Mỹ - EU: Từ đồng minh thành địch thủ!

Cẩm Anh 21/10/2019 16:40

Mỹ chính thức áp thuế lên lượng hàng hóa trị giá kỷ lục 7,5 tỷ USD từ EU sau khi hai bên không đạt được thỏa thuận vào phút chót.

Quan hệ Mỹ - EU đang rơi vào bờ vực của sự sụp đổ

Quan hệ Mỹ - EU đang rơi vào bờ vực của sự sụp đổ

Còn nhiều rào cản

Theo đó, mức thuế Mỹ áp lên các mặt hàng máy bay của Airbus, tập đoàn do Anh, Pháp, Đức và Tây Ban Nha hợp tác sáng lập, sẽ là 10%. Trong khi đó, rượu từ Pháp, Tây Ban Nha, Đức và một số sản phẩm nông nghiệp khác sẽ đối mặt với mức thuế 25%.

Có thể thấy, những bất đồng của Mỹ và EU xuất phát từ những khác biệt về các điều khoản trong thỏa thuận thương mại. Vấn đề lớn nhất trong các cuộc đàm phán thương mại giữa hai bên là thực phẩm. Mỹ dự tính một thỏa thuận bao gồm các điều khoản liên quan đến hàng nông sản nhập khẩu từ EU để mở đường cho nông dân Mỹ. Trong khi đó, EU muốn duy trì tiêu chuẩn thực phẩm và từ chối đưa nông nghiệp vào bàn đàm phán.

Có thể bạn quan tâm

  • Mỹ-Nhật ký Hiệp định: Lời nhắn cho EU và Trung Quốc

    Mỹ-Nhật ký Hiệp định: Lời nhắn cho EU và Trung Quốc

    06:33, 09/10/2019

  • Thương chiến Mỹ-EU:

    Thương chiến Mỹ-EU: "Phát súng" từ WTO

    03:03, 04/10/2019

  • Không cài được ứng dụng của Google, Huawei hoãn bán dòng Mate 30 tại châu Âu

    Không cài được ứng dụng của Google, Huawei hoãn bán dòng Mate 30 tại châu Âu

    16:59, 23/09/2019

EU từ lâu đã phản đối việc mở đường cho nhiều loại thực phẩm nông nghiệp của Mỹ đi vào khối. Điều này một phần là để bảo vệ những người nông dân nhỏ ở Châu Âu khỏi các đối thủ cạnh tranh lớn tại các cường quốc, và một phần để tránh thực phẩm bị biến đổi gen được xử lý theo cách không đạt tiêu chuẩn vệ sinh của EU thâm nhập vào thị trường này.

Bên cạnh đó, EU đã đạt được tiến bộ khi không đưa các yếu tố nông nghiệp vào trong các cuộc đàm phán này khi thỏa thuận được ký kết vào tháng 7 năm ngoái bao gồm các mặt hàng từ hóa chất đến dệt may, nhưng không phải thịt, trái cây hay rượu vang.

Do vậy, khi đoàn đàm phán EU tiếp tục đàm phán với các đối tác Mỹ, họ đã tiến hành trên cơ sở  tập trung nghiêm ngặt vào các mặt hàng công nghiệp, trừ các sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, điều này đã không được lòng Tổng thống Mỹ khi ông cho rằng, giai đoạn hai của cuộc đàm phán nên tập trung vào các điều khoản về nông nghiệp.

"Nông dân Mỹ xuất khẩu nông sản sang EU đang phải đối mặt với thuế quan cao và hàng rào phi thuế quan phi lý. Nông dân và chủ trang trại Mỹ cần được phép cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng ở EU", ông Trump nhấn mạnh.

Trước đó, thuế quan của Mỹ đối với mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu từ EU đã trờ thành vết rạn khó liền cho mối quan hệ. Mặc dù việc loại bỏ thuế quan có thể sẽ là tiền đề cho việc kết thúc đàm phán thương mại, nhưng các chuyên gia chỉ ra, thực tế EU đã không thể đàm phán "với một khẩu súng ở đầu". 

Mặt khác, những mâu thuẫn chính trị giữa những nhà lãnh đạo cũng đã tác động không nhỏ đến việc đạt được sự đồng thuận giữa Mỹ và các quốc gia trong EU. Mối quan hệ giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Trump đã trở nên tồi tệ hơn trong những năm trở lại đây, đặc biệt là sau khi Tổng thống Mỹ quyết định rút ra khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Điều này đã dẫn đến việc Tổng thống Macron cho rằng, sẽ không công bằng khi chỉ có một bên trong thỏa thuận thương mại phải tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường. Do đó, Pháp hoàn toàn có thể chặn mọi thỏa thuận hai bên có thể đạt được. 

Tiếp cận đa chiều

Đại diện cấp cao về thương mại của Liên minh châu Âu (EU) Cecilia Malmstrom (trái) và người đồng cấp Mỹ Robert Lighthizer. (Nguồn: EC)

Đại diện cấp cao về thương mại của Liên minh châu Âu (EU) Cecilia Malmstrom (trái) và người đồng cấp Mỹ Robert Lighthizer. (Nguồn: EC)

Theo giới quan sát, mối quan hệ đặc biệt Mỹ-EU rất có thể đang bước vào giai đoạn mới đặc biệt nguy hiểm. Hiện tại, cách tốt nhất để Mỹ và EU đạt được thỏa thuận là thực hiện một cách tiếp cận nhiều mặt nhằm vào cả thị trường xuyên Đại Tây Dương và hệ thống thương mại toàn cầu.

Lịch sử các cuộc đàm phán thương mại và xu hướng bảo hộ của chính quyền Trump đều cho thấy rằng việc đạt được thỏa thuận thương mại tự do Mỹ-EU là gần như không thể vào thời điểm này. Thay vào đó, Gabriel Felbermayr, Chủ tịch Viện Kiel về Kinh tế Thế giới chỉ ra, các cuộc đàm phán thương mại giữa hai bên trong tương lai có thể được đạt hiệu quả thông qua việc thiết lập một lộ trình để giải quyết từng vấn đề cụ thể.

Ví dụ, hai bên nên bắt đầu bằng các cuộc đàm phán liên quan đến việc tháo bỏ thuế quan đối với hàng hóa công nghiệp. Việc tìm kiếm một hiệp định thương mại Mỹ-EU phải có một sự cân bằng giữa một thỏa thuận đủ hẹp để có thể tồn tại nhưng cũng đủ rộng để bao gồm tất cả các giao dịch thương mại theo quy định của WTO.

"Mỹ và EU nên sử dụng các cuộc đàm phán thương mại của họ như một diễn đàn để thảo luận về cách thiết lập một chương trình nghị sự mang tính xây dựng để giải quyết các mối quan tâm chung về hệ thống thương mại toàn cầu, như nhu cầu cải cách WTO, và các vấn đề liên quan đến Trung Quốc, mối quan tâm chung của cả hai", ông Gabriel cho biết.

Có thể thấy, việc đạt được một thỏa thuận có lợi cho Mỹ sẽ giúp Tổng thống Mỹ giành được ưu thế trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020. Trong khi đó, EU sẽ giảm bớt áp lực để giải quyết vấn đề do Brexit đặt ra. Tuy nhiên, nếu hai bên tiếp tục duy trì những bất đồng, nền kinh tế thế giới sẽ chịu những hậu quả nặng nề hơn trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Mỹ - EU: Từ đồng minh thành địch thủ!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO