Mọi biến động về thuế đều tạo "cú sốc" cho nền kinh tế

Nguyễn Việt thực hiện 02/06/2018 05:30

Trước khi tăng bất kỳ sắc thuế nào phải hết sức cân nhắc, vì mọi biến động về thuế đều tạo ra các cú sốc cho nền kinh tế, bất đắc dĩ mới phải điều chỉnh, nếu không phải giữ cho được sự ổn định.

Dư luận đang xôn xao trên các diễn đàn là thông tin tại dự thảo nội dung sửa đổi bổ sung Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật thuế giá trị gia tăng (VAT)... Bộ Tài chính đề xuất đối với nước ngọt có đường áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt 10% và nâng thuế VAT thêm 2%, áp dụng từ năm 2019.

Nếu nội dung này được thông qua, chắc chắn từ năm sau, giá của các mặt hàng nước ngọt có sử dụng đường (trừ sữa) sẽ tăng thêm một mức khá cao.

Bên hành lang Quốc hội, DĐDN đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Phan Nguyễn Như Khuê (TP HCM) xung quanh vấn đề này.

ĐBQH Phan Nguyễn Như Khuê (TPHCM). Ảnh; Nguyễn Việt

ĐBQH Phan Nguyễn Như Khuê (TPHCM). Ảnh; Nguyễn Việt

Theo ông Phan Nguyễn Như Khuê, nếu không cẩn trọng sẽ tạo ra điểm nghẽn phát triển kinh tế, doanh nghiệp sẽ gặp lúng túng trong hoạch định chính sách kinh doanh. Dù tăng ở một khía cạnh nào đó đều phải nhìn thấy tính tác động và ảnh hưởng vào cuộc sống của người dân nói chung. Do đó, việc đề xuất này ông Khuê chưa thấy thuyết phục.

- Ông đánh giá thế nào về đề xuất này của Bộ Tài chính?

Việc đánh thuế tôi không phê phán, nhưng cần hết sức cụ thể, đặc biệt là tác động về mặt xã hội. Khoảng hơn 1 tháng gần đây dư luận cảm thấy ngành thuế đang có những bước đi khá dày trong việc tăng các sắc thuế, ở khía cạnh nào đó đã tạo áp lực vào cuộc sống của người dân. Do đó theo tôi, Bộ Tài chính nên xem xét đa chiều để có bước đệ trình hợp lý.

- Bộ Tài chính dự kiến sau khi đánh thuế sẽ thu về khoảng 5.000 tỷ đồng cho ngân sách. Tuy nhiên, số tiền này có đủ lớn không khi làm khó cho doanh nghiệp, thưa ông?

Con số hơn 5.000 tỷ đồng chỉ là một con số nhỏ so với tổng ngân sách nói chung, nhưng người dân muốn biết con số bổ sung đó sẽ chi vào việc gì?. Người dân sẵn sàng đóng thuế vì sự tăng trưởng quốc gia, nhưng họ muốn biết rõ nghĩa vụ và trách nhiệm này được sử dụng như thế nào. Bởi hiện nay còn một số khoản chi vẫn chưa kiểm soát tốt. Qua việc theo dõi quyết toán từ những năm trước cho thấy, chúng ta vẫn bị bội chi, kể cả phần chi vượt mà trong phần giải đáp từ phía các bộ ngành vẫn chưa thật sự thuyết phục.

Người dân hết sức chia sẻ khi đóng thuế, nhưng thông tin phải rõ ràng thu, chi cho vấn đề gì, vì sao cần phải tăng thu? Những khoản hụt quyết toán năm vừa qua có phải do còn tình trạng vượt chi quá nguyên tắc hay không, để rồi phải xoay sở tìm khoản bù đắp cho khoản hao hụt đó.

Người dân muốn rằng, các bộ ngành phải có thái độ và chính kiến rõ ràng, minh bạch, người dân và doanh nghiêp phải nhìn thấy được việc chi tiêu hợp lý thì mới cùng đồng hành. Chính phủ đang kêu gọi khởi nghiệp, nhưng với việc liên tiếp tạo ra các sắc thuế như hiện nay không khéo chưa kịp khởi nghiệp đã bị vấp ngay từ ban đầu về những rào cản, như vậy sớm muộn gì câu chuyện khởi nghiệp cũng sẽ không đi được hết con đường một cách trọn vẹn.

- Dù Bộ Tài chính mới chỉ dự thảo, tuy nhiên khi biết thông tin này sẽ có thể tác động ngay đến việc tăng giá hay không, thưa ông?

Trong khoảng hơn 1 tháng gần đây, xã hội hình như đang có “dị ứng” với “thu giá”. Việc đưa ra vấn đề tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt có đường vào thời điểm này sẽ càng tạo ra sự lo âu nhiều hơn, nếu như chính sách đó chưa xem xét một cách toàn diện và có lộ trình hợp lý. Sự việc này ít nhiều cũng tác động chung đến suy nghĩ của người dân, đồng thời làm cho doanh nghiệp dè dặt hơn trong các hoạt động sản xuất kinh doanh.

- Theo ông, từ câu chuyện đề xuất này liệu có gây ra phản ứng ngược nào đó?

Tôi đồng ý việc chúng ta không nên nhìn một chiều khi tăng thuế, mà cần nhìn rộng hơn nữa như kiểm soát hàng hóa, xuất siêu, nhập siêu, hàng nhập lậu, không qua kiểm soát... Do đó, với tần suất tăng thuế dày với khoảng thời gian dài sẽ trở thành mối hiểm nguy cho sản xuất trong nước. Việc tăng thuế hay tăng bất kỳ trong lĩnh vực nào cũng cần phải được xem xét đầy đủ, đa chiều từ việc tăng đó.

- Với tư cách cá nhân, ông có đồng tình với đề xuất này của Bộ Tài chính hay không?

Tôi chưa thể đưa ra quan điểm đồng ý hay không, bởi vì với trách nhiệm của một ĐBQH khi đặt vấn đề, đề xuất hay nhận định cũng cần phải có số liệu đầy đủ, vì đây là việc xây dựng chính sách chung quốc gia.

Tôi chỉ mong mỏi Bộ Tài chính thận trọng, đánh giá một cách cụ thể về những tác động xã hội, trên tinh thần tạo điều kiện cho doanh nghiệp và cuộc sống của người dân theo hướng phát triển tốt hơn.

Tôi nghĩ rằng, ý thức dân tộc sẽ không có ai không muốn góp phần vào tăng trưởng lợi ích quốc gia, điều quan trọng là sự công khai, minh bạch để mọi người dân hiểu rõ chủ trương, quan điểm, lộ trình và đánh giá một cách phổ quát, thiết thực thì người dân và doanh nghiệp sẵn sàng ủng hộ.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

ĐBQH Trần Văn Lâm (Bắc Giang): Thuế VAT đánh vào người tiêu dùng với 2 mục đích. Một là tăng thu ngân sách, hai điều tiết tiêu dùng.

Với mục tiêu tăng thu ngân sách phải tính toán tổng thể chứ không nhằm vào một, hai mặt hàng nào đấy. Như vậy, mục đích chính ở đây là vấn đề điều tiết, hướng dẫn tiêu dùng của người dân.

Mặc dù chưa có được thông tin cụ thể, nhưng rõ ràng trong các vấn đề đặt ra cần phải được lý giải rằng tại sao cần phải điều tiết tiêu dùng ở chỗ này và Bộ Tài chính cần giải thích thêm. Điều tiết tiêu dùng mặt hàng này, vậy còn các mặt hàng khác thì sao, ví dụ ngoài nước ngọt còn có bia, đồ uống có cồn...

ĐBQH Trần Văn Lâm (Bắc Giang). Ảnh: Nguyễn Việt

ĐBQH Trần Văn Lâm (Bắc Giang). Ảnh: Nguyễn Việt

Việc Bộ Tài chính tính toán nếu mặt hàng nước ngọt được đưa vào danh sách các mặt hàng bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt, ngân sách nhà nước mỗi năm sẽ tăng thêm khoảng 5.000 tỷ đồng, là điểm tôi băn khoăn nhất.

Tức là mục tiêu để tăng thu ngân sách thì phải tính toán tổng thể của cả nền kinh tế, tất cả các lĩnh vực chỗ nào tăng thu được và cần thiết phải tăng thu. Việc điều tiết tiêu dùng vào một, hai mặt hàng nếu giải thích thấu đáo thì người dân và doanh nghiệp sẽ đồng thuận hơn. Tuy nhiên, cá nhân tôi chưa thấy thuyết phục.

Nhưng có vấn nữa theo tôi quan trọng hơn cả, đó là sự ổn định của chính sách. Bởi vì các doanh nghiệp khi bỏ tiền đầu tư thì chỉ mong muốn hệ thống chính sách ổn định lâu dài để doanh nghiệp có chiến lược, kế hoạch kinh doanh bền vững. Chính sách nay thế này, mai thế khác, tăng, giảm liên tục cũng sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp và ảnh hưởng trược tiếp đến môi trường thu hút đầu tư. Do đó, trước khi tăng bất kỳ sắc thuế nào là phải hết sức cân nhắc, vì mọi biến động về thuế đều tạo ra các cú sốc cho nền kinh tế, bất đắc dĩ mới phải điều chỉnh, nếu không phải giữ cho được sự ổn định. 

ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội): Lý do áp thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng nước ngọt có đường là do sợ ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển thể chất, đặc biệt với trẻ em và tình trạng béo phì. Nếu đây là bằng chứng rõ ràng thì việc áp thuế là cần thiết. Tuy nhiên, bằng chứng này hiện nay vẫn còn đang có nhiều quan điểm gây tranh cãi, đây là vấn đề cần trao đổi. Cơ bản nhất là xem tác động của nước ngọt có gas như thế nào đến sức khỏe của người tiêu dùng hay không.

ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Việt

ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Việt

Việc Bộ Tài chính tính toán nếu đánh thuế thì ngân sách nhà nước mỗi năm sẽ tăng thêm khoảng 5.000 tỷ đồng. Tôi cho rằng việc thay đổi một sắc thuế trước hết không được đặt mục tiêu tăng thêm được nguồn cho ngân sách là bao nhiêu, mà phải nhìn thấy động cơ tăng thuế đó sẽ tác động như thế nào đến  hành vi tiêu dùng hoặc sản xuất. 

Nếu mặt hàng này ảnh hưởng đến người tiêu dùng thì chúng ta cũng không cần khuyến khích sản xuất. Nhưng ngược lại, mức độ tác động chưa đến mức phải phòng ngừa thì nếu áp một mức thuế cao sẽ hạn chế sản xuất, đây là điều cần phải tính đến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Mọi biến động về thuế đều tạo "cú sốc" cho nền kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO