Mỹ và ba cuộc đối đầu căng thẳng tại châu Á

Cẩm Anh 11/08/2019 11:30

Căng thẳng địa chính trị và thương mại đã lan sang khu vực châu Á và diễn biến hết sức phức tạp khi các quốc gia đồng thời diễn ra xung đột với Mỹ.

Tổng thống Trump đang phải đối mặt với ba cuộc căng thẳng lớn tại châu Á.

Tổng thống Trump đang phải đối mặt với ba cuộc căng thẳng lớn tại châu Á.

Bên cạnh bầu không khí chia rẽ trong nội bộ châu Âu, bất ổn tại Nam Mỹ, châu Á cũng đang hứng chịu "cơn bão" căng thẳng bao trùm khu vực khi các nước đồng loạt xảy ra xung đột với Mỹ sau 2 năm rưỡi cầm quyền của Tổng thống Trump.

Trong thời điểm hiện tại, Iran, Triều Tiên và Trung Quốc đồng thời gia tăng áp lực lên Mỹ. Theo các chuyên gia, đây là những vấn đề lớn đối với châu Á. Mặc dù chính quyền Mỹ đã tích cực can thiệp vào những khu vực nóng và trấn an đồng minh, nhưng việc thiếu chiến lược bài bản tại châu Á đã khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.

Có thể bạn quan tâm

  • “Vòng xoáy” nông sản từ cuộc chiến Mỹ- Trung

    05:11, 10/08/2019

  • Mỹ đánh thuế 4,4 tỷ USD với tủ nhập khẩu từ Trung Quốc

    14:03, 09/08/2019

  • Mỹ chính thức cấm các hợp đồng của chính phủ đối với Huawei, ZTE

    06:45, 09/08/2019

  • Mỹ "ngấm đòn" khi Trung Quốc ngừng mua nông sản

    11:00, 08/08/2019

Những vấn đề này đã tồn tại từ các đời tổng thống trước nhưng không ai giải quyết được và ông Trump cũng vậy. Giờ thì chúng đang diễn biến xấu hơn và đặc biệt cùng hội tụ tại một thời điểm và kéo sự lạc quan của các công ty khu vực châu Á - Thái Bình Dương xuống mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua.

Sau khi Tổng thống Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran, căng thẳng giữa hai nước đã leo thang nhanh chóng và khiến vùng Trung Đông nóng hơn bao giờ hết. Theo đó, lệnh trừng phạt của Mỹ đã làm xuất khẩu dầu của Iran giảm mạnh xuống còn 100.000 thùng/ngày trong tháng 7/2019. 

Giới quan sát đánh giá, tác động về mặt kinh tế hiện chưa đáng kể do xung đột ở vùng Vịnh không khiến giá dầu tăng. Tuy nhiên, rủi ro quân sự đang ở mức cao chưa từng có bởi không chỉ quân đội hai nước có thể châm ngòi chiến tranh. Cả hai quốc gia đều đang sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn của thế giới. Do vậy, nếu Iran và Mỹ thực sự diễn ra tranh chấp quân sự sẽ gây ra những thiệt hại lớn không chỉ cho Iran mà còn cả những quốc gia khác trong khu vực Trung Đông.

Trong khi đó, một quốc gia sở hữu kho vũ khí hạt nhân khác của châu Á là Triều Tiên đã tiến hành thử tên lửa 5 lần trong 2 tuần qua. Theo báo cáo của quân đội Hàn Quốc và Mỹ, mặc dù đây chỉ là những tên lửa tầm ngắn, nhưng điều này báo hiệu Triều Tiên đang không có nhiều kiên nhẫn với Mỹ sau khi quốc gia này tiến hành tập trận chung với Hàn Quốc.

Chuyên gia Evans Revere, cựu quan chức ngoại giao Mỹ tại Hàn Quốc nhận định, Triều Tiên đang gửi thông điệp cho Mỹ và các đồng minh về sự tiến bộ về công nghệ cần thiết để triển khai một loại vũ khí tinh vi, có thể được trang bị đầu đạn hạt nhân và sử dụng trong cuộc tấn công đầu tiên nếu chiến tranh nổ ra. 

"Đây là những vũ khí để nhằm vào những nơi tập trung binh sỹ của Mỹ và Hàn Quốc, đặc biệt là trong trường hợp Hàn Quốc và Nhật Bản đồng ý cho Mỹ triển khai tên lửa đạn đạo tầm trung trong lãnh thổ của hai quốc gia này. Rõ ràng, Triều Tiên đang cảnh cáo đồng minh của Mỹ và nhắc nhở chính quyền Trump giữ đúng lời hứa", ông Evans Revere phân tích.

Cho đến thời điểm hiện tại, Washington vẫn giữ những phát ngôn lạc quan về hành động từ phía Triều Tiên. Tuy nhiên, rất có thể, trong thời gian tới, Bình Nhưỡng sẽ không còn nhượng bộ mà tiếp tục có những hành vi "vượt lằn ranh đỏ". Có ý kiến cho rằng, rất có thể một vụ thử hạt nhân hay tên lửa tầm xa đang được nhà lãnh đạo Kim Jong-un tính đến.

Cùng với Iran, Triều Tiên và Trung Quốc cũng đồng thời gây áp lực với Mỹ

Cùng với Iran, Triều Tiên và Trung Quốc cũng đồng thời gây áp lực với Mỹ

Cuối cùng, cuộc chiến thương mại kéo dài với Trung Quốc đang được đẩy lên cao sau cáo buộc đất nước này là quốc gia thao túng tiền tệ. Ngay sau đó, Trung Quốc đã tuyên bố ngừng mua nông sản Mỹ và có thể biến đồng nhân dân tệ thành một loại vũ khí trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.

So với Iran và Triều Tiên, cuộc chiến không tiếng súng giữa Mỹ và Trung Quốc có tác động lớn hơn cả khi nền kinh tế và chuỗi thương mại toàn cầu đều đang chịu những tổn thất nặng nề. Trong khi cổ phiếu ngành bán lẻ và công nghệ đã giảm mạnh trong những phiên giao dịch gần đây, chỉ có 53% doanh nghiệp vẫn lạc quan vào viễn cảnh tăng trưởng trong tương lai, con số thấp nhất kể từ năm 2009.

Đồng thời, cuộc chiến thương mại đã khiến các chuyên gia liên tục cảnh báo một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ diễn ra chỉ trong vòng 9 tháng nữa và đẩy niềm tin của các tập đoàn và tăng trưởng toàn cầu xuống mức thấp nhất trong nhiều năm.

Có thể thấy, rất nhiều vấn đề đang đặt ra cho Tổng thống Trump trước thềm tập trung cho cuộc bầu cử vào năm 2020. Mọi "cuộc chiến" đều đang chờ kết quả cuối cùng tại cuộc bầu cử này. Nếu nhà lãnh đạo của nước Mỹ không có lấy một thành tựu kinh tế lẫn ngoại giao nào trong năm nay, chiến thắng sẽ không còn nằm trong tầm tay ông. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Mỹ và ba cuộc đối đầu căng thẳng tại châu Á
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO