Lựa chọn mô hình công ty khởi nghiệp: Sai một ly, đi một dặm

Theo khampha 26/02/2018 18:10

Với đầy đủ hồ sơ, các startup chỉ mất 3 ngày để thành lập doanh nghiệp. Nhưng nếu thiếu sự chuẩn bị kỹ lưỡng, thời điểm thành lập doanh nghiệp cũng là thời điểm startup đi vào con đường thất bại.

Từ ý tưởng giúp nông dân sản xuất đậu phộng sạch, anh Trần Đăng Đạt và các cộng sự đã thành lập công ty sản xuất bơ đậu phộng với công thức riêng. Tuy nhiên, chỉ đến khi công ty cần tăng thêm vốn để mở rộng kinh doanh, anh Đạt mới biết là công ty phải bầu ra Chủ tịch để thực hiện các thủ tục. Đây là điều mà chưa ai nghĩ tới dù lẽ ra đã phải làm từ lâu.

Nhiều startup vội vã lập doanh nghiệp mà không lường trước những vấn đề có thể xảy ra. Ảnh minh họa

Nhiều startup vội vã lập doanh nghiệp mà không lường trước những vấn đề có thể xảy ra. Ảnh minh họa

Câu chuyện trên đã được anh Đạt chia sẻ tại buổi hội thảo “Pháp lý khởi nghiệp và Sở hữu trí tuệ” do hệ sinh thái khởi nghiệp WE ECO, cộng đồng Liên minh Luật LEGAL 300 tổ chức tại Saigon Innovation Hub ngày 19.1.

Cũng giống như anh Đạt, có nhiều bạn trẻ khi mới có ý tưởng khởi nghiệp đã vội nghĩ đến việc thành lập doanh nghiệp. Sự vội vã này thường dẫn đến những vấn đề pháp lý mà các startup không lường trước được.

Theo bà Nguyễn Thị Thảo, Phó Chủ tịch hệ sinh thái khởi nghiệp WE ECO, nhiều startup đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng và phải trả giá đắt do thiếu sự chuẩn bị kỹ lưỡng về vấn đề pháp lý.

Bà Thảo lấy ví dụ: “Nhiều nhà sáng lập khi góp vốn chỉ thỏa thuận với nhau theo các điều khoản hết sức sơ sài. Bởi vậy, khi xảy ra tranh chấp họ không có căn cứ để bảo vệ mình”.

Ngoài ra, khi lựa chọn mô hình công ty, các startup thường chọn lập công ty cổ phần để dễ huy động vốn. Nhưng theo luật sư Nguyễn Quốc Việt, đại diện Liên minh Luật LEGAL 300, điều này cũng tiềm ẩn những rủi ro rất lớn.

“Mô hình công ty cổ phần có nhiều thuận lợi như dễ huy động vốn qua phát hành cổ phần”, luật sư Việt cho biết, “Tuy nhiên, theo quy định sau 3 năm, các cổ đông được quyền bán cổ phần của mình và điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến các cổ đông khác, nhất là trong trường hợp người bán cổ phần là thành viên trụ cột của công ty.

Do đó, các startup phải nắm rõ mô hình doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển của doanh nghiệp và lựa chọn mô hình phù hợp với điều kiện, định hướng của mình.

Bên cạnh đó, khi thành lập doanh nghiệp thì giữa các sáng lập viên phải có sự thỏa thuận rõ ràng về phân chia quyền hạn, kế hoạch kinh doanh, vấn đề góp vốn và cơ chế tiếp nhận nhà đầu tư mới, cam kết về thông tin và tài sản.

Đặc biệt, các doanh nghiệp cần có bộ điều lệ công ty chặt chẽ. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp thường sử dụng luôn các bộ điều lệ mẫu. Luật sư Việt cho rằng, điều này hết sức nguy hiểm bởi những điều lệ mẫu này được xây dựng chung theo một mô hình doanh nghiệp chứ không có những quy định riêng theo thực tế của doanh nghiệp.

Quay trở lại với trường hợp của anh Trần Đăng Đạt, anh cho biết: “Ngay sau buổi hội thảo tôi sẽ tập trung tìm hiểu thêm vấn đề pháp lý và team sẽ phải ngồi lại với nhau để bàn và thống nhất về điều lệ công ty.”

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Lựa chọn mô hình công ty khởi nghiệp: Sai một ly, đi một dặm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO