Hòa giải thành, đối thoại thành giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử. Kết quả hòa giải thành, đối thoại thành phần lớn được các bên tự nguyện thi hành.
Sáng 14/9, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Theo Tờ trình về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày, hòa giải thành, đối thoại thành giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử; kết quả hòa giải thành, đối thoại thành phần lớn được các bên tự nguyện thi hành; vụ việc không phải trải qua thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm theo quy định của các luật tố tụng; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước; hạn chế tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong dư luận.
Với Tòa án, đổi mới, tăng cường và nâng cao hiệu quả hòa giải, đối thoại là giải pháp căn cơ, giúp giải quyết khối lượng công việc ngày càng nặng nề, trong bối cảnh hàng năm các tranh chấp, khiếu kiện không ngừng tăng lên cả về số lượng và tính chất phức tạp. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, xây dựng Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhằm xây dựng cơ chế pháp lý mới hiệu quả về hòa giải, đối thoại tại Tòa án để cơ quan, tổ chức, cá nhân lựa chọn giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính.
Có thể bạn quan tâm
00:15, 14/09/2019
17:00, 13/09/2019
18:07, 12/09/2019
Thu hút, huy động nguồn nhân lực có kiến thức và kinh nghiệm trong xã hội tham gia phối hợp cùng Tòa án tiến hành hòa giải, đối thoại để giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính; Nâng cao chất lượng giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính; tăng tỷ lệ hòa giải thành, đối thoại thành và hiệu quả thi hành kết quả hòa giải, đối thoại.
Tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá, đối với các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính, cũng như các nước, pháp luật nước ta được hoàn thiện theo hướng tạo mọi điều kiện để các bên tiến hành hòa giải, đối thoại đi đến thống nhất việc giải quyết tranh chấp.
Cơ chế hòa giải, đối thoại hiện đang được quy định trong 9 đạo luật, gồm: Luật Hòa giải ở cơ sở, Luật Đất đai, Bộ luật Lao động, Luật Thương mại, Luật Khiếu nại, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.
Theo báo cáo, “Hòa giải, đối thoại tại Tòa án” được quy định trong dự thảo Luật là cơ chế pháp lý mới, không trùng lặp, không mâu thuẫn, không thay thế các cơ chế hiện có, tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, cá nhân lựa chọn, giải quyết tranh chấp.
Qua sơ kết việc đổi mới công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án ở 16 tỉnh, thành phố, kết quả hòa giải thành, đối thoại thành đạt 74,08% đã khẳng định tính ưu việt của cơ chế mới này, góp phần hạn chế các vụ, việc phải đưa ra xét xử; nhanh chóng giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn của người dân; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước.
Đồng tình với quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, dự án luật dùng từ “hòa giải” là cho “tố tụng dân sự” bao gồm lao động, thương mại; “đối thoại là từ dùng cho “tố tụng hành chính” - đây là một con đường mới, xuất phát từ khi Tòa án nhận được đơn, cho nên mới gọi là hòa giải, đối thoại tại Tòa án; khi nhận đơn, Chánh án sẽ phân công Thẩm phán làm việc với những người có uy tín để tiến hành hòa giải, đối thoại. Hòa giải, đối thoại tại Tòa án vừa mang tính pháp lý, vừa mang tính nhân văn, vừa huy động được trí tuệ của xã hội, tạo ra không khí xã hội mềm mại, nhẹ nhàng hơn, có thể giữ được bí mật cho các doanh nghiệp hoạt động thương mại.
Tuy nhiên, ông Định lưu ý, cần làm rõ thế nào là hòa giải, đối thoại trong tố tụng và hòa giải, đối thoại ngoài tố tụng. Phải đề cao nguyên tắc tự nguyện, đồng thời thiết kế Điều 16 dự thảo Luật gắn với Điều 191 của Bộ luật Tố tụng dân sự và Điều 121 của Bộ luật Tố tụng hành chính. Cụ thể, trước khi có dự án luật này, khi nhận đơn kiện của người dân, trong vòng bao nhiêu ngày thì Tòa án phải xử lý, bây giờ thời gian xử lý của Tòa án sẽ khác thế nào. Tòa án phải hỏi người dân, có đồng ý tổ chức đối thoại, hòa giải hay không? Người dân phải đồng ý mới tiến hành đối thoại, hòa giải, nếu không sẽ vi phạm quyền khởi kiện ra tòa của người dân.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá cao sự chuẩn bị cẩn trọng, kỹ lưỡng của Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức thí điểm về đổi mới tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính, có sơ kết, tổng kết đánh giá việc thực hiện thí điểm và nghiên cứu tham khảo kinh nghiệm pháp luật của 6 nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, dự án Luật đủ điều kiện để trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Tám tới. Hòa giải, đối thoại tại Tòa án chỉ tiến hành đối với các vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án và phải có đơn yêu cầu hòa giải, đối thoại.