ích thông minh, ứng dụng các nền tảng proptech ngay từ khâu nắm bắt nhu cầu khách hàng dựa trên dữ liệu, thiết kế các trải nghiệm mới qua VR, AI/Chatbot…

Chưa kể các xu hướng về những thế hệ khách hàng tương lai GenZ, những tầng lớp có thu nhập cao và luôn đòi hỏi trải nghiệm công nghệ trong các sản phẩm, dịch vụ.

Xây dựng – Bất động sản là một ngành đặc thù với những bài toán rất phức tạp, có thể nói là phức tạp nhất trên thị trường gồm hàng loạt các “key players” với những yêu cầu khác nhau đòi hỏi những giải pháp được thiết kế riêng.

Ở thời điểm hiện tại, điều quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp Xây dựng – Bất động sản là tối ưu chi phí đầu tư và liên kết được chuỗi giá trị của ngành từ chủ đầu tư đến nhà thầu đến các công ty môi giới và phân phối. Theo đó, chuyển đổi số có thể cung cấp các nhóm giải pháp cho từng vấn đề: nhóm giải pháp về tài chính, quản lý xây dựng, quản lý dự án xây dựng, quản lý kinh doanh – bán hàng, các nhóm giải pháp về nhân sự, văn phòng/vận hành số, ứng dụng mobile app…

Ở bài toán tương lai, BĐS không chỉ là kinh doanh một loại tài sản mà là thị trường sẽ chỉ chấp nhận các giải pháp BĐS thông minh được cung cấp trên các nền tảng hệ sinh thái dịch vụ toàn diện. Công nghệ sẽ là 1 phần tất yếu nằm trong sản phẩm BĐS đưa ra thị trường. Nói cách khác, người làm chủ được các giải pháp công nghệ thông minh sẽ là người chiến thắng.

Bài toán là rất rõ và trên hết, chuyển đổi số không chỉ là những công cụ, nó đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng, giúp doanh nghiệp XĐ-BĐS tăng giá trị công ty rõ rệt và có thể tồn tại trong xu hướng của thị trường.

- Để chuyển đổi số, đâu sẽ là yếu tố các doanh nghiệp cần ưu tiên hàng đầu thưa ông?

Việc cần ưu tiên hàng đầu chính là việc doanh nghiệp xác định được ưu tiên chuyển đổi số của mình. Tức là, thay vì đầu tư tràn lan hoặc đầu tư theo xu hướng/trào lưu, doanh nghiệp cần hiểu rõ vấn đề lớn nhất của mình là gì, cần giải quyết bài toán nhức nhối nào đầu tiên.

Để làm được điều này thì bản thân FPT cũng đã đúc rút được một phương pháp luận triển khai FPT Digital Kaizen và đã áp dụng thành công khi tư vấn và triển khai cho khách hàng. Trong đó chúng tôi đề xuất quy trình 6 bước trong chuyển đổi số mà ở những bước đầu tiên là xác định pain points – những “nỗi đau” của doanh nghiệp thông qua việc tổ chức hàng loạt các hội thảo – workshop trong nội bộ doanh nghiệp, với từng nhóm bộ phận chức năng.

Sau đó FPT sẽ cùng các khách hàng đưa ra các vấn đề trọng tâm, tiếp tục lọc ra vấn đề ưu tiên hàng đầu, rồi mới đưa ra các sáng kiến số để giải quyết những vấn đề ưu tiên này.

Trong nhiều bài toán và vấn đề khác nhau thì để chọn ra thứ tự ưu tiên, chúng tôi cũng như các đối tác uy tín của mình thống nhất quan điểm là các doanh nghiệp Xây dựng – Bất động sản hãy bắt đầu bằng bài toán tối ưu vận hành để cắt giảm chi phí.

Tiếp theo là tăng doanh thu từ các nguồn hiện có và cuối cùng là mở rộng các mô hình mới mà như tôi nói ở trên, chính là tiến tới hoàn thiện các hệ sinh thái dịch vụ thông minh cho khách hàng.

- Tuy nhiên, thực tế nhiều đơn vị còn e ngại trong việc chuyển đổi số còn vì lý do tăng chi phí vận hành, theo ông, các doanh nghiệp cần làm thế nào để tính toán được khoản chi phí đầu tư hợp lý cho chuyển đổi số?

Chuyển đổi số là một khoản đầu tư, việc đánh giá chuyển đổi số làm tăng chi phí vận hành chỉ là đánh giá tại thời điểm đầu tư. Chúng ta cần nhìn tới cả lộ trình hiệu quả lâu dài mà chuyển đổi số đem lại.

Đối với 1 doanh nghiệp XD-BĐS, chi phí đầu tư cho chuyển đổi số lại là chi phí rất nhỏ so với các hạng mục đầu tư khác. Vấn đề không phải là chi phí bao nhiêu mà thực sự là kết quả đem lại sẽ là gì.

Ở bài toán tổng thể, khi đã triển khai ở một mức đủ mạnh, những bài toán phức tạp nhất trong quản trị doanh nghiệp xây dựng – bất động sản là tối ưu chi phí, ra quyết định đầu tư chính xác thì một nền tảng số hoá toàn diện giúp cho chủ doanh nghiệp nắm bắt được toàn bộ tình hình của doanh nghiệp mình ngay trên chiếc điện thoại.

Hoặc trong tương lai, khi các doanh nghiệp BĐS có thể cung cấp các hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ thông minh cho một khách hàng thì cơ hội tăng trưởng của họ là không giới hạn. Nếu nhìn vào lợi ích chúng ta sẽ thấy chi phí đã đầu tư là xứng đáng.

- Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh đầu tư về công nghệ, nguồn nhân lực trong doanh nghiệp chuyển đổi số cũng cần xây dựng “tư duy số”. Ông có thể chia sẻ quan điểm của mình về vai trò của tư duy số và làm thế nào để doanh nghiệp thúc đẩy hệ thống nhân lực của mình tham gia vào công cuộc chuyển đổi số?

Khi thực hiện chuyển đổi số, không chỉ là vấn đề công nghệ và chi phí, nó còn là chuyển đổi tư duy, chuyển đổi cách thức, phương thức, quy trình, mà gốc rễ là thay đổi từ con người. Điều quan trọng nhất và cũng là cái có được lớn nhất của doanh nghiệp khi triển khai chuyển đổi số, đó chính là xây dựng được văn hoá số trong tổ chức của mình.

Trước hết, chuyển đổi số bắt đầu từ người lãnh đạo. Tư duy số mà bạn đề cập cần được thiết lập đầu tiên và mạnh mẽ nhất từ người lãnh đạo. Việc các ông chủ doanh nghiệp đang trực tiếp chỉ đạo và tham gia vào chiến lược chuyển đổi số là một điều kiện then chốt.

Tiếp theo, các bộ phận chức năng và từng cán bộ nhân viên phải là chủ để trong công cuộc chuyển đổi số. Có nhiều doanh nghiệp gặp trở ngại khi tiến hành thay đổi, vì việc thay đổi này có tính ép buộc nhiều hơn.

Bản thân FPT hay như một số khách hàng đã áp dụng phương pháp Quick-win, bắt đầu từ một bộ phận nhỏ với thay đổi nhỏ, sau đó, khi đã nhận thấy lợi ích to lớn mang lại thì chính bản thân họ sẽ là người đưa ra yêu cầu – request về việc triển khai mở rộng, tiếp tục các bộ phận khác cũng có nhu cầu chuyển đổi để có kết quả hoạt động tốt hơn.

Như vậy, doanh nghiệp sẽ vượt qua được khó khăn nếu phải đồng loạt chuyển đổi ngay cho tất cả bộ phận, tôi tin đó là cách thức mà đơn vị nào cũng có thể áp dụng.

- Một số chủ đầu tư các dự án bất động sản cũng cho biết, việc chuyển đổi số gặp khó, do việc các doanh nghiệp tiếp cận thông tin nguồn (quy hoạch, dữ liệu dân cư) đang rất khó khăn. Liệu chăng cần có cơ chế riêng cho việc tiếp cận thông tin cho các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số thưa ông?

Đây là một vấn đề rộng tuy nhiên chúng ta đều biết là xây dựng CSDL đất đai quốc gia nằm trong nhóm 6 CSDL trọng điểm của Việt Nam. Đây là cơ sở quan trọng để chúng ta tin tưởng rằng việc tiếp cận, chia sẻ các thông tin này theo các quy định cho phép sẽ là vấn đề thời gian. Trong lúc đó các doanh nghiệp hoàn toàn có thể tập trung thực hiện các dự án chuyển đổi số để sẵn sàng cho việc kết nối, liên kết về sau.

Theo quan điểm của FPT chúng tôi luôn nhìn nhận cả bài toán lớn của ngành như một trụ cột chuyển đổi số của quốc gia, chúng tôi gọi là URDX (Urban Digital transformation), bên cạnh các trụ cột về xây dựng chính phủ số và chính quyền số (GDX); trụ cột xây dựng xã hội số (PDX); doanh nghiệp số, chuyển đổi số các ngành (EDX/IDX). URDX là chuyển đổi số đô thị để hình thành nên các đại đô thị thông minh, các thành phố thông minh, khu đô thị thông minh, khu công nghiệp thông minh.

Ở thời điểm hiện tại chúng ta đang có những yếu tố rất thời cơ mà hàng chục, hàng trăm năm mới có một lần, đó là sự hội tụ, sự chuyển đổi của mô hình Chính phủ sang Chính phủ kiến tạo mà chúng ta tin tưởng rằng những vấn đề trở ngại ở hiện tại đang được xem xét kĩ lưỡng. FPT đang tham gia vào tất cả cuộc chuyển đổi số này và chúng tôi tin tưởng vào việc kết nối, liên thông sẽ là điều tất yếu trong tương lai gần.

- Ông có thể chia sẻ thêm về những định hướng của FPT IS trong công cuộc đồng hành cùng doanh nghiệp bất động sản chuyển đổi số trong thời gian tới?

Xây dựng – Bất động sản sẽ tiếp tục là định hướng mũi nhọn của FPT trong thời gian tới. Như tôi đã đề cập ở trên, bản thân chúng tôi cũng đang tham gia chặt chẽ vào các công cuộc chuyển đổi số toàn diện và nhìn nhận chuyển đổi số BĐS trong một bức tranh và viễn cảnh lớn.

Chúng tôi đưa ra 3 hướng hợp tác chính: tư vấn, triển khai giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp; đầu tư cơ sở hạ tầng số cho các khu đô thị; tư vấn, hợp tác và triển khai các giải pháp thông minh. Hiện tại, chúng tôi đang phát triển các giải pháp smart township, smart building, smart home.

Với những lợi thế sẵn có về giáo dục, y tế, truyền thông, giải trí, chúng tôi có chung tầm nhìn cùng với các khách hàng là làm sao bất kỳ ai ở trong gia đình khi ở trong nhà,  ở bất kỳ nơi đâu, bằng bất kỳ thiết bị nào đều có được những trải nghiệm đầy đủ nhất về học tập,  sinh hoạt sống cũng như làm việc từ xa, giải trí từ xa… Tài sản BĐS sẽ liên tục được gia tăng giá trị về dịch vụ, giá trị về trải nghiệm.

- Xin cảm ơn ông!