"Mỹ phẩm trí tuệ" - Chức năng thứ tư của đại học

TS Ngô Tự Lập 14/05/2019 14:05

Trong những cuộc tranh luận gần đây về giáo dục đại học ở Việt Nam, một vấn đề rất hay được nhắc đến là tình trạng sinh viên tốt nghiệp đại học không tìm được việc làm đúng ngành nghề đào tạo.

Nhiều người cho rằng đó là một dấu hiệu của sự khủng hoảng giáo dục. Chúng tôi cho rằng điều đó chỉ đúng một phần.

Vấn đề việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp là vấn đề có tính thời điểm. Năng lực của bất cứ nền giáo dục đại học nào cũng ít nhiều bất cập so với các chức năng của nó. Khi sự bất cập quá lớn, ta có thể nói đến sự “khủng hoảng”.

Nhưng khủng hoảng không phải bao giờ cũng xấu. Có khủng hoảng thoái triển, khi các nhân tố tiêu cực khiến trường đại học nó mất khả năng thực hiện các chức năng của nó; nhưng cũng có khủng hoảng phát triển, khi các thành tựu của xã hội và của chính nền giáo dục là tiền đề cho những chức năng mới, đòi hỏi nó phải có những thay đổi để mở đường cho sự phát triển cao hơn.

Vì vậy, để đánh giá đúng tình trạng của một nền giáo dục đại học, một trong những công việc đầu tiên là phải trả lời câu hỏi: Chức năng của giáo dục đại học hiện nay là gì? Theo chúng tôi, trường đại học hiện nay có bốn chức năng cơ bản. 

1. Chức năng dạy nghề, hay “đào tạo nhân lực”. Các trường đại học Trung cổ phương Tây, như Kant mô tả trong “Xung đột giữa các khoa”, có ba khoa Thượng khoa, đó là Thần học, Luật học và Y học và một Hạ khoa, đó là Triết học. Các khoa được gọi là thượng vì chúng nằm trong mối quan tâm của quyền lực nhà nước.

Các Thượng khoa dạy người dân tuân theo các quy tắc xã hội, nghĩa là đào tạo các thần dân, những người thừa hành. Khoa Triết học, ngược lại, bị coi là hạ chỉ vì nó không dạy bất kỳ điều gì khác ngoài việc sử dụng lý trí một cách tự do. Vì lẽ đó, nhà nước không chỉ quan tâm, mà còn thường xuyên can thiệp vào nội dung giảng dạy của các thượng khoa, trong khi nói chung để cho các giáo sư triết học lo liệu nội dung giảng dạy của khoa mình. Nói theo ngôn ngữ ngày nay, các thượng khoa là các khoa chuyên ngành, có mục đích dạy nghề, còn hạ khoa  có mục đích khai sáng. 

Các trường đại học trung cổ phương Đông cũng có bản chất dạy nghề tương tự. Mục đích chủ yếu của giáo dục đại học trung cổ Trung Hoa và Việt Nam trước đây là đào tạo quan lại. 

2. Chức năng Khai sán Theo Kant, con người ai cũng có một năng lực phổ quát gọi là lý trí mà nếu được sử dụng tự do có khả năng giúp con người khám phá thế giới và hành động đúng đắn. Tuy nhiên, phần lớn nhân loại không có khả năng sử dụng lý trí một cách tự do - họ là những kẻ vị thành niên về trí tuệ, cần được khai sáng để có khả năng thoát khỏi tình trạng vị thành niên về trí tuệ, nghĩa là có thể “sử dụng tri thức của mình là không cần sự chỉ dẫn của người khác.”

Khai sáng, theo Kant, phải là chức năng chính của trường đại học và được thực hiện qua vai trò trung tâm của khoa Triết học mà sư mệnh là dạy cho sinh viên cách sử dụng lý trí một cách tự do. Ý tưởng của Kant về trường đại học hiện đại được Humboldt hiện thực hóa lần đầu tiên tại Berlin.

3. Chức năng thứ ba của đại học là chức năng sản xuất, gắn liền với kinh tế tri thức. Trong nền kinh tế truyền thống, nhiệm vụ của đại học là chuẩn bị nhân lực. Trong nền kinh tế tri thức, trường đại học trở thành mắt xích quan trọng nhất của quá trình sản xuất. Đối với các ngành sản xuất có công nghệ cao, các công đoạn sản xuất quan trọng nhất - nghiên cứu, thiết kể và thử nghiệm – đều được thực hiện chủ yếu ở trường đại học, còn các công xưởng chỉ có nhiệm vụ nhân bản các sản phẩm hoàn chỉnh ấy mà thôi. Không chỉ tham gia vào quá trình sản xuất, bản thân trường đại học cũng trở thành doanh nghiệp sản xuất và bán tri thức.

Các phòng thí nghiệm của trường đại học có thể ký hợp đồng nghiên cứu như một loại dịch vụ. Các trường đại học có thể chủ động đầu tư nghiên cứu rồi sau đó thương mại hóa kết quả. Không những thế, nhiều trường đại học Phương Tây đang trở thành những tập đoàn kinh doanh giáo dục. Họ thành lập nhưng bộ phận “Giáo dục Quốc tế”, chuyên khai thác thị trường giáo dục ở các nước đang phát triển. Đây chính là cái mà nhiều học giả gọi là “chủ nghĩa thực dân học thuật.”

Ở Hàn Quốc, do truyền thống, nhiều phụ nữ ngừng đi làm sau khi lập gia đình, nhưng vẫn theo học tại các trường đại học. Học đại học vì sự phát triển trí tuệ cá nhân như vậy có thể gọi là “mỹ phẩm trí tuệ”.

4. Chức năng thứ tư của trường đại học là phát triển cá nhâ Điều này cũng tương tự như công nghiệp làm đẹp. Trước đây, làm đẹp là việc xa xỉ đối với đa số người dân. Khi xã hội sung túc hơn, việc làm đẹp trở nên phổ biến. Bây giờ không chỉ phụ nữ trẻ, mà cả người già, cả nam giới cũng có nhu cầu làm đẹp. Bây giờ quần áo, xe cộ, nhà cửa… cũng ít nhiều trở thành đồ trang sức. Người ta còn áp dụng cả các thành tựu y học vào việc làm đẹp, tạo thành một trào lưu ở nhiều nước. Nhu cầu làm đẹp dẫn đến sự hình thành của cả một nền kinh tế làm đẹp. 

Nhưng bên cạnh nhu cầu làm đẹp thân thể, còn có nhu cầu làm đẹp về tinh thần, đặc biệt là trí tuệ. Nhiều người đã có bằng cấp và việc làm tốt vẫn đăng ký học các chuyên ngành khác. Ở Hàn Quốc, do truyền thống, nhiều phụ nữ ngừng đi làm sau khi lập gia đình, nhưng vẫn theo học tại các trường đại học. Học đại học vì sự phát triển trí tuệ cá nhân như vậy có thể gọi là “mỹ phẩm trí tuệ”. Nhu cầu về “mỹ phẩm trí tuệ” đang tăng lên không ngừng tại hầu hết các nước. Thật là vô lý nếu chúng ta khăng khăng đòi hỏi mọi sinh viên ra trường phải làm đúng ngành nghề đào tạo.

Sự gia tăng của nhu cầu “mỹ phẩm trí tuệ” là một xu hướng tự nhiên và lành mạnh. Việc đáp ứng nhu cầu ấy cũng là lành mạnh. Trên thực tế, nó đang trở thành một ngành dịch vụ. Đó là một trong những lý do chúng ta không những phải chấp nhận mà còn phải chủ động kinh doanh giáo dục đại học.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
"Mỹ phẩm trí tuệ" - Chức năng thứ tư của đại học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO