Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt: Đột phá nhưng không dễ dãi

Nguyễn Việt 04/04/2018 19:03

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) phản đối việc đưa ra tiêu chí xác định nhà đầu tư chiến lược trong dự thảo luật đặc khu dựa vào danh sách 500 công ty lớn nhất thế giới (Fortune Global 500) của Forbes.

ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh:

ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh:"Việc đưa ra tiêu chí dựa vào xếp hạng của một tạp chí là không hợp lý, đặc biệt trong cơ chế thị trường có nhiều biến động như hiện nay". Ảnh minh họa.

Ngày 4/4, Hội nghị Đại biểu quốc hội chuyên trách đã thảo luận về nội dung Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (Luật đặc khu).

Đóng góp ý kiến thảo luận, bà Khánh cho rằng, việc đưa ra tiêu chí dựa vào xếp hạng của một tạp chí là không hợp lý, đặc biệt trong cơ chế thị trường có nhiều biến động như hiện nay. Bà lấy ví dụ Facebook là một trong những doanh nghiệp lớn nhất thế giới từng rất có uy tín, nhưng khi vướng vào sự cố vừa qua đã thay đổi rất nhiều. 

Để xác định nhà đầu tư chiến lược, luật đặc khu đưa ra tiêu chí dựa vào dự án đầu tư sản xuất kinh doanh, phù hợp với quy hoạch đặc khu, có ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, hoặc tạo ra giá trị gia tăng đột biến tại đặc khu.

Dự án này thuộc công ty trong danh sách 500 công ty lớn nhất thế giới theo xếp hạng của tạp chí Forbes trong 5 năm liền trước khi cấp giấy chứng nhận đầu tư, có vốn tối thiểu 6.000 tỷ đồng, giải ngân không quá 3 năm.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng, không nhất thiết phải có nhiều ưu đãi ở các đặc khu kinh tế. Điều quan trọng nhất ở đây là môi trường đầu tư, sự minh bạch trong hoạt động của chính quyền.

“Nhiều nhà đầu tư thấy lợi trong ưu đãi về thuế nhưng trong bộ máy chính quyền xảy ra tham nhũng, gây phiền hà thì tiền họ được hưởng từ ưu đãi thuế còn nhỏ hơn tiền phải bỏ ra lobby”, ông Vân nói.

Còn theo đại biểu Quốc hội Phan Nguyễn Như Khuê (đoàn TP.HCM) ưu đãi vượt trội thu hút nhà đầu tư vào các đặc khu rất cần sự đột phá nhưng không phải dễ dãi. Vì nếu cho thuê đất đến 90 năm thì sau này con cháu chúng ta sẽ xử lý thế nào, khi có liên quan đến khía cạnh an ninh quốc phòng?

“Chúng ta từng đặt vấn đề không thể đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế thì lúc này cũng cần đặt vấn đề không thể đánh đổi chủ quyền để cho sự phát triển kinh tế”, ông Khuê bày tỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt: Đột phá nhưng không dễ dãi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO