Một phần tư thế kỷ, ASEAN là đòn bẩy cực kỳ quan trọng để Việt Nam tiến ra thế giới, và là sân chơi quốc tế đầu tiên đánh dấu kỷ nguyên hội nhập và phát triển của nước ta.
Tròn 25 năm ngày Việt Nam gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, từ một tổ chức được lập ra còn nhiều nghi kỵ, ASEAN đã trở thành một tổ chức khu vực thành công năng động và sáng tạo với tiềm năng kinh tế đứng thứ 5 thế giới.
Bà Nguyễn Thị Kim Hồng, Phụ trách phát triển kinh doanh Công ty TNHH Đũa tre Ngọc Châu (TP HCM), cho biết: “Trước kia, bình quân mỗi tháng, Công ty xuất khẩu một xe container qua thị trường Mỹ, nhưng nửa đầu năm 2020, chúng tôi gặp khó vì đối tác giảm mua. Để xoay chuyển, Công ty đang tiến hành đẩy mạnh xuất khẩu sang Singapore và một số nước trong khu vực ASEAN”.
Theo khảo sát của Sở Công Thương và Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM, nhiều nước ASEAN vẫn có nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam. Cụ thể như Thái Lan, muốn nhập trái cây sấy khô, Indonesia và Philippines có nhu cầu nhập khẩu máy phát điện, máy bơm nước, điện gia dụng, viễn thông. Năm 2019, Việt Nam xuất khẩu 1 tỷ USD gạo sang ASEAN. Mặt hàng rau quả Việt Nam xuất khẩu qua ASEAN tăng trưởng tới 69% trong năm 2019. Với mặt hàng tôm, cá tra, Thái Lan hiện là nước nhập khẩu cá tra của Việt Nam lớn nhất trong khu vực ASEAN. Tại thị trường Singapore, mặt hàng tôm của Việt Nam đang chiếm ưu thế...
Đáng tiếc, mặc dù được xem là “sân nhà” với những người láng giềng truyền thống thắm tình hữu nghị, nhưng ASEAN chỉ đứng thứ 4 trong số các thị trường xuất khẩu của Việt Nam trong vòng 1 thập kỷ trở lại đây, chúng ta cũng chưa bao giờ thặng dư thương mại với khối này.
Đơn cử như năm 2019, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, 60,7 tỷ USD, tiếp đến là Liên minh châu Âu (EU), 41,7 tỷ USD; Trung Quốc đứng thứ ba, 41,5 tỷ USD; cuối cùng là ASEAN chỉ đạt 25,3 tỷ USD. Vậy, điểm nghẽn thực sự nằm ở đâu?
Trên tất cả vẫn là tâm lý chủ động của doanh nghiệp Việt. Bởi thị trường ASEAN rất đa dạng về văn hóa, thị hiếu tiêu dùng, ở đây có rất nhiều tôn giáo lớn. Hơn nữa, tiêu chuẩn chất lượng của ASEAN là không đồng nhất, ngoài Singapore, Thái Lan, Malaysia còn lại đều không quá khắt khe.
Ông Phạm Ngọc Hưng Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM cho rằng, doanh nghiệp Việt không nên coi nhẹ thị trường ASEAN. Trong bối cảnh dịch bệnh chưa biết khi nào kết thúc, xuất khẩu sang thị trường Mỹ và Châu Âu gặp khó, nếu doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển thị trường ASEAN cũng là phương án tốt cho việc mở rộng thị trường.
Có thể bạn quan tâm
05:07, 30/07/2020
13:20, 24/07/2020
05:00, 23/07/2020
04:56, 24/07/2020
12:00, 22/07/2020