Một tiểu hành tinh bí ẩn đang "ẩn nấp" trong Hệ Mặt trời?

Theo Dân trí 04/01/2021 13:26

Các nhà khoa học mới đưa ra giả thuyết về sự tồn tại của một tiểu hành tinh khổng lồ ở đâu đó trong Hệ Mặt trời, nó đã bắn ra một tảng đá không gian lớn bí ẩn xuống Trái đất.

Bằng chứng cho tảng đá không gian bí ẩn này đến từ một thiên thạch đã phát nổ trên bầu trời Sudan vào năm 2008.

NASA phát hiện ra thiên thạch nặng 9 tấn, dài khoảng 4 mét đang hướng về phía hành tinh của chúng ta trước khi va chạm và các nhà nghiên cứu đã đến sa mạc Sudan để thu thập một lượng mảnh vỡ thiên thạch bất thường.

Cho đến mới đây, trong một nghiên cứu mới về một trong những thiên thạch đó cho thấy thiên thạch có thể đã bị vỡ ra khỏi một tiểu hành tinh khổng lồ hoặc nhỏ hơn kích thước của hành tinh lùn Ceres, vật thể lớn nhất trong vành đai tiểu hành tinh.

Giống như khoảng 4,6% thiên thạch trên Trái đất, thiên thạch được gọi là Almahata Sitta (AhS) có các vật liệu được gọi là chondrite cacbon. Những loại đá đen này chứa các hợp chất hữu cơ cũng như nhiều loại khoáng chất và nước.

Các nhà nghiên cứu cho biết thành phần khoáng chất của những tảng đá không gian này cung cấp manh mối về tiểu hành tinh mẹ đã sinh ra một thiên thạch.

Vicky Hamilton, nhà địa chất hành tinh tại Viện Nghiên cứu Tây Nam ở Boulder, Colorado, cho biết: "Một số thiên thạch này cung cấp bằng chứng cho việc tiếp xúc với nước ở nhiệt độ và áp suất thấp. Thành phần của các thiên thạch khác chỉ đến sự nóng lên khi không có nước".

Nhóm nghiên cứu đã phân tích một mẫu AhS 50 miligam dưới kính hiển vi và nhận thấy nó có thành phần khoáng chất rất độc đáo.

Thiên thạch này chứa một bộ khoáng chất bất thường hình thành ở nhiệt độ và áp suất "trung bình", cao hơn những gì bạn tìm thấy trong một tiểu hành tinh điển hình, nhưng thấp hơn bên trong của một hành tinh. Một loại khoáng chất đặc biệt là amphibole cũng cần tiếp xúc lâu với nước để phát triển.

Amphibole đủ phổ biến trên Trái đất, nhưng nó chỉ xuất hiện một lần trước đây với số lượng vết tích trong một thiên thạch được gọi là Allende - chondrite cacbon lớn nhất từng được tìm thấy, rơi ở Chihuahua, Mexico, vào năm 1969

Hàm lượng amphibole cao của AhS cho thấy mảnh vỡ này có nguồn gốc từ một tiểu hành tinh mẹ chưa từng để lại thiên thạch trên Trái đất trước đây.

Hamilton cho biết, có thể một số loại chondrite cacbon không còn nguyên vẹn sau khi lao qua bầu khí quyển Trái đất, điều đó đã ngăn cản các nhà khoa học nghiên cứu chondrite có thể phổ biến hơn trong không gian.

Nguồn Live Science

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Một tiểu hành tinh bí ẩn đang "ẩn nấp" trong Hệ Mặt trời?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO