Hiện nay khen thưởng vẫn là chính mà thi đua chưa được quan tâm, cho nên rất cần khắc phục tình trạng này.
ĐBQH Đỗ Văn Chiến (Nghệ An) phát biểu tại phiên họp tổ về dự án Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi), ngày 23/10.
Các đại biểu Quốc hội cho rằng, quan điểm xuyên suốt trong dự thảo Luật là phải bảo đảm mối quan hệ giữa thi đua và khen thưởng, vừa thể hiện kết quả của thi đua là cơ sở để khen thưởng.
Và ngược lại, khen thưởng để thúc đẩy phong trào thi đua, song vẫn thể hiện thi đua và khen thưởng là hai phạm trù có sự độc lập tương đối với nhau về tính chất, phạm vi và nguyên tắc. Đồng thời, không phải mọi khen thưởng đều xuất phát trực tiếp từ thi đua (khen đột xuất, khen thưởng quá trình cống hiến, khen thưởng theo niên hạn, khen đối ngoại).
Nhấn mạnh gốc của khen thưởng là thi đua, ĐBQH Đỗ Văn Chiến (Nghệ An) cho rằng, hiện nay khen thưởng vẫn là chính mà thi đua chưa được quan tâm, cho nên rất cần khắc phục tình trạng này. Liên quan đến khen thưởng Huân chương đại đoàn kết dân tộc, ĐBQH Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) cho rằng cần quy định cụ thể hơn về đối tượng, tiêu chuẩn cụ thể được nhận Huân chương đại đoàn kết dân tộc.
Có ý kiến lưu ý, huân chương đại đoàn kết dân tộc đang quy định dành tặng cho nhân sỹ, trí thức, chức sắc tôn giáo và cá nhân có công lao. Nhưng dự thảo luật lại đang thiếu đối tượng người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, cần được bổ sung thêm.
Thảo luận về Luật Thi đua - khen thưởng, các ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cơ bản nhất trí với nội dung của dự thảo luật. Bên cạnh đó, các đại biểu Vĩnh Phúc cũng cho ý kiến về một số nội dung, như dự thảo luật có 8 chương và 98 điều nhưng chưa cân đối số lượng điều luật giữa các chương và trong mỗi chương, đề nghị Ban soạn thảo rà soát, điều chỉnh để đảm bảo sự cân đối giữa các chương và mỗi chương, nhất là chương quy định chung với các chương quy định cụ thể và điều khoản thi hành.
Dự thảo luật có 98 điều, tuy nhiên trong đó có đến 30 điều quy định giao Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn là chưa đảm bảo tính minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo rà soát và quy định cụ thể ngay trong luật để luật có hiệu lực thực hiện ngay không phải chờ văn bản hướng dẫn dưới luật.
Một số đại biểu Vĩnh Phúc cho rằng, cần có sự giải thích hoặc quy định cụ thể “các cơ quan” nêu trong luật để nhất quán trong thực hiện. Nghiên cứu, bổ sung điểm d, khoản 2, Điều 6 về nguyên tắc thi đua cho phù hợp hơn với định hướng đổi mới công tác thi đua, khen thưởng và tránh hiểu nhầm với chính sách ưu tiên, ưu đãi trong thi đua khen thưởng đối với tập thể, cá nhân thuộc khu vực đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.
Tại Điều 11 dự thảo luật quy định cụ thể về trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, các tổ chức xã hội khác, các cơ quan thông tin đại chúng và cơ quan chuyên trách thi đua, khen thưởng trong một điều luật của chương 1 “Quy định chung” là chưa phù hợp, cần nghiên cứu xem xét lại theo hướng chỉ quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức và cá nhân có thẩm quyền trong công tác thi đua, khen thưởng và trách nhiệm tham mưu giúp việc của cơ quan chuyên trách là đủ.
Các ĐBQH Vĩnh Phúc đồng tình với dự thảo luật đã quy định hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” để tặng và truy tặng cho cá nhân là thanh niên xung phong trong các thời kỳ kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
“Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ xem xét chỉ đạo tổng kết việc thi hành pháp luật về thi đua khen thưởng đối với thanh niên xung phong để khi luật được ban hành đảm bảo phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đảm bảo tính khả thi”, đoàn ĐBQH Vĩnh Phúc đề xuất.
Có thể bạn quan tâm
05:00, 23/10/2021
20:55, 22/10/2021
12:38, 22/10/2021
06:00, 22/10/2021
15:42, 21/10/2021
16:34, 20/10/2021