Phó Thủ tướng cho phép lùi thời hạn trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế bảo vệ môi trường sang Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 của Quốc hội (trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp tháng 10/2019).
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về thuế bảo vệ môi trường.
Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành, địa phương trình Chính phủ Báo cáo quốc hội xem xét, cho phép lùi thời hạn trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế bảo vệ môi trường sang Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 của Quốc hội (trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp tháng 10/2019).
Cùng với đó, Phó Thủ tướng cho phép Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành, địa phương trình Chính phủ lập hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngay trong năm 2018 về Biểu thuế bảo vệ môi trường để điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các nguyên tắc quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật thuế bảo vệ môi trường.
Như vậy, vấn đề tranh cãi nhiều nhất về thuế bảo vệ môi trường đó là việc tăng khung thuế bảo vệ môi trường với mức tăng từ 1.000 - 4.000 đồng/lít lên 3.000 đồng - 8.000 đồng /lít có thể sẽ được lùi thời hạn.
Trước đó, chiều 13/9/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường.
Tại cuộc họp Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đề nghị Bộ Tài chính chuẩn bị dự thảo kĩ hơn, toàn diện và bao quát hơn đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường, trong đó phải đảm bảo người dân, doanh nghiệp yên tâm sản xuất.
Trong đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Chính phủ nên tìm giải pháp tăng nguồn thu khác như tăng cường quản lý thu, giải quyết tồn đọng thuế, nợ thuế, chống trốn thuế, chống gian lận thương mại... thay vì tìm cách tăng một số loại thuế.
“Khung thuế hiện hành dùng chưa hết, giờ lại đề nghị tăng gấp đôi khung cho xăng dầu trong khi đây không phải là loại sản phẩm gây ô nhiễm môi trường nhất là chưa hợp lý. Hơn nữa, tên luật là Luật thuế bảo vệ môi trường mà trong cơ cấu về số thu từ các đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường, thu thuế BVMT đối với xăng, dầu chiếm tới hơn 93% tổng số thu thuế bảo vệ môi trường”, bà Ngân nói.