Theo dự kiến, việc sửa đổi Luật Giao thông đường bộ sẽ tập trung vào 7 nhóm vấn đề chính.
Thông tin này được đưa ra tại Hội thảo góp ý hoàn thiện Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Hội thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tổ chức.
Có thể bạn quan tâm
03:00, 15/08/2018
09:00, 29/01/2018
06:18, 28/01/2018
Tại hội thảo, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI khẳng định sau 10 năm ban hành Luật Giao thông đường bộ là hành lang pháp lý quan trọng góp phần cải thiện tai nạn giao thông, cải thiện hạ tầng, góp phần nâng cao kiến thức tham gia giao thông của người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Phòng, với tốc độ phát triển nhanh của nền kinh tế, giao thông đường bộ vẫn được coi là một nút thắt lớn, chi phí vận tải của doanh nghiệp vẫn xếp vào hàng cao trong khu vực. Trong khi đó, khả năng kết nối đường bộ với các loại đường khác như hàng không, đường sắt hay đường thủy vẫn còn rất kém.
“Số người chết vì tai nạn giao thông của Việt Nam trong thời gian qua có giảm nhưng vẫn ở mức cao so với các nước trên thế giới, một phần nguyên nhân của tình trạng đó xuất phát từ việc thiếu đồng bộ, xuất phát từ thực tiễn của các quy định đường bộ.
Luật Giao thông đường bộ 2008 ra đời trong bối cảnh các vụ tai nạn giao thông ở Việt Nam cao nên chính vì thế Luật này được xây dựng theo hướng siết chặt kỷ cương, góp phần chấn chỉnh trật tự giao thông nhưng bóp chặt khả năng sáng tạo và khả năng quản lý”, ông Phòng nói.
Vì vậy, theo quan điểm của ông Phòng thì việc sửa đổi trở nên vô cùng cấp thiết.
“Luật Giao thông đường bộ là một trong số những bộ luật có nhiều hướng dẫn thi hành nhất Việt Nam, trong nhiều trường hợp Bộ GTVT vẫn phải ban hành các chính sách thí điểm để có thể đáp ứng được với tình hình thực tiễn trong thời gian qua.
Đồng quan điểm, bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ GTVT khẳng định, qua 10 năm thi hành, Luật Giao thông đường bộ đã đạt được những kết quả nhất định, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động giao thông vận tải đường bộ nói riêng và giao thông vận tải nói chung; góp phần hình thành ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông, bảo đảm trận tự an toàn giao thông…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, cùng với sự phát triển kinh tế, xu hướng hội nhập quốc tế, xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, trong quá trình triển khai thi hành Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã phát sinh một số vấn đề cần được nghiên cứu và sửa đổi.
Theo đó, việc sửa đổi Luật Giao thông đường bộ sẽ được tập trung vào các vấn đề chính như sau:
Thứ nhất: Sửa đổi, bổ sung các quy định về quy tắc giao thông đường bộ đảm bảo phù hợp với Công ước về Biển báo và Tín hiệu đường bộ, Công ước về Giao thông đường bộ và các quy định chưa phù hợp với thực tế hiện nay.
Thứ hai: Điều chỉnh việc phân loại hệ thống đường bộ, nội dung bảo trì đường bộ, trách nhiệm của các cơ quan trong công tác quản lý, khai thác, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Thứ ba: Bổ sung khung pháp lý đối với các phương tiện mới, phương tiện giao thông thông minh, quản lý chất lượng, khí thải đối với xe mô tô.
Thư tư: Xem xét việc quy định màu biển số xe để phân biệt xe kinh doanh vận tải và xe không kinh doanh vận tải.
Thứ năm: Xem xét quy định trách nhiệm đăng ký tài khoản ngân hàng của chủ xe ô tô.
Thứ sáu: Điều chỉnh hàng giấy phép lái xe phù hợp với Công ước Viên và các vấn đề có liên quan.
Thứ bảy: Phân loại các loại hình vận tải, trên cơ sở đó điều chỉnh sửa đổi điều kiện kinh doanh vận tải.