Một luật sửa nhiều luật: “Khơi thông” dòng chảy kinh doanh

Diendandoanhnghiep.vn Biến chủng COVID-19 luôn biến đổi, đây là những nguy cơ rất lớn. Cho nên, việc ban hành một luật sửa 10 luật có ý nghĩa kịp thời bổ sung những yêu cầu từ thực tiễn.

>> Một luật sửa 10 luật: Tháo gỡ ách tắc, tạo động lực mới cho phát triển

Đó là chia sẻ của ĐBQH Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội với DĐDN về Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đưa Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 10 luật liên quan đến sản xuất, kinh doanh vào chương trình kỳ họp bất thường cuối năm nay.

- Có ý kiến cho rằng, nếu thấy có những vướng mắc về cơ chế pháp luật, thì cần được kịp thời tháo gỡ. Việc dùng một luật sửa nhiều luật mà gỡ được các vấn đề đó thì cần ủng hộ, không nên cứng nhắc. Quan điểm ông về vấn đề này như thế nào?

Là ĐBQH khóa thứ 2, tôi cũng đã nắm bắt được tình hình này. Đó là những vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện. Khi làm luật cũng chưa tính hết những vấn đề phát sinh, ví dụ chúng ta chưa nghĩ đến đại dịch COVID-19, do đó Quốc hội đã cho phép Chính phủ có những cơ chế đặc thù để đưa ra những nghị quyết, nội dung không ghi trong luật, thậm chí chưa có tiền lệ.

Do chưa có sự lường trước những phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện, cho nên việc bổ sung, sửa đổi, làm luật mới là công việc thường xuyên và rất bình thường của Quốc hội. Quốc hội là cơ quan lập pháp, làm luật, sửa đổi bổ sung luật cũng như bàn những vấn đề quan trọng của đất nước và thực hiện công tác giám sát, chất vấn các vấn đề mà Quốc hội quan tâm. Như vậy, việc này cũng là vấn đề bình thường trong hoạt động của Quốc hội.

- Nhiều lần đề cập Dự án luật này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng trong 41 vấn đề Chính phủ trình sửa đổi, bổ sung, có 18 vấn đề các cơ quan của Quốc hội chưa nhất trí, thưa ông?

Đây là ý kiến của Chủ tịch Quốc hội sau khi Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội cho ý kiến khi Chính phủ trình. Theo tôi, đôi khi các ban soạn thảo cũng chưa nắm bắt hết được những khái quát vấn đề cốt lõi, trọng tâm của dự thảo luật sửa đổi, bổ sung có liên quan đến 10 luật khác. Cho nên Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội chịu trách nhiệm thẩm tra những dự thảo này.

Tôi cho rằng, đây cũng là một việc rất bình thường. Nếu các nội dung do Chính phủ trình ra nhưng Quốc hội không có phản biện thì cũng chưa phải đã sâu sắc. Vì Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội là cơ quan chuyên trách của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được thực hiện chuyên môn của mình do Quốc hội giao. Đặc biệt, trong đó tham gia trực tiếp thẩm định, thẩm tra các dự thảo luật.

Do đó, trong 41 vấn đề Chính phủ trình sửa đổi, bổ sung, có 18 vấn đề các cơ quan của Quốc hội chưa nhất trí, theo tôi vấn đề này các Ủy ban của Quốc hội đã thẩm tra đúng, sâu sát, có trọng tâm, trọng điểm, thận trọng, khách quan. Và quyết định cuối cùng các vấn đề quan trọng này là do Quốc hội.

- Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, tới đây phải khắc phục 2 khuynh hướng: Một là, bảo thủ, sai mà không sửa. Hai là, cứ kêu ca, cứ đổ thừa cho cơ chế, trong khi không phải khó khăn nào cũng do quy định của luật. Như vậy, đang còn tồn tại, hạn chế trong xây dựng pháp luật, thưa ông?

Theo tôi, Chủ tịch Quốc hội nhận xét và đánh giá rất khách quan vì vấn đề này đã diễn ra nhiều năm nay, không chỉ tại khóa XIV mà từ khóa XII, XIII cũng đã nói rất nhiều.

Cụ thể, tại khóa XII và XIII còn nhiều tồn tại như Chủ tịch Quốc hội nhận định. Cho nên, tại khóa XV phải hạn chế những vấn đề còn tồn tại, hạn chế mà Chủ tịch Quốc hội đề ra để khắc phục và sửa chữa để làm sao các dự thảo luật khi đã được thảo luận và ban hành do Chủ tịch nước ký công bố sẽ có “tuổi thọ” lâu dài. Không để đến khi ban hành nghị quyết, ban hành luật, công bố rồi lại xem xét lại vì những sơ suất và phải sửa chữa.

Tất nhiên, việc này không thể cứng nhắc vì sơ suất vẫn có thể xảy ra nhưng phải hạn chế ở mức thấp nhất. Do đó, để hạn chế những vấn đề này thì cần có sự tham gia nhiều hơn của các ĐBQH để luật ban hành ra được tốt hơn.

>>Dự án một luật sửa 10 luật "gỡ" khó cho môi trường kinh doanh

- Vậy, ông có góp ý gì để nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế?

Tôi cũng là người tham gia và phản biện chương trình xây dựng luật và pháp lệnh hàng năm của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi đề nghị khi Chính phủ khi trình dự thảo sửa đổi cần có kế hoạch cụ thể, chu đáo.

Vẫn biết, trong quá trình trình vẫn có thể phải sửa đổi, bổ sung thêm nhưng cần hạn chế ở mức thấp nhất những dự thảo luật đã có trong chương trình nhưng cuối cùng lại rút ra, hoặc những dự thảo luật có trong chương trình nhưng không tổ chức thực hiện được, hay không có trong chương trình nhưng vẫn bổ sung. Như vậy, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ rất bị động trong nhiệm vụ làm công tác lập pháp.

- Theo ông, việc ban hành một luật sửa 10 luật trong thời gian tới đây có thể sớm tháo gỡ vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu kép, hay không?

Tôi rất mong muốn việc sửa đổi này sẽ kịp thời, đúng lúc và đáp ứng được tình hình thực tiễn của đất nước hiện nay. Đó là phát triển kinh tế và ngăn ngừa được dịch COVID-19.

Việc sửa này không nhiều, vì chúng ta chỉ điều chỉnh những vấn đề còn chưa phù hợp với thực tiễn. Tôi kỳ vọng sau khi sửa đổi sẽ có những tác động lớn đến các cơ quan của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành trung ương tổ chức thực hiện tốt và an tâm hơn.

Tất nhiên, trong quá trình triển khai có đạt được hay không còn phụ thuộc vào khâu tổ chức thực hiện. Đặc biệt, cần xem xét mức độ dịch đang diễn biến ở mức độ nào thì khi đó mới có những đánh giá chính xác hơn.

- Trân trọng cảm ơn ông!

29 luật yêu cầu nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung ngay, gồm:

Bộ KH&ĐT 7 luật (Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Quy hoạch, Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật PPP);

Bộ Tài chính 6 luật (Luật NSNN, Luật phí, lệ phí, Luật quản lý sử dụng tài sản công, Luật quản lý vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, Luật thuế TNDN, Luật dự trữ quốc gia);

Bộ Xây dựng 5 luật (Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật kiến trúc);

Bộ Công Thương 1 luật (Luật Điện lực); Bộ TN&MT 2 luật (Luật Khoáng sản, Luật bảo vệ môi trường); Bộ GTVT 2 luật (Luật Đường sắt, Luật Hàng không VN); Bộ NN&PTNT 1 luật (Luật lâm nghiệp), Bộ TTTT 1 luật (Luật giao dịch điện tử); Bộ Tư pháp 2 luật (Luật công chứng, Luật đấu giá tài sản); Bộ Nội vụ 2 luật (Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật Tổ chức Chính phủ).

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Một luật sửa nhiều luật: “Khơi thông” dòng chảy kinh doanh tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714077434 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714077434 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10