Tỉnh Thanh Hóa vừa có quyết định thu hồi 456.344 m2 đất của Công ty TNHH MTV ôtô Vinaxuki. Dự án này có mức đầu tư hơn 1.300 tỷ nhưng bỏ hoang từ năm 2013 đến nay.

Cùng với đó, UBND tỉnh Thanh Hóa cho Công ty cổ phần Giải trí nghe nhìn Toàn Cầu thuê khu đất trên để tiếp tục sử dụng, thực hiện dự án Cụm các nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô, máy xây dựng.

Công ty TNHH MTV ôtô Vinaxuki Thanh Hóa có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh theo quy định; phối hợp với Công ty cổ phần Giải trí nghe nhìn Toàn Cầu để giải quyết, thực hiện các nội dung khác có liên quan đến việc đầu tư, xây dựng, sử dụng đất nếu có.

Đồng thời, Công ty Vinaxuki Thanh Hóa phải phối hợp chặt chẽ với Cục Thuế Thanh Hóa để giải quyết, xử lý dứt điểm đối với các khoản nợ ngân sách Nhà nước liên quan đến khu đất theo đúng quy định.

Việc Khu đất của Vinaxuki Thanh Hóa bị thu hồi có thể xem là dấu chấm hết cho dự án sản xuất xe hơi đầy tham vọng của ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch công ty.

Vinaxuki từng là một doanh nghiệp lớn trong ngành xe hơi. Doanh nghiệp này từng phát triển rất mạnh mẽ, ôm tham vọng phát triển xe hơi thương hiệu Việt

Vinaxuki thành lập năm 2005 là một trong hai doanh nghiệp ôtô tư nhân đầu tiên bên cạnh Trường Hải được Chính phủ cấp giấy phép sản xuất ôtô các loại và phụ tùng.

Vinaxuki thành lập năm 2005 là một trong hai doanh nghiệp ôtô tư nhân đầu tiên bên cạnh Trường Hải được Chính phủ cấp giấy phép sản xuất ôtô các loại và phụ tùng.

Vào đầu năm 2004, Vinaxuki tiến hành xây dựng Nhà máy Ô tô tại huyện Mê Linh (Hà Nội) với công suất 20.000 xe/năm. Trong giai đoạn 2006-2008, nhà máy này đã sản xuất trên 20 dòng xe tải với tỷ lệ nội địa hóa 27%. Từ khi hoạt động, nhà máy đều có lãi; sau 3 năm đã thu hồi vốn, trả nợ cho các ngân hàng.

Giai đoạn từ 2006-2009 là “thời hoàng kim” của Vinaxuki. Theo ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng giám đốc Vinaxuki, khi ấy chỉ cần nhập linh kiện về lắp ráp ô tô, sản xuất một số chủng loại thùng xe tải, không đòi hỏi công nghệ cao nhưng cho lợi nhuận khủng. Năm thấp nhất Vinaxuki cũng lãi 90 tỷ đồng, năm cao nhất lãi tới 160 tỷ đồng.

Tuy nhiên, muốn bắt kịp các nước trong khu vực thì không thể làm mãi như vậy. Đến năm 2018, khi thuế nhập khẩu ô tô từ khu vực ASEAN về giảm xuống còn 0%, nếu không đạt tỷ lệ nội địa hóa trên 40%, xe không xuất khẩu được. Nguy cơ đóng cửa cao và ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ chẳng có gì, ông Huyên khi đó nhìn nhận.

Với sự khuyến khích của Chính phủ cùng các chương trình ưu đãi, hỗ trợ như: Chương trình cơ khí trọng điểm, đầu tư công nghệ cao, phát triển công nghiệp hỗ trợ,... Vinaxuki tự tin đầu tư cho dự án lớn: Sản xuất ô tô, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Hơn 900 tỷ đồng từ vốn vay và lợi nhuận tích lũy được Vinaxuki rót vào luyện kim, đúc phôi, sản xuất khuôn mẫu, cùng các thiết bị tự động cho dây chuyền dập, cắt plasma, cắt laser, sơn tự động bằng robot,... Đầu tư thêm nhà máy tại Thái Nguyên và Thanh Hóa.

Cận cảnh khoang lái chưa được hoàn thiện do không có vốn

Khoang lái chưa được hoàn thiện do cạn...vốn

Giai đoạn này, Vinaxuki cũng hợp tác với các công ty Nhật Bản, nhận chuyển giao công nghệ thiết kế thân vỏ xe và xây dựng một trung tâm thiết kế các sản phẩm ô tô. Doanh nghiệp đã sản xuất được cabin, khung gầm xe tải và thân vỏ xe khách, xe con 5 chỗ. “Chúng tôi còn kết hợp với một số công ty của Bộ Quốc phòng, nghiên cứu để sản xuất xe bọc thép với khung gầm của CHLB Nga. Tuy nhiên, mọi việc phải dừng lại vào năm 2012”, ông Huyên cho biết.

Tuy nhiên, tham vọng này chỉ đi được nửa chặng đường do các gánh nặng nợ và chiến lược sai lầm khiến Vinaxuki mất khả năng hoạt động kinh doanh. Năm 2017, Vinaxuki từng gửi đơn kêu cứu Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành. Qua thư, công ty mong được tái cơ cấu vốn, được vay vài trăm tỉ đồng vốn lưu động để sản xuất nhằm tiếp tục đeo đuổi giấc mơ còn dang dở và đảm bảo việc làm cho công nhân. Tuy nhiên, đề xuất này bị bác bỏ.

 

Sau nhiều năm theo đuổi giấc mơ sản xuất ô tô mang thương hiệu “made in Vietnam” nhưng không thành, ông Bùi Ngọc Huyên, Giám đốc Vinaxuki, từng chia sẻ rằng Vinaxuki đã chạy khắp nơi xin vay vốn mà không được, mặc dù công ty có đầy đủ đất đai, nhà xưởng, dây chuyền máy móc công nghệ cao. Không chỉ vậy, công ty còn sản xuất được phụ tùng ô tô cốt lõi bằng công nghệ cao, nhất là sản xuất được các mẫu xe ưu tiên với mức nội địa hóa lên đến trên 40%-50% với giá rẻ hơn xe nhập ngoại rất nhiều.

Ông Huyên chia sẻ, Vinaxuki đầu tư nhiều nhưng lại không nhận được sự ưu đãi, hỗ trợ như các chính sách đã ban hành, dẫn đến khó khăn. Để sản xuất ô tô DN chỉ có thể bỏ ra 50-60% số vốn, còn lại phải vay ngân hàng. Tiền cho việc nghiên cứu phát triển, thuê chuyên gia lắp đặt, chế thử cũng chiếm từ 20-30% tổng chi phí của dự án. Sau khi ra sản phẩm, phải thực hiện chiến lược marketing từ 1-5 năm mới bán được hàng. Song, trước năm 2012, các ngân hàng thương mại chỉ cho Vinaxuki vay chủ yếu vốn ngắn hạn một năm. Nếu không trả đúng, hạn phạt 150%. Với DN tư nhân, được vay nhiều nhất là 50% tổng vốn dự án, lãi suất khi đó ở mức từ 17-20%/năm.

Không được hưởng chính sách ưu đãi, phải vay ngắn hạn với lãi suất cao, lúc bình thường còn quay vòng trả nợ được, nhưng vào thời điểm khủng hoảng tài chính năm 2011-2012, khiến thị trường ô tô suy giảm, hàng nghìn xe lắp ráp xong không bán được, xe bán được cũng phải giảm giá, dẫn đến khó khăn trong thu hồi vốn.

Năm 2012, Vinaxuki lỗ 45 tỷ đồng và bị nợ quá hạn các ngân hàng. Theo quy định, khi đã nợ quá hạn, thì cũng không thể tiếp tục được vay vốn nữa. Từ 2012 trở đi, Vinaxuki không thể vay được vốn ở đâu, dù chỉ là vốn lưu động.

Kết cục, từ đi đầu trong đẩy mạnh nội địa hóa, Vinaxuki rơi vào thảm cảnh, trong khi các DN lắp ráp ô tô lại sống khỏe. “Đã nhiều lần các chủ nợ và bản thân tôi rao bán nhà máy, nhưng không ai mua. Lý do các nhà đầu tư còn phải chờ chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Chính phủ; chờ quy mô thị trường ô tô Việt Nam tăng”, ông Huyên chia sẻ.

Ông Huyên ngậm ngùi: “Mấy chục năm qua, lúc nào tôi cũng nghĩ tới việc cho ra mắt những sản phẩm ô tô ‘Made in Vietnam’ đáp ứng nhu cầu khách hàng và thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp ô tô nước nhà. Nhưng mọi chuyện cuối cùng lại rất tồi tệ”.

Không vay được vốn lưu động khiến các kế hoạch sản xuất kinh doanh của Vinaxuki bị đổ vỡ, không trả được nợ.

Giám đốc Vinaxuki Bùi Văn Huyên chia sẻ: “Tôi đã làm ra được một xe tám chỗ, hai xe năm chỗ, đã chạy thử và định sản xuất nhưng lại bị ngân hàng cắt vốn lưu động không cho vay vốn”.Ông cũng cho biết đã đổ không biết bao nhiêu tiền vào đam mê sản xuất ô tô mang thương hiệu Việt. “Quan trọng tôi là người dân Việt Nam, tôi cần tiền làm xe thương hiệu Việt chứ không cần tiền để sống. Tôi vẫn theo đuổi giấc mơ ô tô Việt Nam. Tôi khẳng định người Việt hoàn toàn đủ tài năng và trí tuệ làm ô tô" - ông từng chia sẻ.

Từ một doanh nghiệp làm ăn phát đạt, với tham vọng không chỉ sản xuất ô tô mà cả xe bọc thép, đến năm 2014 cả ba nhà máy ô tô của Vinaxuki phải ngừng hoạt động, các ngân hàng liên tục tìm cách xiết nợ, thu hồi vốn. Sau nhiều lần gửi tâm thư lên các cơ quan chức năng và Thủ tướng Chính phủ kêu cứu về tình cảnh khốn đốn của mình, ông chủ Vinaxuki giờ đã nản.

 

Sau nhiều nỗ lực của ông Bùi Ngọc Huyên, chủ tịch HĐQT công ty, đây được coi là dấu chấm hết cho một thương hiệu ôtô Việt, từng mang tới nhiều hy vọng và cả thất vọng cho giới chuyên môn và cả người tiêu dùng Việt.

Khi mới ra đời, quãng 2004-2009, Vinaxuki của ông Huyên sống rất tốt vì chỉ tập trung xe tải. Nhưng khủng hoảng kinh tế 2008 khiến những năm sau đó ôtô tải khó bán. Xe ế ẩm, lợi nhuận vơi. Đúng lúc này, ông Huyên tuyên bố muốn làm ôtô con, với chiếc concept VG.

Ông chủ Vinaxuki gánh trên vai khối nợ lên tới cả nghìn tỷ đồng

Ông chủ Vinaxuki gánh trên vai khối nợ lên tới cả nghìn tỷ đồng

Nhưng, Vinaxuki không có tiền. Vị doanh nhân, kỹ sư già nhiều lần viết thư cầu cứu Chính phủ giúp đỡ, để có tiền phát triển xe con. Nhưng thực tế, việc kinh doanh không đơn thuần như những gì vị kỹ sư già hô hào trên truyền thông. Ông Huyên đói vốn, xe mãi chỉ là chiếc vỏ xuất hiện ở triển lãm ôtô, không hơn. Giấc mơ ôtô Made in Vietnam, từ đó đứt gánh giữa đường.

Trong ngành ôtô, cần thấy sự khác biệt giữa xe thương mại (commercial car) và xe con (xe du lịch - passenger car). Xe con có yêu cầu cao, phức tạp, và đương nhiên doanh thu và lợi nhuận sẽ tốt nếu công ty có một chiến lược kinh doanh, và cách điều hành kinh doanh tốt. Đối với xe thương mại, khách hàng là những công ty, những nhà chuyên nghiệp trong kinh doanh vận tải hàng hóa hoặc hành khách. Khi khách hàng ra quyết định mua một chiếc xe, thì đó là một quyết định đầu tư vảo sản xuất kinh doanh, không phải là cho tiêu dùng như xe con. Họ cân nhắc yêu cầu của hoạt động kinh doanh đang có, phân tích tài chính về khoản đầu tư, chi phí vận hành, doanh thu dự kiến, điểm hòa vốn...

Các xe thương mại thường có kích thước lớn, động cơ lớn, tần suất sử dụng cao nên yếu tố môi trường trong quá trình sử dụng cũng rất quan trọng. Các tiêu chuẩn về khí thải tại thị trường của các nước phát triển rất cao, và khó đạt. Vì vậy, bản đồ sản xuất xe thương mại trên thế giới rất rõ ràng, các hãng sản xuất xe thương mại phân nhóm cho khu vực thị trường cao cấp và thị trường thấp cấp.

Vinaxuki tự hào là thương hiệu Việt sản xuất ôtô, nhưng đã thất bại. Theo một cựu quản lý cấp cao từng làm việc cho nhiều hãng xe sang tại Việt Nam, có nhiều nguyên nhân, nhưng căn bản nhất là:

Năng lực: công ty chỉ mới bắt đầu vào sản xuất ôtô tải, thuộc phân khúc xe thương mại, cho thị trường trong nước, với tiêu chuẩn chất lượng thấp. Vì thế năng lực trong lĩnh vực sản xuất ôtô là hạn chế. Công ty nên giới hạn trong phạm vi xe tải, nâng cao năng lực, để sản xuất những mẫu xe tải chất lượng cao hơn, có thể xuất khẩu để tăng doanh số.

Thiếu chuẩn bị khi thay đổi chiến lược kinh doanh: Công ty quá nôn nóng phát triển và sản xuất xe du lịch. Đây là một lĩnh vực hoàn toàn khác và ít liên quan đến những thế mạnh, năng lực mà công ty đang có. Không chỉ Vinaxuki, rất nhiều công ty trong nước sau một thời gian phát triển mạnh, bất ngờ tuột dốc và phá sản. Một vấn đề chung là năng lực yếu kém của bộ máy lãnh đạo, điều hành, quản lý của công ty. Sự thành công thường đến từ định hướng kinh doanh của người lãnh đạo đã phù hợp với điều kiện, xu thế của một giai đoạn nhất định. Khi có sự thay đổi của môi trường kinh doanh, mức độ cạnh tranh gia tăng, bộ máy quản lý của công ty không đủ năng lực để xây dựng lại chiến lược kinh doanh, tổ chức vận hành hiệu quả. Từ đó, sự thất bại là tất yếu.

Nhà máy Vinaxuki tại Thanh Hoá hiện bỏ hoang nhiều năm.

Nhà máy Vinaxuki tại Thanh Hoá hiện bỏ hoang nhiều năm.

Vinaxuki thất bại có thể là do “đi quá nhanh, quá sức” trong khi thị trường tiêu thụ ô tô Việt Nam còn nhỏ so với các nước trong khu vực và thế giới. Hơn nữa muốn sản xuất ô tô cạnh tranh được với các hãng ô tô hiện nay thì đầu ra phải đạt cả trăm ngàn xe mỗi năm vì chi phí đầu tư của ngành ô tô rất lớn.

“Các hãng ô tô nước ngoài đang có nhà máy đặt tại Việt Nam, Thái Lan hay Indonesia sản xuất hàng trăm ngàn chiếc mỗi năm, vừa bán trong nước vừa xuất khẩu. Trong khi Vinaxuki nguồn vốn hạn chế, chưa làm xong xe đã cạn tiền, đổ nợ là chuyện bình thường” - một chuyên gia phân tích.

Không chỉ bị UBND tỉnh Thanh Hóa thu hồi đất xây dựng nhà xưởng, thời gian qua khối tài sản đảm bảo nghìn tỷ của Vinaxuki cũng liên tục được các ngân hàng mang ra thanh lý với giá rẻ mạt.

Cuối tháng 8/2020, chi nhánh Thăng Long của ngân hàng Vietcombank tiếp tục thông báo phát mại hệ thống nhà xưởng, máy móc thiết bị nhà máy Vinaxuki Thanh Hóa với giá khởi điểm 36,6 tỷ đồng.

Trong lần thứ 4 rao bán khối nợ xấu của Vinaxuki Thanh Hóa, nhà băng này đã phải liên tục hạ giá khối tài sản đảm bảo của doanh nghiệp này từ mức 44,3 tỷ đồng trong lần rao bán đầu tiên, xuống 42,9 tỷ đồng trong lần thứ 2, và 39,3 tỷ đồng trong lần thứ ba.

Trước đó, vào tháng 7/2020 ngân hàng BIDV cũng thông báo đấu giá khoản nợ của CTCP Ôtô Xuân Kiên Vinaxuki (Công ty Vinaxuki) và Công ty TNHH MTV Ô tô Xuân Kiên Vinaxuki Thái Nguyên (Công ty Vinaxuki Thái Nguyên) với giá khởi điểm chào bán là 1.351 tỷ đồng.

Tài sản bảo đảm cho khoản nợ gồm quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Hà Nội, tổng diện tích đất là hơn 138.814 m2, máy móc thiết bị tại Nhà máy Vinaxuki Mê Linh; quyền khai thác mỏ quặng Antimon và dây chuyền tuyển quặng tại tỉnh Đắk Nông cùng các tài sản gắn liền với đất của nhà máy Vinaxuki Thái Nguyên.