Nếu Việt Nam trở thành nơi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai thì đây tiếp tục là một thông điệp ngoại giao đầy tinh tế của ông Trump.
Tính chất của mối bang giao Mỹ - Triều khiến những cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo hai quốc gia này trở nên đặc biệt. Đặc biệt không chỉ ở nội dung họ nói với nhau những gì, mà ngay cả địa điểm gặp gỡ.
Hình ảnh thịnh vượng từ Singapore sẽ tác động đến ông Kim Jong - un như thế nào khi Tổng thống Trump mời ông ta đến đây trong Thượng đỉnh lịch sử Mỹ - Triều hồi tháng 6 năm ngoái?
Đảo quốc Sư tử là một đất nước ở phương Đông điển hình thành công bởi chính sách hướng Tây, tuy khiêm tốn về các chỉ số “cứng” nhưng sức mạnh “mềm” luôn khiến thế giới phải nể trọng.
Triều Tiên và Singapore có nhiều điểm tương đồng, về con người, văn hóa, ở Singapore sáu thập kỷ qua chưa một chính đảng nào có thể giành lấy vị thế và uy tín từ Đảng Nhân dân được thành lập bởi chiến lược gia Lý Quang Diệu, một điều tương tự cũng diễn ra với Đảng Lao động tại Triều Tiên.
Nhưng, Singapore vươn mình trở thành cường quốc “mềm” thì Triều Tiên thực hiện chính sách khép kín, tỏ ra hoài nghi với dòng chảy hội nhập.
Để Bình Nhưỡng mở cửa và hướng về phía mình, Washington đã vô cùng tinh tế lựa chọn một hình mẫu như Singapore để truyền đi thông điệp rằng, Triều Tiên hoàn toàn có thể trở nên thịnh vượng như những quốc gia khác nếu họ buông bỏ thái độ thù địch với Mỹ.
Có thể bạn quan tâm
20:18, 06/01/2019
07:58, 21/10/2018
Từ chuyến đi đến Singgapore hồi tháng 6 năm ngoái, ông Kim Jong- un không thể không có những thay đổi cơ bản trong tư duy chiến lược. Không nghi ngờ gì nữa, Triều Tiên đang muốn mở cửa bang giao hơn bao giờ hết
Đầu năm mới 2019, nhà lãnh đạo 35 tuổi này cho thế giới thấy một hình ảnh vô cùng hiện đại, năng động, ông mặc veston, ngồi trên ghế sofa trong căn phòng bài trí rất Tây để nói về triển vọng đất nước.
Nếu người Mỹ chọn Việt Nam để tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2, điều này tiếp tục là một thông điệp rất đáng chú ý.
Trước hết, Việt Nam hoàn toàn có thể đóng vai một trung gian hòa giải các bất đồng trên thế giới, thêm cơ hội để Hà Nội đóng góp thiết thực vào hòa bình ổn định trên bán đảo Triều Tiên.
Nhưng, Washington có lẽ không chọn Việt Nam vì lý do ấy, bởi vì những ảnh hưởng “cứng” lẫn “mềm” đến mối quan hệ Mỹ - Triều không phải quá lớn. Song Việt Nam vẫn có thể trở nên rất ảnh hưởng với một thông điệp tích cực nào đó.
Cùng ý thức hệ, đồng chủng đồng văn, phần nào cùng bối cảnh lịch sử nhưng Việt Nam gặt hái nhiều thành công trên con đường hội nhập, ngoại giao linh hoạt giữa sức ảnh hưởng của các cường quốc.
Với Mỹ, là cựu thù sâu sắc, nhưng Việt Nam đã gác lại quá khứ, nhanh chóng đặt lại quan hệ ngoại giao để phù hợp với xu thế toàn cầu hóa, hẳn nhiên lịch sử không quên nhưng cũng bởi một cái nhìn chân lý “thêm bạn bớt thù” - điều đó đã được chứng minh là thành công, ít nhất cho đến thời điểm này.
Chọn Việt Nam để tổ chức Thượng đỉnh Mỹ - Triều còn là những toan tính chiến lược của Nhà trắng. Dĩ nhiên, Washington không thể không muốn nói điều gì đó với Bắc Kinh!?
Cùng Việt Nam, còn có Thái Lan và Hawaii vào tầm ngắm, nhưng Băng Cốc là hình mẫu tương tự Singapore, còn nếu ông Kim đến Hawaii không khác nào một chuyến thăm chính thức đến Mỹ - động thái ngoại giao cấp cao này chưa đủ chín muồi vào thời điểm này.
Từ suy luận này, Việt Nam rất có thể trở thành “mô hình” tiếp theo để ông Trump giới thiệu với Bình Nhưỡng - như một thành quả của chính sách hội nhập - điều mà Triều Tiên đang muốn vào lúc này.
Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong - ho đã đến thăm Việt Nam hồi cuối năm 2018; một phái đoàn của Mỹ đã tiền trạm đến Hà Nội. Đó là những dấu hiệu ban đầu cho thấy Việt Nam có thể là nơi gặp gỡ của ông Kim và ông Trump.
Nếu Thượng đỉnh lần này được diễn ra như dự kiến, sẽ là lúc lãnh đạo hai nước Mỹ - Triều thảo luận cụ thể hơn những vấn đề đã được phác ra ở Singapore hồi tháng 6/2018.
Như vậy, khoảng cách sẽ được rút ngắn lại, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên sẽ được gỡ “nút thắt” đầu tiên, là ông Kim đồng ý từ bỏ để đổi lại Washington dỡ lệnh cấm vận.
Đó là điều kiện đầu tiên để Bình Nhưỡng mở cánh cửa bước ra thế giới vốn đã đóng rất kỹ mấy thập kỷ nay.
Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần này không còn là “màn chào hỏi” ngoại giao đơn thuần. Mà đây là một chương trình nghị sự có nội dung hẳn hoi, như ông Pence (Phó Tổng thống Mỹ) khẳng định “chấm dứt bế tắc hạt nhân giữa hai nước”.
Nếu thuận hòa với Mỹ, cũng đồng nghĩa với việc Nam Bắc triều sẽ chung sống hòa bình trên một bán đảo. Đây là kịch bản hoàn hảo nhất.