LS. Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Cty Luật SBLAW khẳng định Nghị quyết 83/NQ-CP của Chính phủ về BOT giao thông có thể đánh giá những mặt được, hạn chế, và bất cập của các dự án BOT hiện nay.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 83/NQ-CP triển khai thực hiện Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 ngày 21/10/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT). Xung quanh vấn đề này, báo DĐDN có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW.
Có thể bạn quan tâm
18:05, 28/06/2018
06:46, 12/03/2018
15:43, 25/01/2018
10:49, 28/06/2017
04:15, 07/06/2018
- Dưới góc độ luật pháp, ông đánh giá như thế nào về Nghị quyết 83/NQ-CP của Chính phủ về BOT giao thông vừa mới được ban hành?
Hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và quá trình triển khai thực hiện các dự án giao thông theo hình thức hợp đồng BOT còn tồn tại nhiều hạn chế. Ví dụ như nhiều dự án tập trung trong lĩnh vực đường bộ theo phương thức cải tạo, nâng cấp tuyến đường độc đạo hiện hữu nên chưa bảo đảm quyền lựa chọn của người tham gia giao thông hay việc thu hút nguồn vốn đầu tư còn hạn chế, chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng.
Bên cạnh đó, các quy định của pháp luật và thực tế triển khai về thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ, vị trí đặt trạm thu phí còn chưa hợp lý dẫn đến một số dự án gây bức xúc trong dư luận xã hội. Ngoài ra, việc quy định, thực hiện công khai, minh bạch các thông tin về dự án còn bất cập.
Có một số dự án BOT đã đủ thời gian hoàn vốn, nhưng không bỏ trạm, vẫn duy trì trạm để thực hiện việc bù lỗ hoặc trả phí cho một trạm khác mà người sử dụng không dùng.
Có việc chỉ định thầu đối với một số dự án, gây ra tình trạng “lợi ích nhóm” trong việc xây dựng và phê duyệt dự án, dẫn tới thời gian thu phí kéo dài, gây ra tình trạng tham nhũng và ảnh hưởng tới doanh nghiệp và người dân.
Theo tôi, Nghị quyết 83/NQ-CP ngày 26/6/2018 của Chính phủ sẽ giúp hoàn thiện chính sách, pháp luật, bảo đảm phát huy hiệu quả việc đầu tư, khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT. Bên cạnh đó, sau khi rà soát, đây cũng là cơ sở quan trọng để Chính phủ và Quốc hội xem xét, tiếp tục hoàn thiện pháp luật về BOT nói riêng và đầu tư theo hình thức PPP nói chung.
- Theo ông, Nghị quyết 83/NQ-CP có những điểm mới nào so với các quy định pháp lý về BOT hiện hành?
Nghị quyết mới ban hành có một số điểm mới đáng chú ý như sau: Thứ nhất, về quy hoạch, kế hoạch đầu tư các dự án, công trình giao thông, Nghị quyết của Chính phủ yêu cầu các dự án đường bộ đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT chỉ áp dụng đối với các tuyên đường mới để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân, không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu.
Thứ hai, việc lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu phải thực hiện đấu thầu công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật, hạn chế tối đa chỉ định thầu. Áp dụng đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư qua hệ thống mạng đối với các dự án PPP nói chung, dự án BOT nói riêng sẽ được khuyến khích. Đồng thời các chủ đầu tư phải quy định và thực hiện đầy đủ việc công khai, minh bạch các thông tin về dự án để thuận tiện cho người dân giám sát.
Thứ ba, Nghị quyết quy định nội dung nghiên cứu xây dựng mẫu hợp đồng BOT áp dụng cho ngành giao thông, trong đó phải loại bỏ các điều khoản bí mật.
Thứ tư, Nghị quyết chỉ đạo chính quyền địa phương các cấp nơi có dự án đi qua có trách nhiệm tham vấn ý kiến người dân trong khu vực dự án trước khi triển khai dự án đầu tư.
Thứ năm, Nghị quyết yêu cầu hoàn thiện việc rà soát tổng thể về vị trí đặt trạm, chính sách miễn giảm giá tại tất cả các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ và quản lý doanh thu chặt chẽ để có những giải pháp đồng bộ, kịp thời, thống nhất, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng. Đồng thời, xây dựng và ban hành tiêu chí thành lập trạm thu phí dịch vụ và nhà điều hành của các dự án nhằm đảm bảo tính kinh tế, sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư, ttrong đó có nghiên cứu, đánh giá sự hợp lý, cơ sở khoa học của quy định khoảng cách giữa 2 trạm.
Đặc biệt, lần đầu tiên Chính phủ yêu cầu quy định rõ trách nhiệm, xử lý vi phạm của cơ quan nhà nước trong thực hiện quy trình đầu tư, khai thác các dự án giao thông đầu tư theo hợp đồng BOT.
- Đáng chú ý, Nghị quyết mới đã loại bỏ điều khoản bí mật trong hợp đồng BOT? Ông đánh giá như thế nào về điểm mới này?
Như tôi đã trình bày ở trên, một trong những điểm mới của Nghị quyết 83/NQ-CP là quy định nội dung nghiên cứu xây dựng mẫu hợp đồng BOT áp dụng cho ngành giao thông, trong đó phải loại bỏ các điều khoản bí mật.
Theo Khoản 3 Điều 3 Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư thì Hợp đồng BOT là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng. Sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư được quyền kinh doanh công trình trong một thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Mặc dù chưa có văn bản nào quy định yêu cầu phải công khai hay phải bảo mật hợp đồng BOT nhưng hiện nay hầu hết các hợp đồng BOT đều kèm theo một điều khoản bảo mật. Sự bảo mật này đã làm cho cộng đồng, người dân không giám sát được, dẫn đến những bức xúc, bất cập phát sinh. Do đó, với nội dung được quy định trong Nghị quyết mới của Chỉnh phủ sẽ góp phần công khai, minh bạch công trình từ khi xây dựng đến lúc vận hành, theo đó, người dân sẽ tin tưởng và đồng tình sử dụng dự án BOT.
- Cuối cùng, ông có kỳ vọng gì ở Nghị quyết 83/NQ-CP ?
Tôi kỳ vọng rất nhiều vào Nghị quyết này, hy vọng khi triển khai Nghị quyết này có thể đánh giá những mặt được, hạn chế, bất cập, từ đó đề ra các giải pháp khắc phục hữu hiệu.
Nếu trong quá trình triển khai Nghị quyết, phát hiện ra những dự án đặt sai vị trí, thời gian thu phí kéo dài, có lợi ích nhóm, có sai phạm thì cần cương quyết khắc phục, kể cả trường hợp nhà nước phải mua lại trạm thu phí đó.
Nghị quyết sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông vận tải theo hình thức họp đồng BOT, BT nói riêng; đồng thời xử lý kịp thời những tồn tại, yếu kém và kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra khuyết điểm, vi phạm.
Cuối cùng, cần phải tạo ra một hành lang pháp lý đầy đủ, giúp cho các nhà đầu tư có đủ năng lực, kinh nghiệm, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài, tham gia vào việc hợp tác công tư, đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư và lợi ích của nhà đầu tư.