Áp lực từ du lịch lên phố cổ Hội An đang rất gay gắt, thể hiện rõ nét ở hạ tầng, giao thông, môi trường, xã hội.
Sau 20 năm, kể từ ngày đô thị cổ Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn (Duy Phú, Duy Xuyên, Quảng Nam) được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới (tháng 12-1999), bộ mặt kinh tế - xã hội địa phương đã có nhiều thay đổi, đặc biệt trên lĩnh vực du lịch. Bên cạnh đó vẫn còn nhiều áp lực, thách thức đối với di sản.
Di sản mang nhiều áp lực
Với Hội An, những năm gần đây, ngành thương mại dịch vụ, du lịch luôn chiếm tỷ trọng trên 70% trong tổng cơ cấu kinh tế của thành phố. Thống kê cho thấy, từ năm 1999 đến nay, tốc độ phát triển du lịch bình quân đạt từ 15% - 20%. Riêng 5 năm gần đây (2013 - 2018), lượng khách đến Hội An đã tăng gần gấp 3 lần. Hội An tiếp tục khẳng định vị trí trên bản đồ du lịch như là điểm đến nổi trội của Việt Nam và thế giới với gần 30 danh hiệu tôn vinh.
Du lịch phát triển đã thúc đẩy nhiều hoạt động thương mại dịch vụ của thành phố phát triển theo, góp phần hình thành các cơ sở kinh tế, thu hút nguồn lực cộng đồng. Cùng với đó, không gian du lịch cũng được mở rộng ra vùng ngoại vi như Cù Lao Chàm, Cẩm An, Cẩm Thanh, Cẩm Kim, Thanh Hà…, góp phần bảo tồn làng quê, làng nghề, tạo sinh kế, thu nhập cho người dân địa phương. Đặc biệt, Hội An liên tục được UNESCO ghi nhận là một trong những nơi thực hiện tốt công tác bảo tồn các giá trị di sản văn hóa ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Điều đáng lo ngại hiện nay chính là tình trạng chuyển nhượng, cho thuê nhà trong phố cổ để phục vụ các hoạt động kinh doanh thương mại đang dần khiến không gian và nếp sống phố cổ bị thay đổi, biến dạng. Theo thống kê sơ bộ từ Trung tâm Quản lý và Bảo tồn di sản văn hóa Hội An, hiện có khoảng 200/1.069 ngôi nhà cổ trong phố cổ đã được chuyển nhượng hoặc cho người nơi khác đến thuê kinh doanh dịch vụ. Ngôi nhà ngày xưa với nhiều chức năng như thờ cúng, sinh hoạt gia đình… những điều tạo nên cái “hồn cốt” phố cổ thì bây giờ đã bị dẹp bỏ, chỉ còn một chức năng bán hàng; nếp sống, nếp nhà đã không còn. Rồi nguy cơ cháy, nổ do hoạt động quá tải cũng luôn hiện hữu đe dọa phố cổ do các hoạt động thương mại dịch vụ.
Áp lực từ du lịch lên phố cổ đang rất gay gắt, thể hiện rõ nét ở hạ tầng, giao thông, môi trường, xã hội. Lượng khách gia tăng và xu thế đô thị hóa kéo theo những biến động về cơ cấu dân cư, mật độ dân số, nghề nghiệp, môi trường sống, tâm lý xã hội, kể cả sức ép từ bảo tồn di tích, bảo vệ môi trường, nhu cầu về đất đai, nhà cửa, đi lại... tác động mạnh mẽ, liên tục đến những giá trị nhân văn, sinh thái, cảnh quan di sản.
Ông Nguyễn Chí Trung Giám đốc Trung tâm quản lý bảo tồn di sản Hội An cho rằng: “Với lượng người đến Hội An ngày một đông sẽ tạo nên nhiều áp lực về giao thông; nơi ở và sinh hoạt, buôn bán, môi trường sinh thái... Điều đó cũng kéo theo những nguy cơ làm nhiều nét truyền thống của Hội An xưa bị phai nhòa, một số di tích quá tải, hư hỏng, xuống cấp... Và việc quá tải lượng khách sẽ dẫn đến việc du khách không thể cảm nhận được vẽ đẹp kiến trúc của phố cổ, đôi lúc giống như du khách đang nhìn lưng của nhau vậy”.
Có thể bạn quan tâm
05:28, 25/08/2019
16:04, 21/08/2019
07:53, 10/08/2019
06:00, 05/08/2019
Điều chỉnh hành vi bằng văn hóa chưa theo kịp tốc độ phát triển
Theo ông Võ Phùng, nguyên Giám đốc Trung tâm văn hóa thể thao Hội An, vấn đề quản lý “di sản sống” Hội An chịu sự chi phối của nhiều yếu tố pháp luật có liên quan như: Luật di sản, Luật đất đai, Luật cư trú, Luật xây dựng... Do đó Hội An phải đặt ra những quy chế trong từng lĩnh vực cụ thể để người dân tham gia, như: Quy chế về quản lý, tu bổ, sử dụng khu phố cổ; Quy chế về trật tự kinh doanh…
Ông Phùng cho rằng: “Bên cạnh những vẻ đẹp về kiến trúc, bên cạnh sự yên tĩnh của khu phố thì những giá trị văn hóa phi vật thể là cái tạo nên hồn riêng cho khu phố cổ. Kiến trúc và văn hóa giống như tâm hồn và cơ thể của một con người vậy, không thể nào mà tách rời nhau được. Giống như nhà văn Nguyên Ngọc đã từng nói rằng người Hội An bán sự yên tĩnh để mà sống vậy. Chúng ta đã làm rất tốt trong việc tổ chức các lễ hội, chúng ta cũng đã làm rất tốt trong việc giữ gìn những giá trị cốt lõi của di sản. Chính “hồn cốt” của phố cổ sẽ là cái cớ để du khách đến với Hội An”.
Tuy nhiên, theo ông Phùng thì cái chính của du khách tìm đến Hội An bởi vì yêu mến sự yên tĩnh, thích sự hoài cổ và trải nghiệm không gian xưa nhưng hiện nay Hội An đang là địa phương có tốc độ phát triển về lượng khách cao nhất nước, ước tính trong năm nay sẽ đạt 7 triệu lượt khách đến tham quan, cộng thêm cả người dân và lao động trong phố cổ thực sự đã quá đông. Sự phát triển của Hội An đi quá nhanh, nhưng sự điều chỉnh hành vi bằng văn hóa của Hội An lại không theo kịp.
Ông Phùng ví sự phát triển giống như một chiếc xe đang chạy vậy, khi chiếc xe chạy quá thì chúng ta phải biết “đạp phanh” để duy trì sự ổn định. "Hội An cần phải tính lại bài toán phát triển, không nên phát triển tràn lan, không quan trọng việc số lượng mà phải chú trọng đến chất lượng của dịch vụ" - ông Phùng chia sẻ.