Cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện kinh doanh không chỉ được xem như một "mệnh lệnh" của Chính phủ mà cũng là mệnh lệnh của thị trường, của hội nhập giao các Bộ, ngành và địa phương.
Năm 2018, nội dung này đã tạo một không khí đua tranh trong cả hệ thống hành chính. Với mục tiêu 2019 là năm tăng tốc, bứt phá trên các lĩnh vực, Chính phủ đang đòi hỏi các Bộ, ngành đặt mình vào một tầng cải cách mới.
Ông Đinh Tiến Dũng - Bộ trưởng Bộ Tài chính
Năm 2018, Bộ Tài chính đã đơn giản hoá 111 thủ tục trong tổng số 139 thủ tục cần rà soát đơn giản hóa (chiếm 79,9%); thực hiện cắt giảm và đơn giản hóa 117/190 điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý (đạt 61,6%).
Bộ Tài chính đã tập trung chỉ đạo tiếp tục mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa trong lĩnh vực tài chính; nâng cao chất lượng khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, mở rộng diện hoàn thuế điện tử. Đến nay, đã có 99,92% số doanh nghiệp thực hiện tự kê khai thuế qua mạng, 99,41% số doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử, 93,14% số hồ sơ hoàn thuế được hoàn điện tử.
Đồng thời, tăng cường kết nối thông tin nộp thuế điện tử giữa các cơ quan thuế, hải quan, kho bạc và các ngân hàng thương mại, tạo thuận lợi, giảm thời gian, chi phí giao dịch hành chính cho doanh nghiệp. Cơ quan Hải quan đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến tối thiểu đạt mức độ 3 đối với 173/183 thủ tục hành chính. Có 12/14 bộ, ngành tham gia kết nối với 145/284 thủ tục hành chính được thực hiện qua cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN.
Thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, thúc đẩy mạnh mẽ cải cách hành chính, hiện đại hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực tài chính. Trong đó, trọng tâm là lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc nhà nước, góp phần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp, phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Để cắt giảm chi phí sản xuất kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết 139.
Theo đó, rất nhiều giải pháp được đưa ra trong Nghị quyết này một cách kịp thời và đúng đắn, để giảm chi phí chính thức và không chính thức cho doanh nghiệp.
Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang được giao rất nhiều nhiệm vụ từ các vấn đề nghiên cứu mới, nghiên cứu lớn, nghiên cứu chung của nền kinh tế.
Trong đó, có thể kể đến việc tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về 3 đột phá chiến lược, đây là vấn đề rất lớn và quan trọng trong thời gian tới sắp tới. Bộ sẽ tham mưu cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, lao động, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Hay như như mô hình kinh tế mới phát sinh từ Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0, xây dựng Luật PPP, sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp để hỗ trợ cho khu vực tư nhân phát triển theo chủ trương của Đảng và của Chính phủ. Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng sửa Luật Đầu tư công theo hướng quản lý, sử dụng đầu tư công một cách hiệu quả hơn.
Tổng kết Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2011-2020 vừa qua và chuẩn bị xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm sắp của Việt Nam, giai đoạn 2021-2030 là những nhiệm vụ Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ có những đóng góp quan trọng.
Có thể bạn quan tâm
06:30, 23/01/2019
04:12, 22/01/2019
08:08, 18/01/2019
05:06, 17/01/2019
16:30, 15/01/2019
08:36, 15/01/2019
06:30, 10/01/2019
05:40, 06/01/2019
Ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Công Thương
Năm 2019 Bộ Công Thương sẽ tiếp tục bám sát diễn biến của thị trường để có các phương án đẩy mạnh phát triển thị trường ngoài nước, khai thác tốt các FTA tạo sức hút mới cho đầu tư, giúp Việt Nam có thêm năng lực sản xuất mới.
Đồng thời, Bộ sẽ có ứng phó một cách chủ động, hiệu quả với các xu thế bảo hộ và hàng rào kỹ thuật ở các thị trường trên thế giới. Bởi năm 2019 đã và đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, giúp Việt Nam có thêm năng lực sản xuất mới.
Đầu tư trong nước được hỗ trợ bởi tâm lý lạc quan, chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất ổn định, dự báo cũng sẽ tiếp tục khởi sắc và cùng với đầu tư nước ngoài tạo ra năng lực sản xuất mới. Tuy nhiên, không thể chủ quan trước những biến động, thách thức mới, Bộ Công Thương sẽ triển khai nhiều biện pháp, giải pháp căn cơ nhằm giảm rủi ro từ sự tập trung thương mại vào các đối tác lớn.
Đặc biệt, phát triển thị trường xuất nhập khẩu được hết sức coi trọng và đạt kết quả tích cực. Ngoài Hoa Kỳ, Trung Quốc thì thị trường EU, Hàn Quốc, Nhật Bản và ASEAN là những đối tác thương mại lớn và tăng trưởng nhanh. Bô Công Thương sẽ chú trọng triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, đồng thời, tạo đòn bẩy để gia tăng sản xuất, kích cầu tiêu dùng các sản phẩm của doanh nghiệp Việt.
Ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Chúng ta có niềm tin thúc đẩy hơn nữa những thành quả, đồng thời rút ra bài học vượt qua thách thức, đạt mục tiêu lọt vào top 15 năm quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất thế giới.
Phát triển nông nghiệp gắn liền nông dân, nông thôn với khoảng 70% dân số là đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước, của khát vọng Việt Nam.
Năm qua, các địa phương sục sôi xúc tiến nông sản, mở cửa tăng ưu đãi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Riêng năm 2018, số doanh nghiệp đã tăng gấp 3 lần lên con số 9.000 doanh nghiệp với nhiều doanh nghiệp có mức tăng trưởng 300%.
Tuy nhiên, hiện, hầu hết các quốc gia đều tập trung chăm lo cho nông nghiệp, cùng với đó, số đông có xu hướng quay lại bảo hộ mậu dịch, ngược chiều với tự do thương mại. Trong khi đó, chúng ta lại là nước sản xuất nông nghiệp xuất khẩu lớn. Thách thức của nền sản xuất hơn 8,6 triệu nông hộ cũng là rất lớn.
Đặc biệt, thách thức hội nhập với CPTPP và 12 FTA mới đây sẽ đặt ra yêu cầu lớn với ngành. Hội nhập thì cơ hội mở rộng thị trường sẽ lớn hơn nhưng các ngành sẽ chịu ảnh hưởng, mà trong đó, nông nghiệp là ngành chịu tổn thương đầu tiên.
Riêng với khối doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng, chúng tôi cam kết sẽ đồng hành chặt chẽ để thực hiện cho được phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, coi doanh nghiệp là hạt nhân liên kết của 4 nhà.
Ông Phạm Hồng Hà - Bộ trưởng Bộ Xây dựng
Một trong các nhiệm vụ trọng tâm của ngành xây dựng ưu tiên triển khai trong thời gian tới là phối hợp với các bộ, ngành liên quan tháo gỡ khó khăn về bố trí nguồn vốn ngân sách để triển khai có hiệu quả các chương trình nhà ở trọng điểm.
Bộ tiếp tục quan tâm đến phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người có công, hộ nghèo; thực hiện tốt công tác quản lý và phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch; đồng thời, quan tâm đến các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong sản xuất và đầu tư xây dựng…
Năm 2019, Bộ Xây dựng dành ưu tiên cao cho việc hoàn thiện thể chế và các công cụ quản lý Nhà nước. Cụ thể, Bộ tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Kiến trúc để trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV; tiếp tục nghiên cứu hoàn chỉnh Dự án Luật Quản lý phát triển đô thị; rà soát để sửa đổi bổ sung các quy định của các Luật Nhà ở, Xây dựng, Kinh doanh bất động sản... cho phù hợp.
Bộ cũng tập trung nghiên cứu, đề xuất các quy định quản lý liên quan đến các loại hình bất động sản mới: căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch (resort villa), văn phòng kết hợp lưu trú (officetel)...
Kiểm soát tốt, không để xảy ra biến động bất thường trên thị trường bất động sản, đặc biệt tại các đô thị lớn, các khu vực phát triển mới; gắn phát triển thị trường bất động sản với Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia và Chương trình phát triển Nhà ở xã hội cũng là những nội dung được ưu tiên.
Ông Trần Hồng Hà - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường
Lĩnh vực đất đai còn rất nhiều dư địa. Do đó, các địa phương cần tìm và khơi thông những nguồn lực mới, đặc biệt cần nỗ lực kiểm tra toàn bộ nguồn lực đất đai có nguồn gốc nông lâm trường để khơi thông sự phát triển.
Bên cạnh đó, các địa phương phải có phương án để 100% đất đai được quản lý và đưa vào giao dịch trong thị trường bất động sản.
Năm 2019 theo tinh thần “sáng tạo, bứt phá và hiệu quả” mà Chính phủ đã đề ra, Bộ sẽ tập trung xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền các quy định pháp luật quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường và nâng cao năng lực cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, thiết bị, công nghệ.
Theo đó, Bộ sẽ tập trung hoàn thiện, trình Chính phủ, Quốc hội xem xét, cho ý kiến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, xây dựng dự án Luật sửa đổi một số điều Luật Bảo vệ môi trường. Đặc biệt, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống các văn bản dưới luật theo hướng ưu tiên tháo gỡ các vướng mắc, bất cập và gắn với tăng cường phổ biến, thực thi pháp luật, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh. Việc ưu tiên bố trí nguồn lực cao nhất để nâng cao chất lượng xây dựng thể chế và văn bản pháp luật năm 2019 cũng là vấn đề sẽ được quan tâm.
Ông Nguyễn Ngọc Thiện - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Sang năm 2019, du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 103 triệu lượt khách, trong đó 18 triệu khách quốc tế, 85 triệu khách nội địa.
Ngành du lịch quyết tâm về đích trước 1 năm so với mục tiêu tại Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là thu hút 17-20 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 82 triệu lượt khách nội địa.
Năm 2019 với Nghị quyết chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thực tiễn thì Chiến lược này liên quan trực tiếp đến ngành văn hoá thể thao du lịch đó là lĩnh vực du lịch và dịch vụ, bởi du lịch biển đang chiếm một tỷ trọng rất lớn.
Trước đó, năm 2018, góp phần vào thành quả phát triển đột phá kinh tế xã hội năm qua, Bộ đã tham mưu để Chính phủ ban hành Nghị định về cắt, giảm các điều kiện kinh doanh. Mục tiêu là để cải thiện môi trường đầu tư nhưng vẫn phải duy trì được công tác quản lý ví dụ Luật Du lịch sửa đổi và đặc biệt là Đề án tái cơ cấu ngành du lịch đã thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào ngành. Nhờ vậy du lịch Việt đã có một năm tăng trưởng đột phá với dấu mốc 15,5 triệu lượt khách nước ngoài và tăng 20,1% so với năm trước. Không riêng năm 2018, tốc độ tăng trưởng lượt khách quốc tế hàng năm là 30% trong 3 năm qua - con số rất nhiều quốc gia mong muốn. Còn nhớ, năm 1990, Việt Nam đón 250.000 khách quốc tế, chưa ai từng nghĩ chúng ta sẽ đạt được con số 13 triệu khách quốc tế vào năm 2017 và thậm chí 15,5 triệu trong năm 2018.
Ông Nguyễn Văn Thể - Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải
Năm 2019, Bộ sẽ đẩy mạnh xây dựng một kho dữ liệu tổng thể để có thể truy cập các hệ thống các cảng biển, các doanh nghiệp vận tải, quản lý đội tàu biển…
Đặc biệt, các cảng lớn phải có wifi miễn phí cho người sử dụng, dễ dàng tiếp cận và thực hiện các thủ tục hành chính. Cảng biển lớn dịch vụ sẽ không kém sân bay. Đơn cử ngành đường thuỷ nội địa, dù còn rất nhiều hạn chế về cơ sở hạ tầng, tuy nhiên, đơn vị này cũng đã ứng dụng công nghệ trong nhiều lĩnh vực, từ thủ tục hành chính, đến hệ thống biển báo, phao tiêu tín hiệu. Mới đây nhất, Bộ đã thay biển báo trên sông bằng pin mặt trời, xác định vị trí kết nối cho tàu thuyền.
Cách mạng 4.0 đang và hứa hẹn sẽ tạo ra các lợi ích hết sức to lớn và tác động mạnh mẽ tới kinh tế thế giới cũng như tới kinh tế Việt Nam. Đặc biệt, trong các lĩnh vực sản xuất, vận tải, logistics đến dịch vụ khách hàng, giảm đáng kể chi phí giao dịch, vận chuyển, sẽ tạo ra sức đột phát lớn. Vì thế, cần ưu tiên đột phá cách mạng 4.0.
Cùng với đó, Bộ Giao thông Vận tải là một trong những Bộ được Chính phủ đánh giá cao trong công tác cải cách thủ tục hành chính. Trong tổng số thủ tục hành chính các bộ thực hiện năm 2018, ngành giao thông chiếm 2/3. Trong đó, hàng hải là lĩnh vực dẫn đầu về công tác cải cách này. Tuy nhiên, cần ứng dụng công nghệ rộng rãi hơn nữa.
Ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ Lao động thương binh và Xã hội
Bộ sẽ phải quyết liệt, khẩn trương thực hiện rất nhiều việc trong năm 2019 như tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, sắp xếp lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp, xốc lại nguồn nhân lực, tạo sự chuyển biến thực sự trong cả hệ thống…
Bởi thực tế chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay thấp, chưa theo kịp chuyển dịch cơ cấu kinh tế,... do đó thời gian tới ưu tiên cho giáo dục nghề nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao chất lượng lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động.
Năm 2018 cũng là năm đột phá về giáo dục nghề nghiệp, trong đó tiến hành quy hoạch lại toàn bộ mạng lưới giáo dục nghề nghiệp, chuyển mạnh sang tự chủ tạo động lực phát triển giáo dục nghề nghiệp; chuyển hẳn sang một hướng mới là kết nối đào tạo với doanh nghiệp, doanh nghiệp đồng hành với giáo dục nghề nghiệp, đào tạo theo đơn đặt hàng, đào tạo gắn với thị trường, với cung cầu lao động... Bộ cũng bắt đầu thí điểm các chủ trương mới này với 10 trường liên kết với 15 tập đoàn, đào tạo theo đơn đặt hàng, theo địa chỉ là 15.000 lao động. Đây mới là sự mở đầu, nhưng là sự mở đầu quan trọng cho một hướng đi mới.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ đẩy mạnh sắp xếp lại các đơn vị đào tạo, sáp nhập các trung tâm cấp huyện, những trường nào không tuyển sinh được, không đáp ứng nhu cầu thì kiên quyết sắp xếp lại, thậm chí giải thể, theo tinh thần bảo đảm tinh gọn bộ máy, nhưng hoạt động hiệu quả.
Ông Phùng Xuân Nhạ - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
Năm 2019 là năm "bản lề" để chuyển sang một giai đoạn khác trong một lộ trình chiến lược 10 năm.
Vì thế năm 2019 sẽ phải tổng kết giai đoạn trước để năm 2020 xây dựng chiến lược cho giai đoạn mới ở cấp quốc gia, quy tụ trí tuệ của nhiều người. Để làm điều này, đã có gần 40 đề tài nghiên cứu cấp nhà nước, thu hút hàng trăm nhà khoa học. Những định hướng chiến lược, các điều chỉnh về chính sách sẽ dựa trên nền tảng nghiên cứu đó.
Trong năm 2019, ngành sẽ gấp rút chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho triển khai chương trình giáo dục, mô hình chất lượng cao nên đi theo hướng xã hội hóa.
Bởi, hiện chất lượng đào tạo còn chưa tốt, chưa phản ánh được nhu cầu thị trường, sinh viên ra trường chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Do vậy, khâu dự báo để đoán được nhu cầu của thị trường trung và dài hạn là quan trọng. Các trường, cơ sở đào tạo cần phải tham khảo doanh nghiệp, cơ sở về nhu cầu để xây dựng chương trình đào tạo, mã ngành cho sát thực tế.
Hiện tại với cơ chế tự chủ, các trường đại học phải có trách nhiệm với người học, nếu cứ làm như truyền thống dần dần sẽ không có sinh viên đến học. Như vậy, các trường đại học phải thay đổi, thầy cô cũng phải thay đổi để có chương trình phù hợp với thực tiễn. Thông qua tăng cường liên kết với các doanh nghiệp đào tạo kỹ năng thực tế cho người lao động, hướng tới nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động cũng như nền kinh tế.