"Miếng bánh" dược phẩm không dễ xơi

Diendandoanhnghiep.vn Quy mô thị trường dược phẩm Việt Nam có giá trị tới 5,3 tỷ USD, nhưng trong đó chỉ 1,6 tỷ USD dành cho các nhà bán lẻ, trong khi có tới 57.000 nhà thuốc đang tham gia mảng này.

Thị phần dược phẩm bán lẻ tuy hạn chế, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn muốn "tham chiến". Chính điều này đã khiến chuỗi nhà thuốc của nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng thua lỗ kéo dài, trong đó đáng chú ý là chuỗi nhà thuốc Long Châu của FPT Retail.

Doanh thu của chuỗi nhà thuốc Long Châu năm 2020 tăng gấp đôi so với năm 2019 nhưng khấu trừ chi phí vẫn lỗ.

Doanh thu của chuỗi nhà thuốc Long Châu năm 2020 tăng gấp đôi so với năm 2019 nhưng khấu trừ chi phí vẫn lỗ.

Doanh thu dẫn đầu nhưng vẫn lỗ

Chính thức M&A chuỗi Long Châu từ năm 2017, mảng dược phẩm được coi là "ván cược", đồng thời là động lực tăng trưởng dài hạn của FPT Retail (HoSE: FRT). Tuy nhiên, dược là ngành rất tiềm năng, song cũng nhiều thử thách.

Ghi nhận tại BCTC hợp nhất kiểm toán của FPT Retail, tính đến cuối năm 2020, mảng dược ghi nhận doanh thu lên tới 1.190 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2019, nhưng khấu trừ chi phí vẫn còn lỗ 113 tỷ đồng (năm 2019 lỗ 42 tỷ).

Theo lý giải của FPT Retail, sở dĩ chuỗi nhà thuốc Long Châu vẫn chìm trong thua lỗ do doanh nghiệp này liên tục mở rộng chuỗi nhà thuốc. Trong năm 2020, FPT Retail đã mở thêm 130 cửa hàng so với cuối năm 2019 (từ 70 đơn vị lên 200 nhà thuốc). Kết quả, chi phí bán hàng và quản lý tăng mạnh, làm giảm hơn 90% lợi nhuận sau thuế hợp nhất của doanh nghiệp này, từ 204 tỷ xuống còn 10 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc FPT Retail khẳng định, chuỗi nhà thuốc Long Châu đang có doanh thu trung bình mỗi tháng cao vượt trội so với các chuỗi khác. Cụ thể, bình quân theo tháng, mỗi cửa hàng thuốc Long Châu đạt doanh thu 136.000 USD, trong khi chuỗi Pharmacity là 11.000 USD, Phano là 18.000 USD, Eco là 25.000 USD và An Khang là 32.000 USD. Theo đó, FPT Retail đặt mục tiêu sẽ mở trung bình 100 nhà thuốc/năm và đến năm 2022 sở hữu 400 nhà thuốc.

Tuy nhiên, theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), kế hoạch mở 400 nhà thuốc chỉ trong thời gian ngắn của FPT Retail là không dễ thực hiện. Bởi trên thực tế, các chuỗi nhà thuốc như Mỹ Châu hay Phano dù đã xuất hiện từ 10 năm trước, nhưng đến nay vẫn mờ nhạt. Ngay cả các chuỗi nhà thuốc đã thành công trên thế giới như Mercury (Phillipines) hay Raia Drogasil (Brazil) cũng phải mất nhiều năm để đạt được cột mốc này.

Hiện tại, thị trường bán lẻ dược phẩm của Việt Nam đang chứng kiến sự tham gia của nhiều thành phần, trong đó nổi bật là các công ty chuyên bán lẻ dược phẩm theo mô hình chuỗi nhà thuốc như Phano (khoảng 60 nhà thuốc), Pharmacity (khoảng 39 nhà thuốc), Vistar (khoảng 20 nhà thuốc)… và mới nhất là MWG, FPT Retail.

Tăng trưởng tổng giá trị tiêu thụ thuốc và chi tiêu bình quân đầu người cho dược phẩm tại Việt Nam. Nguồn: FPTS

Tăng trưởng tổng giá trị tiêu thụ thuốc và chi tiêu bình quân đầu người cho dược phẩm tại Việt Nam. Nguồn: FPTS

Cần có công thức hiệu quả

Theo VDSC, thị phần dược phẩm bán lẻ hạn chế đang là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp. Mặt khác, bán lẻ dược phẩm theo chuỗi không chiếm ưu thế, mà thuộc về các nhà thuốc nhỏ lẻ. “Doanh số bán lẻ dược phẩm của Việt Nam mới đạt 30% trong tổng doanh thu toàn thị trường dược, trong khi tỷ lệ này ở Brazil là 64% và Philippines là 80%”, VDSC nhấn mạnh.

Trên thực tế, Việt Nam nằm trong top các nước có mật độ nhà thuốc cao nhất trên thế giới, trong khi mật độ dược sĩ/người dân lại thuộc nhóm thấp nhất. Điều này lý giải vì sao chất lượng tư vấn ở các cửa hàng thuốc nhỏ lẻ tại Việt Nam không cao. Đây cũng là nguyên nhân khiến việc mở rộng của các chuỗi nhà thuốc gặp khó khăn bởi theo quy định, mỗi nhà thuốc cần có một dược sĩ có bằng đại học trở lên.

Trong khi đó, số lượng người dân tham gia bảo hiểm y tế được dự báo sẽ ngày càng tăng, mà bảo hiểm y tế chỉ được chi trả trong kênh bệnh viện, trong khi các bệnh viện tư nhân cũng đều có nhà thuốc của riêng mình. Điều này sẽ hạn chế khả năng tăng trưởng của kênh bán lẻ dược phẩm.

“Thực tế tại Việt Nam không thật sự ủng hộ chuỗi bán lẻ. Thành công của chuỗi cửa hàng Long Châu sẽ phụ thuộc vào việc chiếm được bao nhiêu phần trong thị trường phân mảnh hiện tại, hơn là tăng trưởng tự nhiên của ngành (được BMI dự đoán đạt khoảng 12%/năm). Do đó, việc phát triển thành công các chuỗi cửa hàng sẽ phụ thuộc nhiều vào cách thức triển khai của FPT Retail”, VDSC đánh giá.

Ông Hồ Viết Đông, CEO phụ trách chuỗi nhà thuốc An Khang và chuỗi điện thoại BigPhone ở Campuchia của Thế giới di động, cho rằng mô hình chuỗi bán lẻ thuốc chỉ có lợi nhuận khi mở ra số lượng chuỗi lớn, tìm cách tăng sức mua. Khi đó, các nhà cung cấp sẽ có chính sách giá tốt hơn đối với nhà thuốc. Quy mô vài chục cửa hàng hiện nay không thể đem lại lợi nhuận tốt.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc cần làm của các chuỗi nhà thuốc hiện nay là tìm ra một công thức kinh doanh hiệu quả, từ mặt bằng, nhận diện thương hiệu, đến chi phí cho các bộ phận để nâng cao hiệu suất kinh doanh. Khi có công thức, tốc độ mở rộng sẽ nhanh, hiệu quả hơn.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết "Miếng bánh" dược phẩm không dễ xơi tại chuyên mục Doanh nghiệp của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1711638556 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1711638556 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10