Trong 7 tháng năm 2018, Mỹ đã xuất 39 triệu USD hàng hải sản vào Việt Nam, trong đó mặt hàng tôm hùm tăng trưởng rất nhanh.
Theo chủ một doanh nghiệp XNK thủy sản tại TPHCM, mặt hàng tôm hùm Mỹ được đẩy mạnh NK vào Việt Nam từ thời điểm Mỹ và Trung Quốc xảy ra xung đột thương mại, đặt biệt là từ tháng 7.2018 đến nay.
Không chỉ được bán trong các nhà hàng, siêu thị, tôm hùm Mỹ được rao bán trên mạng và chiếm được sự quan tâm của người tiêu dùng. Tại TPHCM, tôm hùm Mỹ nhập khẩu có giá khoảng 340.000 đồng/con (500gr), loại 1-4kg/con giá 1 triệu đồng/kg.
Một chủ cửa hàng bán hải sản nhập khẩu cho biết, loại hải sản nhập khẩu tươi sống bán khá chạy vì giá không quá cao và nhiều người có tâm lý dùng thử cho biết. Ngoài các các nhà hàng, khách lẻ mua sản phẩm về tự chế biến cũng khá nhiều.
Theo Cục Thú y (Bộ NNPTNT), mặt hàng tôm hùm Canada, Mỹ được cấp phép vào Việt Nam nếu đủ tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm và tuân thủ các quy định pháp luật của Việt Nam và Quốc tế.
Nếu các cơ sở kinh doanh mặt hàng tôm hùm có đầy đủ các giấy tờ hợp lệ như Giấy chứng nhận vệ sinh ATTP, giấy kiểm dịch thú y, các giấy tờ hải quan… thì đó là lô hàng chính ngạch, được kiểm soát các tiêu chí theo quy định, người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng.
Trong quá trình nhập khẩu, kinh doanh, các đơn vị, cá nhân cần tuân thủ các quy định của Luật Thú y, các quy định đối với động vật tươi sống ngoại lai, không để phát tán trái phép ra môi trường.
Được biết, khi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang, Trung Quốc đã nâng gần gấp đôi mức thuế nhập khẩu lên thủy sản tươi sống từ Mỹ nhằm trả đũa cho chính sách thuế của Mỹ đối với gói hàng hóa trị giá 34 tỉ USD từ Trung Quốc, có hiệu lực trong tháng 7.2018. Đồng thời, Trung Quốc hạ thuế nhập khẩu tôm hùm Canada xuống 7%, khiến tôm hùm Canada trở nên hấp dẫn hơn với người tiêu dùng Trung Quốc. Điều này thực sự gây bất lợi cho tôm hùm Mỹ tại thị trường này.
Greenhead Lobster, công ty gần đây vừa thông báo kế hoạch xây dựng cơ sở chế biến mới tại thị trấn Bucksport, bang Maine, cũng đã ngưng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Ông Hugh Reynolds – chủ sở hữu kiêm chủ tịch Greenhead Lobster, cho biết cơ sở chế biến với giá trị gia tăng là con đường tốt nhất để tiến về phía trước, trong khi hoạt động xuất khẩu tôm hùm sống sang Trung Quốc từng một thời huy hoàng tại Maine giờ đã “chấm hết” do thuế quan.