Evergrande là cái tên nóng nhất trên thị trường bất động sản toàn cầu những ngày qua. Đã có hàng trăm dự báo cũng như các quan điểm phân tích hệ lụy của vụ vỡ nợ quy mô khủng nhất Trung Quốc. 

GIỚI TÀI CHÍNH TOÀN CẦU "NÍN THỞ'

Evergrande, công ty có trụ sở tại Thâm Quyến đang phải đối mặt với một khoản nợ lớn gần 300 tỷ đô la Mỹ. Cuộc khủng hoảng này khiến nhiều người gợi nhớ đến vụ phá sản của Lehman Brothers cách đó đúng 13 năm, gây ra làn sóng chấn động khắp thị trường toàn cầu dù các chuyên gia cho rằng xét về mức độ “nguy hại” chưa thể bằng “chuỗi domino” mà Lehman Brothers đã từng gây ra.

Theo trang The National, Tập đoàn China Evergrande là doanh nghiệp bất động sản có doanh thu lớn thứ 2 Trung Quốc. Trong những tháng gần đây, Evergrande đang đối mặt với cuộc khủng hoảng thanh khoản trầm trọng xuất phát từ nợ quá hạn. Vào ngày 23-9 tới đây, Evergrande sẽ phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ trái phiếu ở nước ngoài.

Trong một báo cáo ngắn công bố mới đây, hãng đánh giá tín dụng S&P Global Ratings nói rằng sẽ không kỳ vọng vào việc chính phủ sẽ ra tay giải quyết, trừ phi sự ổn định của toàn hệ thống bị đe dọa. “Sự cứu trợ của chính phủ sẽ làm lu mờ chiến dịch lập lại trật tự kỷ cương trên thị trường tài chính của ngành bất động sản”, báo cáo viết.

Còn theo trang tin Bloomberg, từ giờ đến cuối năm tập đoàn cần trả lãi suất đến hạn tương đương 669 triệu đô la. Tháng 3-2022, lượng trái phiếu 2 tỉ đô đến hạn, kế tiếp là khoản khác 1,45 tỉ đô trong tháng 4. Hãng S&P nhận định: “Trong khi Evergrande đã trả hết trái phiếu công trong năm nay, tái tài chính trong năm 2022 sẽ là thách thức nếu tập đoàn không thể tiếp cận được thị trường vốn lúc cần kíp”.

Nhìn nhận vấn đề, Fitch Ratings và S&P Global Ratings đã đánh giá rằng Evergrander có khả năng vỡ nợ. Trong khi mọi người mong đợi Evergrander có thể thanh toán các sản phẩm quản lý tài sản có lợi suất cao mà tập đoàn đã bán cho hàng trăm ngàn các nhà đầu tư cá nhân, trong đó có cả nhân viên của họ. Nhưng thị trường nhà cửa ở Trung Quốc đang “đóng băng” khi nhà chức trách siết chặt quản lý và cả nỗi lo sợ Evergrande bán tháo tài sản.

Theo Slate, trong 30 năm qua, các thành phố của Trung Quốc đã đón dòng người di cư chưa từng có. Các "khu rừng chung cư" là biểu hiện dễ thấy nhất của trào lưu đó. Hàng loạt công ty phát triển bất động sản cũng mọc lên như nấm để đáp ứng nhu cầu xây dựng ồ ạt.

Theo CNBC, hố nợ 300 tỷ USD của Evergrande cũng làm rung chuyển thị trường toàn cầu. Các nhà đầu tư lo ngại rằng Bắc Kinh sẽ để cho công ty sụp đổ, gây tổn thương cho cổ đông và trái chủ.

Ông Mark Williamsm - Nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á tại Capital Economics cho biết, hàng triệu khách hàng đã đặt cọc và chờ Evergrande giao nhà. "Chúng tôi không biết họ có thể xây nhà hay không, nhưng điều đó có vẻ khó xảy ra".

NHÀ ĐẦU TƯ TRONG NƯỚC "CHỘT DẠ"

Tại Việt Nam, nhìn lại bức tranh phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp thời gian qua, đặc biệt là các lô trái phiếu riêng lẻ do các doanh nghiệp bất động sản phát hành với lãi suất cao nhưng lại không có tài sản đảm bảo hoặc được đảm bảo vài tài sản vốn “bất định” là cổ phiếu của chính các doanh nghiệp phát hành trên sàn chứng khoán khiến không ít nhà đầu tư “chột dạ”.

Theo nhận định của Chuyên gia kinh tế TS. Đinh Thế Hiển, "quả bom" Evergrande đang phần nào cho thấy thực trạng tăng trưởng nóng dựa trên vay vốn của thị trường bất động sản Trung Quốc. Song, nếu Tập đoàn này sụp đổ cũng chưa thể tạo hiệu ứng dây chuyền cho thị trường bất động sản như nhiều nhận định, bởi hệ thống tài chính của Trung Quốc chịu sự kiểm soát khá mạnh của Nhà nước.

Theo TS. Đinh Thế Hiển, Chính phủ đất nước tỷ dân có thể sẽ tiếp quản các dự án bất động sản dở dang đã được khách hàng đóng tiền để bảo đảm Tập đoàn phải hoàn thành các hợp đồng mà khách hàng đã đóng tiền mua nhà. Điều này sẽ khiến người dân Trung Quốc yên tâm hơn trong việc đầu tư bất động sản cũng như tin tưởng vào Chính phủ trong việc bảo vệ quyền lợi khách hàng. Đây cũng là một trong những nguyên tắc xử lý nợ khi một công ty mất khả năng thanh toán, phá sản.

"Theo nguyên tắc xử lý nợ, bước tiếp theo các ngân hàng Trung Quốc có thể sẽ cho Tập đoàn này vay, qua đó nắm các bất động sản đang thế chấp để xử lý, thu hồi nợ. Tất nhiên ngân hàng sẽ mất khá nhiều phần lãi vay. Như vậy, hệ thống ngân hàng của Trung Quốc cũng không bị ảnh hưởng quá nhiều về khoản nợ đã cho vay. Do đó, không cần quá lo lắng về sự sụp đổ của các ngân hàng thương mại. Đây là điều quan trọng nhất", TS. Đinh Thế Hiển nhận định.

Thiệt hại nặng nề nhất theo đánh giá của TS. Đinh Thế Hiển là những nhà đầu tư trái phiếu (bao gồm nhà đầu tư trong nước và quốc tế). Bên cạnh đó, các cổ đông của Tập đoàn có thể sẽ trắng tay sau khi số nợ trên được xử lý hết.

"Tóm lại, khoản thiệt hại lớn nhất sẽ thuộc về các nhà đầu tư chứng khoán Trung Quốc và quốc tế. Con số này rất lớn nhưng sẽ chia cho hơn 70.000 nhà đầu tư chứ không riêng hệ thống ngân hàng thương mại cho vay và người mua nhà. Trong đó, người mua nhà nhiều khả năng sẽ chịu thiệt hại ít nhất hoặc sẽ không thiệt hại gì khi nhận nhà", ông Hiển phân tích.

THẬN TRỌNG TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP

Tại Việt Nam, thời gian gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang nóng lên. Dữ liệu từ Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy, trong 8 tháng đầu năm có 490 đợt phát hành TPDN trong nước với tổng giá trị phát hành 308.517 tỷ đồng và ba đợt phát hành trái phiếu ra thị trường nước ngoài với tổng giá trị 1 tỷ USD.

Trong đó, nhóm các doanh nghiệp bất động sản huy động nhiều thứ hai sau nhóm các ngân hàng thương mại với tổng giá trị phát hành 107.980 tỷ đồng. Đáng chú ý, khoảng 21,6% trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản phát hành không có tài sản đảm bảo hoặc được đảm bảo bằng cổ phiếu.

Nếu chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2021, theo số liệu từ SSI Research thì các doanh nghiệp BĐS phát hành 92,3 nghìn tỷ đồng trái phiếu với lãi suất bình quân là 10,36%/năm, thấp hơn 23 bps so với bình quân năm 2020 trong khi kỳ hạn bình quân giữ ở mức 3,8 năm. Các ngân hàng và CTCK đã mua 37,3 nghìn tỷ đồng trái phiếu BĐS (chiếm 40,4%).

Trong khi đó, thanh khoản của thị trường địa ốc có xu hướng giảm, cho thấy sức hấp thụ đang suy yếu dần. Điều này có nguy cơ làm tăng chi phí vốn do ứ đọng, ảnh hưởng đến kế hoạch dòng tiền trả nợ gốc, lãi trái phiếu của doanh nghiệp.

Thậm chí đã có chuyên gia cảnh báo với nhà đầu tư rằng "nguy cơ vỡ bom nợ trái phiếu dần hiện rõ, đặc biệt là trái phiếu bất động sản".

Tuy nhiên, theo TS. Đinh Thế Hiển, dù có nguy cơ nào đó nhưng Việt Nam không cần quá lo lắng về việc xảy ra những trường hợp tương tự như Trung Quốc. Bởi các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam chưa có khoản nợ quốc tế bằng USD đáng kể.

Trong một động thái siết chặt hoạt động phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng có công văn gửi Ủy ban Chứng khoán nhà nước; Vụ Tài chính ngân hàng và Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp nhằm hướng tới thị trường minh bạch, an toàn và hạn chế rủi ro.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, kinh tế Việt Nam vẫn còn trong tiến trình tăng trưởng, việc đầu tư hạ tầng đang được chú trọng, quá trình đô thị hóa vẫn tiếp diễn mạnh mẽ đang là chỗ dựa cho thị trường bất động sản phát triển. Hơn nữa, với đặc điểm đầu tư tại Việt Nam thì bất động sản vẫn có ưu thế hơn các kênh khác nên vẫn được nhiều nhà đầu tư lựa chọn.

Đối với các nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội thu lợi nhuận cao từ kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, TS. Đinh Thế Hiển cũng khuyến cáo các nhà đầu tư nên thận trọng với trái phiếu của các công ty bất động sản bởi kênh đầu tư này sẽ không được Nhà nước bảo vệ./.