Đây là than thở của một chuyên viên thuộc Ban Pháp chế, VCCI khi nói về những khó khăn của doanh nghiệp khi tuân tuân thủ các quy định pháp luật về đầu tư kinh doanh hiện nay.
Theo vị chuyên gia này, với doanh nghiệp việc tuân thủ 1 luật là điều tương đối dễ, nhưng để việc tuân thủ nhiều luật cũng một lúc thì... quá khó bởi vẫn còn rất nhiều chồng chéo, xung đột giữa các đạo luật của Việt Nam.
Đây thật sự là rào cản lớn với người dân và doanh nghiệp trong việc tuân thủ các quy định pháp luật. Đồng thời, đây cũng là lý do mà Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2019 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố mới đây đã dành riêng một chương quan trọng để nói về những chồng chéo trong hệ thống pháp luật về đầu tư kinh doanh.
Doanh nghiệp và người dân bị đẩy vào thế khó
Chỉ trong 2 tuần, VCCI đã liên tục công bố 3 báo cáo về môi trường kinh doanh. Điều này cho thấy sự quan trọng của việc cải thiện môi trường kinh doanh trong sự phát triển của kinh tế xã hội đất nước.
Bởi như khái quát của TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam sự chồng chéo thiếu nhất quán của hệ thống pháp luật nhiều khi đã đẩy người dân và doanh nghiệp vào tình thế khó.
Ngoài ra, giữa các văn bản pháp luật về kinh doanh còn có sự thiếu thống nhất khi quy định về các khái niệm; sự chồng lấn khi ban hành các Danh mục ngành nghề, lĩnh vực cấm kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện… Sự chồng chéo này tạo ra rủi ro lớn cho các doanh nghiệp, nhất là liên quan đến các chính sách về hạn chế quyền kinh doanh, chẳng hạn: đối với văn bản pháp luật này thì hàng hóa, dịch vụ này doanh nghiệp có thể sản xuất kinh doanh nhưng ở văn bản pháp luật khác lại trở thành hàng hóa, dịch vụ bị cấm kinh doanh. Có nghĩa, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp từ hợp pháp sẽ thành vi phạm, tùy theo áp dụng văn bản pháp luật nào.
Ví dụ cụ thể, Báo cáo Dòng chảy Pháp luật kinh doanh 2019 chỉ ra điểm nổi bật khi rà soát các văn bản pháp luật về kinh doanh đó là sự chồng chéo giữa “luật chung” và “luật riêng”, “luật chuyên ngành” là khá nhiều. Cụ thể, Luật Đầu tư được xem là “luật chung” trong pháp luật về đầu tư. Luật này quy định về hồ sơ, trình tự thủ tục đầu tư của dự án đầu tư và không có quy định theo hướng các luật khác có thể quy định thêm về hồ sơ, trình tự thủ tục đầu tư.
Điều này được hiểu, hồ sơ, trình tự thủ tục đầu tư trong mọi dự án đầu tư của các lĩnh vực khác nhau (thuộc diện phải thực hiện thủ tục đầu tư) phải thực hiện hồ sơ, trình tự, thủ tục tại Luật Đầu tư.
Tuy nhiên, một số “luật chuyên ngành” khác lại yêu cầu thêm về tài liệu trong hồ sơ thực hiện thủ tục đầu tư hoặc yêu cầu thực hiện thủ tục đầu tư đối với các loại dự án đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư không phải thực hiện bất kỳ thủ tục nào.
Điểm đáng lưu ý, nguyên tắc áp dụng pháp luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là áp dụng theo thời gian ban hành nếu văn bản quy phạm pháp luật có cùng hiệu lực pháp lý thì văn bản ban hành sau sẽ được ưu tiên áp dụng. Và không có khái niệm “luật chung”, “luật riêng”, “luật chuyên ngành”. Điều này cũng có thể khiến cho văn bản pháp luật ban hành sau sẽ được ưu tiên áp dụng so với văn bản pháp luật ban hành trước.
Theo nhiều chuyên gia, thực tế này làm cho hệ thống pháp luật kinh doanh trở lên thiếu thống nhất và hay thay đổi.
Cần một tổ chức độc lập soát chồng chéo chính sách
Về nguyên tắc, luật ban hành sau được ưu tiên so với luật ban hành trước. Tuy nhiên, trên thực tế bộ, ngành nào khi giải quyết công việc cũng thường viện dẫn "luật của bộ ngành mình". Việc xử lý của cơ quan thanh kiểm tra cũng thường thiếu nhất quán, nên hiện tượng né tránh, sợ sai, lo an toàn cho mình và đẩy khó khăn về phía người dân và doanh nghiệp vẫn khá phổ biến.
Nói như Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc tại phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật nguyên nhân của thực trạng này chủ yếu là do pháp luật Việt Nam hiện đang trong tình trạng bị phân mảng, chưa phải là một hệ thống đồng bộ, minh bạch. Có người gọi đây là hiện tượng “pháp luật cục bộ”.
“Mặc dù tất cả các đạo luật đều do Quốc hội ban hành và hầu hết các đạo luật đều do Chính phủ trình Quốc hội thông qua, nhưng đâu đó người ta vẫn quen gọi luật của bộ này, nghị định của bộ kia là có lí do” - Chủ tịch VCCI bình luận.
Thêm vào đó, theo VCCI, hiện đang thiếu một một cơ chế phù hợp, một cơ quan trung gian đủ mạnh để thúc đẩy rà soát và có tiếng nói phản biện đủ khách quan và độc lập để tiến hành rà soát, kiến nghị sửa đổi để khắc phục và ngăn chặn những chồng chéo, xung đột trong quá trình xây dựng và sửa đổi pháp luật. Hiện nay, việc giải quyết xung đột, chồng chéo chủ yếu phụ thuộc vào việc tranh luận và thoả hiệp giữa các bộ ngành trong quá trình soạn thảo.
Có thể bạn quan tâm
14:20, 26/12/2019
05:20, 26/12/2019
Để khắc phục tình trạng này, VCCI đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, đầu tiên là rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng xung đột pháp luật, đưa ra các giải pháp cụ thể để lồng ghép vào chương trình hành động chung của Chính phủ để sửa các luật hiện đã có trong chương trình. Chính phủ ban hành hoặc trình Uỷ ban Thương vụ Quốc hội ban hành nghị quyết để có định hướng sửa đổi chung;
Đồng thời, VCCI đề xuất nên giao nhiệm vụ xây dựng pháp luật, chính sách cho một tổ chức độc lập thuộc bộ (ví dụ: vụ pháp chế, viện thuộc bộ…) thay vì giao cho các vụ, cục đang đảm nhận nhiệm vụ thực thi pháp luật, xét duyệt và cấp phát các loại giấy phép.
VCCI cũng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo việc phối hợp làm việc, chia sẻ thông tin và thống nhất định hướng giữa các ban soạn thảo tại các bộ, ngành để tháo gỡ và ngăn ngừa phát sinh được các chồng chéo, xung đột trong các dự thảo luật hiện đang nằm trong chương trình sửa đổi như Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai….