Tuần trước, Facebook vừa công bố ra đời tính năng bán hàng trực tuyến Facebook Shops.
Nhiều người cho rằng Facebook Shops khó cạnh tranh được với Amazon hay thậm chí là Shopee, Tiki trên thị trường thương mại điện tử (TMĐT). Nhưng Zuckerberg có một mục đích khác.
Với chức năng mới ra mắt này, Facebook cho phép mọi người dùng đều được tự do mở gian hàng, đăng hình, phân loại sản phẩm, bán hàng trên Facebook. Khách hàng có thể xem, chat với chủ cửa hàng và đặt hàng cũng ngay trên Facebook. Một mô hình sàn giao dịch thương mại điện tử điển hình.
Một nền tảng TMĐT không hứa hẹn
Về lý thuyết, 2,6 tỷ người dùng Facebook hiện nay sẽ biến thành khách mua hàng Facebook Shops. Vì lợi thế quá lớn này, nhiều người dự đoán Facebook có tham vọng nhảy vào lĩnh vực TMĐT và cạnh tranh hẳn với Amazon.
Nhưng các nhà phân tích cũng rất nhanh chóng chỉ ra rất nhiều điểm hạn chế để có thể vươn lên trong TMĐT của Facebook Shops. Trong đó có những điểm yếu chí tử, không dễ triển khai như kho bãi và giao vận. Amazon “xưng hùng” thiên hạ vì họ có một hệ thống kho bãi được đầu tư rất mạnh qua nhiều năm, và mỗi tháng tiêu đến 15 tỷ USD chỉ riêng cho việc giao hàng.
Các chuyên gia trong ngành TMĐT tỏ ra nghi ngờ khả năng thành công của Facebook Shops, thậm chí có chuyên gia còn dự đoán đây sẽ là một quả “bom xịt” tại thị trường Việt Nam.
Một người lọc lõi trên thương trường như Mark Zuckerberg tất nhiên phải biết tất cả điều này. Nhưng có lẽ ông không quan tâm, bởi Facebook có một mục đích khác. Ông nói khi ra mắt Facebook Shops: Facebook không muốn thay thế Amazon, mà quan tâm đến dữ liệu và THANH TOÁN.
Tham vọng khôn nguôi
Dự án tham vọng nhất hiện nay của Facebook chắc chắc phải là đồng tiền mã hóa Libra. Zuckerberg muốn tạo ra một đồng tiền điện tử xuyên biên giới, vượt vòng kiểm soát của tất cả các chính phủ trên toàn cầu. Vì vậy, dự án đã liên tục gặp rất nhiều rắc rối về pháp lý với nhiều nước lớn cả Âu lẫn Mỹ.
Facebook vẫn chưa bỏ cuộc. Họ chịu khó thay đổi nội dung dự án nhằm thỏa hiệp và xoa dịu các nhà lập pháp, cố gắng đưa đồng tiền được ra đời.
Nhưng kể cả khi được ra đời, một đồng tiền chỉ có ý nghĩa nếu như có người sử dụng và môi trường chấp nhận giao dịch bằng đồng tiền đó. Hiện nay đang có hàng ngàn đồng tiền mã hóa tồn tại trên thế giới, nhưng gần như chỉ có Bitcoin là được chấp nhận và lưu hành.
Bởi vậy, ngoài vấn đề về pháp lý, Facebook cũng cần phải xây dựng một thị trường ban đầu cho đồng tiền của mình. Facebook Shops chính là thị trường như vậy.
Thanh toán là một điểm nghẽn của TMĐT, đến nay hầu như vẫn chỉ dựa vào thẻ tín dụng nên có nhiều hạn chế cho việc giao dịch xuyên quốc gia. Thậm chí còn rất nhiều người chưa có cả tài khoản ngân hàng. Bởi vậy khi Facebook Shops phát triển lên, có nhiều người bán, khách hàng ở gần như mọi quốc gia trên thế giới thì nhu cầu cần một đồng tiền giao dịch chi phí rẻ, xuyên biên giới, lưu hành thuận tiện trên nền tảng Facebook sẽ xuất hiện. Đây sẽ là cơ hội cho đồng Libra của Facebook ra thị trường.
Với chiến lược như vậy, chúng ta có thể sẽ thấy trong thời gian tới, Facebook sẽ đầu tư mạnh vào tính tiện lợi của Facebook Shops, sao cho bất kỳ ai cũng có thể mở được gian hàng dễ dàng, nhưng không thèm động vào kho bãi và giao vận. Facebook không muốn trở thành công ty TMĐT, họ muốn thành một công ty tài chính