==o0o==

Mới đây, tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Có thể nói, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 Luật đã có các nội dung cụ thể được sửa đổi, bổ sung liên quan trực tiếp tới hoạt động đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt với công tác đầu tư công cũng như triển khai các dự án bất động sản.

Liên quan đến nội dung này, chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, PGS. TS Doãn Hồng Nhung, Giảng viên Cao cấp Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Trưởng ban Pháp chế Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, cần khẩn trương ban hành các Nghị định hướng dẫn thi hành của 9 luật có liên quan và minh bạch, rõ ràng trong thực thi là các vấn đề cấp bách nhất hiện nay.

- Bà đánh giá ra sao về những tác động của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 Luật mà Quốc hội đã thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất với lĩnh vực đầu tư công và thị trường bất động sản?

PGS.TS. Doãn Hồng Nhung: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 Luật vừa được Quốc hội thông qua đã trực tiếp tháo gỡ rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. 

Tôi đánh giá cao sự nỗ lực và quyết liệt của Quốc hội và Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Công nghiệp, Bộ Thông tin truyền thông, Ủy ban Kinh tế của  Quốc Hội, Viện Nghiên cứu Lập pháp…. và các cơ quan có liên quan .

Tính cấp thiết sửa luật xuất phát từ đòi hỏi của đời sống kinh tế - xã hội - thúc đẩy xây dựng nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự đã được thể hiện qua Luật số 03/2022/QH 15 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, Kỳ họp bất thường lần thứ nhất thông qua ngày 11 tháng 01 năm 2022.

Các nội dung cụ thể được sửa đổi, bổ sung lần này liên quan trực tiếp tới hoạt động đầu tư, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp.

Thứ nhất, về nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP). Đối với nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công tăng cường phân cấp quản lý đối với các dự án sử dụng nguồn vốn này sẽ làm giảm thủ tục hành chính, góp phần khắc phục tình trạng giải ngân chậm trong thời gian qua và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA.

Đồng thời nhằm mục đích kiểm soát chặt chẽ việc vay vốn nước ngoài, thực hiện điều ước quốc tế để bảo đảm uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; Quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài phải căn cứ vào đề xuất dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Việc phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư cho địa phương vẫn bảo đảm quá trình quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc vay, sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài. Việc lập và điều chỉnh kế hoạch đầu tư công phải căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội trong lĩnh vực này. Do đó, việc phân cấp vẫn bảo đảm kiểm soát chặt chẽ vay vốn nước ngoài.

Thứ hai, về nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi mà phải thu hồi đất thì thẩm quyền thu hồi đất thuộc Thủ tướng Chính phủ; nay phân cấp quyết định chủ trương đầu tư cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đối với dự án nhóm B và nhóm C mà không sửa đổi Luật Đất đai, phân cấp thẩm quyền thu hồi đất thì quá trình triển khai thực tế sẽ vướng mắc quy định tại Điều 62 Luật Đất đai năm 2013 về dự án sử dụng vốn ODA.

Thứ ba, về nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư. Quy định hiện nay theo hướng nhấn mạnh các dự án đầu tư thực hiện trong phạm vi khu vực bảo vệ I và II phải phù hợp với quy định của pháp luật về di sản văn hóa phân cấp cho địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư và rút ngắn thời gian thực hiện dự án, nhấn mạnh sự phù hợp với pháp luật về di sản văn hóa. Giữ thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư thuộc Thủ tướng Chính phủ đối với dự án thuộc khu vực bảo vệ II của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia đặc biệt thuộc Danh mục di sản thế giới.

- Vậy theo bà, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật khi có hiệu lực sẽ có tác động như thế nào đến hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản?

PGS.TS Doãn Hồng Nhung: Tôi kỳ vọng nhiều vào những quy định pháp luật mới sẽ tạo cách hiểu và áp dụng nhất quán, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thích ứng với bối cảnh mới, với tác động của Covid-19. 

Luật Đầu tư lần này sửa đổi, bổ sung điểm g khoản 1 Điều 31 và điểm b khoản 1 Điều 32 để thực hiện phân quyền cho UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị... cũng có ý nghĩa giảm tải áp lực cơ quan Trung ương, rút ngắn thời gian, thủ tục và chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, từ đó người dân cũng được hưởng lợi.

- Vậy theo bà, để luật nhanh chóng đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả như mục tiêu đề ra Chính phủ cần sớm triển khai những giải pháp gì?

PGS.TS Doãn Hồng Nhung: Công việc cần làm ngay đó là khẩn trương ban hành các Nghị định hướng dẫn thi hành của 9 luật có liên quan và minh bạch, rõ ràng trong thực thi là các vấn đề cấp bách nhất hiện nay. Chậm ngày nào là doanh nghiệp, người dân, nền kinh tế của chúng ta khó khăn thêm ngày đó.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật. Khẩn trương ban hành các Nghị định và Thông tư quy định chi tiết Luật này sẽ nâng cao hiệu quả thi hành, để Luật nhanh chóng đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả như mục tiêu ban hành Luật đề ra.

- Trân trọng cảm ơn bà.