Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/11/2019.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phân tích, đánh giá kỹ thực trạng, nguyên nhân các chỉ số tụt hạng, xếp hạng thấp và kiến nghị, đề xuất ngay các giải pháp tạo đột phá trong nâng hạng môi trường kinh doanh. Nguyên do là vì Ngân hàng Thế giới vừa công bố, chỉ số Môi trường kinh doanh của Việt Nam giảm 1 bậc (từ vị trí 69 xuống vị trí 70/190 nền kinh tế được khảo sát), trong đó đa số các chỉ số thành phần giảm bậc.
Tư duy mới từ Luật Doanh nghiệp
Thực ra, câu chuyện về môi trường kinh doanh Việt Nam đã nóng từ rất lâu, không chỉ từ đầu nhiệm kỳ XIV. Còn nhớ, nhiệm kỳ XIII, đã có rất nhiều “lời than vãn” về những khó khăn trong kinh doanh. Nhưng có lẽ thời điểm đó, những kế hoạch phát triển tập đoàn kinh tế nhà nước, cùng với nguồn thu dồi dào từ dầu thô, cho đến các yếu tố trong và ngoài nước khác, thì nguồn lực đổ vào nền kinh tế vẫn nhiều và tạo đà cho tăng trưởng.
Nhưng cũng chính vì những lời than vãn từ cộng đồng kinh doanh ấy, Luật Doanh nghiệp đã được sửa đổi theo hướng thông thoáng hơn, trao quyền cho thị trường nhiều hơn và vai trò nhà nước giảm đi đáng kể. Tuy vậy, khác với những “luồng gió” như thời luật công ty thập niên 90 của thế kỷ 20 hay Luật Doanh nghiệp 2005, Luật Doanh nghiệp 2014 có vẻ không được như vậy. Dù rằng cũng có một Tổ công tác thi hành luật doanh nghiệp 2014 ra đời, nhưng dường như hoạt động của tổ công tác này không còn được hiệu quả nhưng tổ công tác thời trước.
Có thể bạn quan tâm
00:04, 14/11/2019
14:49, 06/11/2019
15:00, 24/10/2019
21:01, 06/09/2019
16:19, 28/06/2019
14:40, 20/06/2019
10:20, 22/04/2019
Có lẽ cũng vì vậy mà ngay khi nhiệm kỳ XIV bắt đầu, nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia được đặt ra ngay. Và cuộc chiến, nếu có thể gọi được như thế, cắt giảm điều kiện kinh doanh tiếp tục ở một mức độ quyết liệt hơn.
Báo cáo qua nhiều kỳ Quốc hội, Chính phủ vẫn cho rằng đã cắt giảm được hàng nghìn điều kiện kinh doanh, tương đương với đó là hàng nghìn thủ tục các loại được đơn giản hóa hay cắt giảm. Tuy vậy, vấn đề nằm ở chỗ, như nhiều lần Tổ công tác của Thủ tướng nhận định, dường như người ta chỉ cắt giảm những điều kiện kinh doanh không quá mang lại nhiều lợi ích hoặc chỉ đơn thuần là gộp cơ học các điều kiện kinh doanh.
Mặt khác, giữa kết quả cắt giảm điều kiện kinh doanh với thực tế vận hành nền kinh tế hay những khó khăn mà các doanh nghiệp gặp phải vẫn có một khoảng cách lớn. Nhiều doanh nghiệp dường như không cảm nhận được những tác động tích cực từ việc cắt giảm điều kiện kinh doanh mang lại. Có những doanh nghiệp lớn vẫn phải theo cách thức là xây dựng hết 5 đồng nhưng phải khai báo lên thành 10 đồng để phù hợp với định mức suất xây dựng của nhà nước hoặc để bù trừ vào những khoản chi phí không thể thống kê.
Vẫn cần cải cách tư duy
Điều ấy cho thấy rằng: cải thiện môi trường kinh doanh vẫn là một cuộc “giằng xé” giữa công khai, minh bạch và tù mù, giữa xu hướng cải cách và tư tưởng bảo thủ, giữa lợi ích chung và lợi ích riêng. Rất khó nói đến khi nào thì sự giằng xé này sẽ chấm dứt để “giải thoát” cho cả nhà nước và doanh nghiệp trong công cuộc kiến tạo thịnh vượng quốc gia. Nhưng một điều chắc chắn rằng, chừng nào vấn đề cải thiện môi trường kinh doanh vẫn còn được đặt ra một cách quyết liệt, thì chừng đó nhà nước và doanh nghiệp vẫn là hai thái cực khác nhau trong công cuộc kiến tạo và phát triển.
Hiển nhiên, còn một vấn đề khác là: trong khi môi trường kinh doanh Việt Nam được cải thiện, thì môi trường kinh doanh ở các nước khác, đặc biệt là những nước ở top đầu Asean cũng cải thiện. Người ta ăn thua nhau ở đây không hẳn chỉ là về những quy định thông thoáng hay thuận lợi nữa, mà là ở tốc độ triển khai các quy định ấy và sự “dũng cảm” áp dụng các tiến bộ của công nghệ để thực sự môi trường kinh doanh trở nên minh bạch.
Sự hy sinh những lợi ích cố hữu từ nhà nước để môi trường kinh doanh trở nên hấp dẫn vẫn là một bài toán đặt ra cách thời sự. Cộng đồng doanh nghiệp du lịch nhiều lần đã kiến nghị bỏ phí cấp visa, một con số có thể chỉ mấy triệu USD, để thu hút nhiều hơn khách du lịch quốc tế, để có thể mang lại cho ngành du lịch khoảng 50 triệu USD. Và nếu thế thì nhà nước, với nguồn thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp, có thể thu được nhiều hơn số phí cấp visa mang lại. Ấy vậy mà câu chuyện này vẫn còn đang tranh cãi và có lẽ phải vài diễn đàn cấp cao về du lịch nữa thì may chăng vấn đề mới được giải quyết.
Cho nên, trong câu chuyện cải thiện môi trường kinh doanh, dễ thấy là người đứng đầu Chính phủ chỉ yêu cầu các bộ, ngành liên quan rà soát chứ không yêu cầu doanh nghiệp hay người dân cần phải thay đổi nhiều. Bởi lý do cũng dễ hiểu là vì: môi trường kinh doanh có được cải thiện hay không phụ thuộc rất lớn vào ý chí của các cơ quan nhà nước trước yêu cầu phát triển, thịnh vượng quốc gia.