Đấy là một câu hỏi. Nhưng tôi chưa bao giờ hỏi ai câu hỏi đó. Tôi chỉ hỏi chính tôi mỗi sáng trong những năm gần đây.
Câu hỏi đó không phải hỏi về không gian tôi đang trú ngụ : trên giường ngủ nằm suy nghĩ một điều gì đấy, trong phòng khách uống trà, ngoài ban công cà phê hút thuốc như trong những ngày cách ly xã hội…
Tôi hỏi câu hỏi đó là hỏi tôi đang ở đâu trong thời gian của cuộc đời mình. Vậy tôi đang ở đâu? Với tôi: câu trả lời luôn luôn là: “Tôi đang gần với phần mộ của mình thêm một chút’’.
Cũng đã có những lần khi gặp một người bạn ở quán cà phê buổi sáng gần cơ quan, bạn hỏi : “Ông thế nào?’’.
Tôi cười và trả lời: “Tôi đang gần với phần mộ của mình thêm một chút’’. Bạn đừng nghĩ tôi điên. Đấy là một câu trả lời chính xác tuyệt đối và là câu trả lời theo tôi là cần phải trả lời nhất trong suốt cuộc đời mình.
Bạn cũng vậy. Bạn đừng tránh câu trả lời đó. Còn đoạn đường từ nơi mỗi sáng mỗi người thức dậy cho tới phần mộ của mình dài ngắn khác nhau.
Nó dài bao nhiêu tôi không biết: một ngày, một tuần, một tháng, một năm, mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm và có thể dài hơn nữa. Nhưng chắc chắn là mỗi sáng chúng ta lại gần với phần mộ mình hơn. Nghĩa là, mỗi sáng thức dậy, cuộc đời của mỗi chúng ta bị cắt đi một ngày.
Khi đặt câu hỏi đó và trả lời câu hỏi đó nghĩa là tôi đang nhìn lại tôi đã sống ngày hôm qua như thế nào. Nếu chúng ta cảm nhận được một cách rõ rệt phần mộ của mình như mùi đất, mùi cỏ trên phần mộ, mùi hương ai đó thắp cho mình… chúng ta sẽ nhìn thấy rõ hơn ngày hôm qua chúng ta đã dùng thời gian của 24 tiếng đồng hồ một cách ý nghĩa nhất hoặc chúng ta đã ném một ngày vào quá khứ một cách vô ích và điên rồ mà chúng ta chẳng bao giờ lấy lại được.
Hồi còn trẻ, tôi thường nghĩ về cái chết trong cảm giác vô cùng kinh hãi đến mất ngủ. Tôi đã tham gia vào việc bốc mộ bà nội tôi khi còn là một cậu bé mười mấy tuổi. Tôi đã khóc rống lên vì sợ hãi. Bà tôi và tôi có một mối quan hệ đặc biệt.
Người mà tôi yêu thương nhất và nhớ nhất cho tới lúc này là bà nội tôi.
Có lần tôi hỏi con gái tôi: “Nếu bây giờ Thượng đế cho bố được chọn một trong những người thân yêu trong gia đình mình đã mất sống lại, con có biết bố chọn ai không?’’. Con gái tôi là người chứng kiến tôi đau buồn như thế nào khi cha mẹ tôi mất. Khi bà nội tôi mất tất nhiên con gái tôi chưa ra đời.
Nhưng con gái tôi đã trả lời : “Bố chọn bà nội bố’’. Con gái tôi đã chính xác vì cháu cảm nhận được tình yêu của tôi đối với bà nội mình.
Vì thế mà khi nhìn thấy hài cốt bà nội tôi thì tôi đã khóc.
Tôi không thể nào hình dung được một người phụ nữ yêu thương tôi, che chở tôi, luôn bên tôi khi tôi còn nhỏ lại hiện ra trong hình hài như vậy. Và suốt tuổi trẻ của mình, với tôi cái chết thật khủng khiếp và không có gì khủng khiếp hơn.
Nhưng rồi tôi lớn lên, sống, làm việc, suy ngẫm và tôi nhận ra rằng: khi chúng ta đang sống là lúc chúng ta đang bước về phía cái chết. Vậy thì nỗi kinh hãi cái chết có mang lại cho chúng ta điều gì tốt đẹp không hay nó chỉ làm cho chúng ta khiếp nhược.
Đừng kinh hãi cái chết. Nhưng hãy nghĩ về cái chết và hãy cảm nhận thấy nó mỗi ngày lại đến gần mình hơn. Vì như thế, bạn sẽ bắt đầu ý thức về sự sống một cách đầy đủ nhất. Tôi tin có luân hồi. Nhưng nếu chúng ta có kiếp sau mà vẫn nhớ được kiếp trước mình đã sống như thế nào thì quả thật chúng ta sẽ dễ dàng trở thành một kẻ lười nhác và dần dần trở nên hư hỏng.
Vì chúng ta sẽ cho phép mình sống một cách lãng phí và tùy tiện nhất.
Chúng ta sẽ luôn mang ý nghĩ rằng nếu không làm được việc này ở kiếp này thì kiếp sau mình sẽ làm. Cũng giống như nhiều việc trong kiếp này chúng ta lười nhác không làm nó trong ngày hôm qua vì nghĩ rằng ngày mai mình sẽ làm cần gì phải vội. Ví dụ có người luôn nghĩ tháng tới mình sẽ về thăm mẹ, sẽ về thăm lại nơi mình sinh ra và lớn lên…
Nhưng rồi cứ tháng sau lại đến tháng sau nữa. Cuối cùng họ không thể về.
Tôi và bạn đều có thể có những ngày tháng như thế. Và có những việc cứ thế trôi đi làm cho chúng ta ngại không muốn làm nữa.
Khi chúng ta bước vào cái chết, chúng ta mang được gì đi theo mình? Chẳng mang được một chút vật chất, quyền chức hay danh tiếng nào cả. Chúng ta chỉ có thể mang theo ba thứ cơ bản: sự thanh thản, sự tiếc nuối và nỗi sợ hãi đến lú lẫn. Hiểu đời sống như thế nào và sống cho đời sống như thế nào sẽ có một trong ba kết quả kia.
Sống chính là sự chuẩn bị cho cái chết. Có một hình ảnh mà ai cũng thấy đó là cái bóng của mình. Bạn không bao giờ có thể sở hữu được cái bóng của chính mình. Bạn đang bước tới để tóm lấy nó thì nó lại càng rời xa bạn. Bạn muốn có thật nhiều tiền nhưng thế nào là giới hạn cuối cùng của sự nhiều ấy hay thế nào là đủ thì bạn không biết được.
Bạn muốn quyền chức nhưng khi có được một vị trí to hơn bạn lại thấy cần phải có một vị trí to hơn nữa. Và khi có được vị trí to nhất ấy bạn lại muốn giữ nó vĩnh viễn. Như thế bạn sẽ không bao giờ thỏa mãn được mình và bạn suốt đời chỉ là một khẻ đau khổ và điên rồ vì những thứ đó cho đến khi bạn trút hơi thở cuối cùng đầy vô vọng.
Tôi vừa nói sống là sự chuẩn bị cho cái chết. Nhưng có thể nhiều mọi người đã hiểu sai điều này. Họ chuẩn bị cho cái chết là chuẩn bị đám tang của mình phải to như thế nào, phần mộ của mình phải rộng như thế nào… mà không biết cái họ để lại không bao giờ nằm ở một đám tang, nằm ở một ngôi mộ cầu kỳ, diêm dúa, rộng lớn như một lâu đài. Có những ngôi mộ nhỏ bé như hàng tỉ ngôi mộ trên mặt đất này nhưng ngày ngày có hàng trăm, hàng ngàn người tìm đến.
Ngôi mộ kỳ vĩ nhất và bền vững nhất của một người đã chết chỉ được xây trong tâm trí của người đang sống. Vậy là bạn có thể hiểu được sự chuẩn bị cho cái chết là như thế nào.
Mỗi sáng thức dậy chúng ta đã mất đi một cơ hội sống mà không bao giờ chúng ta có thể lấy lại, càng không thể dùng tiền hay quyền chức mua lại được nữa. Đời sống ngập tràn những điều kỳ diệu tựa như ở Thiên đường.
Nhưng chúng ta đã bước qua, lãng quên hoặc không nhận ra. Và thế chúng ta suốt ngày cầu xin sau khi chết được lên Thiên đường hay Niết bàn. Thiên đường hay Niết bàn chính là những gì chúng ta đang nhìn thấy ngày ngày cộng với tâm hồn và sự thấu hiểu cái đẹp của chúng ta.
Đấy là những cánh đồng hoa rực rỡ, những vầng mây trắng yên ả, những hồ nước xanh biếc, những ngôi xao xanh, những bài thơ sâu lắng, những bản nhạc ngọt ngào, những bức tranh huyền ảo, những buổi tối thanh bình trong ngôi nhà với người thân, những yêu thương và chia sẻ chân thành… Tất cả những thứ đó cộng với sự thấu hiểu của chúng ta là Thiên đường.
Trong quan niệm của tôi, Thiên đường là nơi ta được sống với chính mình và đón nhận những vẻ đẹp của tạo hóa ban cho. Mọi thứ như tôi nói ở trên đã có sẵn, chỉ còn lại sự thấu hiểu và lựa chọn của chính ta mà thôi. Mỗi con người chúng ta chính là chìa khóa để mở cánh cửa vào thiên đường. Ngoài ra không có chiếc chìa khóa nào khác.
Bởi thế, câu hỏi: “mỗi sáng thức dậy, tôi đang ở đâu?’’ và câu trả lời: “Tôi đang gần với phần mộ của mình thêm một chút’’ là để chúng ta quyết định sống như thế nào trong ngày mới.
Vì vào đúng 12 giờ đêm nay, bạn lại mất đi 24 giờ trong tổng số thời gian của bạn trên thế gian này.