Năm 2018 - Một góc nhìn (Bài cuối)

Diendandoanhnghiep.vn Tất cả cũng chỉ một mục đích là nhìn lại chặng đường đã qua để rút kinh nghiệm cho chặng đường sắp tới, dẫu biết “sợi dây kinh nghiệm” dài quá đỗi!

“Một góc nhìn 2018” sẽ chốt lại bằng một vài sự kiện chính trị, xã hội trong nước có tầm ảnh hưởng sâu sắc. Kinh tế sẽ quyết định chính trị, xã hội - là quy luật. Nhưng chính trị, xã hội sẽ tác động trở lại - xấu hoặc tốt còn phụ thuộc vào kết quả từng sự kiện.

Nghị trường Quốc hội năm 2018 là nơi thể hiện đủ đầy các sắc màu cuộc sống - đó là đánh giá trực quan của người viết bài này. Dĩ nhiên, sẽ dựa trên những bằng chứng khách quan nhất.

Trong 24 ngày diễn ra cuộc họp của kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã cơ bản đáp ứng nguyện vọng của cử tri, nhất là các vấn đề nóng hổi được tranh luận một cách thẳng thắn, dân chủ.

Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV để lại nhiều dấu ấn

Sự thành công của kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV có tác động rất lớn

Từ các vấn đề vĩ mô như quản lý kinh tế, hoạch định chính sách, ô nhiễm môi trường… đến những câu chuyện tưởng chừng nhỏ nhặt như thân phận con người, từng trang sách của học trò, đến những góc tối trong giáo dục, văn hóa, xã hội… đã được chất vấn và trả lời chất vấn trong 3 ngày chỉ với 3 phút cho mỗi câu trả lời.

Một trong những tâm điểm là Bộ trưởng Trần Hồng Hà, xem và cảm nhận không còn kiểu trả lời vòng quanh lệch tâm câu hỏi, ngược lại với 3 phút ít ỏi Bộ trưởng Hà đã gói gém tình hình một cách cụ thể nhất, ít nhiều thấy được điểm nghẽn ở khâu nào.

Lĩnh vực văn hóa của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện tạo ra sự thú vị trong ngày chất vấn đầu tiên, khi đại biểu Kiều Trinh (Nghệ An) đặt vấn đề xuống cấp đạo đức. Ông Thiện dẫn ra một quy luật của lý luận Mác - Lênin để giải đáp “tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội”, đó thật sự là câu trả lời có chất lượng về mặt lý luận.

Đại biểu Phạm Trí Thức (Thanh Hóa) nói rằng “sau mỗi lá đơn là số phận một con người” để chất vấn người đứng đầu ngành Tư pháp, trong số 2.000 lá đơn yêu cầu giám đốc thẩm chỉ giải quyết được phân nửa, số còn lại vẫn tồn đọng, có nạn nhân tự sát vì án oan sai.

Tân Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, người xuất thân từ một nhà mạng đã “khuyến mãi” cho các đại biểu một vài quan điểm rất sâu về “vấn nạn sim rác, mạng xã hội, quản lý thông tin xấu trên mạng xã hội…” từ một đề nghị hóm hĩnh của ông Nguyễn Sỹ Cương.

Lấy phiếu tín nhiệm 48 chức danh chủ chốt cũng thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội. Kết quả từ lá phiếu cho thấy, ngành giáo dục, giao thông vận tải còn quá nhiều việc phải làm. Nhưng thực tế có phải, chỉ có những ngành này mới được đặt vào tình thế báo động?

Tựu trung lại, đây là một kỳ họp có chất lượng lý luận rất cao, theo thống kê riêng, có ít nhất 3 lần các quan điểm cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lênin, với tư cách là nền tảng tư tưởng của Đảng, được dẫn ra giữa nghị trường.

Nhưng, hỏi hay, trả lời tốt cũng chỉ mới đáp ứng 50% bản chất vấn đề, có nghĩa rằng, sẽ phải xử lý như thế nào với những rắc rối? Hay là - cử tri, lại phải ngồi nghe những vấn đề muôn năm cũ trong những kỳ họp sắp tới?

Từ rất lâu, tham nhũng được gọi tên là “quốc nạn” - làm kiệt quệ ngân sách, hao mòn lòng tin dân chúng, cùng với đó là sự tha hóa đến cùng kiệt của một “bộ phận không nhỏ” bên trong những “biệt thự”, “biệt phủ, “tư gia”, “dinh thự” khủng khiếp mà tưởng chừng chỉ có ở thời kỳ phong kiến!

Hẳn nhiên, tài sản ấy rất khó để dựng lên bằng lương hàng tháng và muôn nghề “nổi tiếng” như chạy xe ôm, bán chổi đót, thậm chí lao động đến “thối cả móng tay”…

Ngày 31/7/2017, phát biểu tại phiên họp thứ 12 của Ban chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư nói: “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu”.

Công cuộc chống tham nhũng để lại nhiều kỳ vọng

Công cuộc chống tham nhũng để lại nhiều kỳ vọng

Câu nói này trở thành chủ đề “nóng” suốt cả năm 2018, và ngọn lửa lò đã phả sức nóng đến nhiều cá nhân, tổ chức.

Diễn biến chống tham nhũng trong năm 2018 đã chứng minh rằng, phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước là một quyết tâm chính trị sắt đá. Kết quả đã thấy rõ, thì thôi, xin phép không nhắc lại chuyện buồn đáng quên!

Và, như nhiều vị lão thành cho rằng: “Đây cũng là nỗi đau xót trong Đảng, không ai có thể vui mừng khi thấy đồng chí của mình bị xử lý như vậy…”

Tuy nhiên, kết quả chống tham nhũng năm 2018 thật sự cho thấy rằng, bộ phận “sâu mọt” đã chui sâu, leo cao trong bộ máy, đã thiết lập trục quyền lợi tai hại mang tên “lợi ích nhóm”.

Tham nhũng làm tha hóa cả những cá nhân mà thường ngày không ít người cảm thấy tin tưởng vì lời nói, hành động bên ngoài của họ. Người đứng đầu Đảng đã nói lên một điều rất đại ý trong một lần tiếp xúc cử tri: “Ai trót nhúng chàm rồi thì tự gột rửa đi, không phải cứ xử chung thân hay tử hình thì mới tốt”.

Bên cạnh những bản án nghiêm khắc thì những người “cầm trịch” công cuộc chống tham nhũng cũng chừa ra một con đường để “tự gột rửa”. Đó, thiết nghĩ, mới là kế sách bền sâu gốc rễ.

“Thủ Thiêm” là từ khóa được tìm kiếm rất nhiều trên Google trong năm nay- nháy mắt cái, có gần 10 triệu kết quả liên quan! Vâng, một lần nữa quy hoạch và sử dụng đất đai cho thấy hàng tá bất cập ảnh hưởng đến quốc kế dân sinh lớn như thế nào.

Một khu đô thị mới mọc lên ở Thủ Thiêm được ví như khu Mahattan của Mỹ và Phố Đông ở Thượng Hải - Trung Quốc. Nhưng đến năm 2018 mới bung hết những uất ức do công cuộc “giải tỏa - cưỡng chế” xuất phát từ cách đây 20 năm.

Hai bên những con đường nhựa đen bóng, phía sau những tòa nhà lộng lẫy là nỗi cơ cực của hàng ngàn dân mất đất, mất nhà; sự tuyệt vọng của không biết bao nhiêu lá đơn kêu cứu.

Câu chuyện ở Thủ Thiêm thật đáng buồn!

Câu chuyện ở Thủ Thiêm thật đáng buồn!

Có hay không việc điều chỉnh quy hoạch để trục lợi trên nỗi khổ của dân chúng? Và, vì sao tấm bản đồ quy hoạch gốc từ năm 1996 từng được đại diện lãnh đạo UBND TP HCM cho rằng “đã thất lạc”. Tin được không?

Gần 4 tháng vào cuộc, đã cho ra kết luận quan trọng: “UBND thành phố qua các thời kỳ đã phá vỡ quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt năm 1996. Thu hồi 4,3 ha ngoài ranh; lấy đất tái định cư giao cho 51 doanh nghiệp làm dự án...”

Lần đầu tiên một sai phạm trong lĩnh vực đất đai làm rúng động lương tâm con người. Dính đến nhiều thời kỳ lãnh đạo, việc này khiến những người đã nghỉ hưu vẫn không thể yên, họ phải tiếp tục xách cặp đến công sở để tìm cách giải quyết hậu quả!

Lời xin lỗi mà cơ quan công quyền gửi đến người dân là một điều đương nhiên, bất kể sai phạm đó là lớn hay nhỏ. Giá trị của lời xin lỗi (chân thành) trong mọi hoàn cảnh đều có ý nghĩa như nhau. Nhưng không có nghĩa là đánh đồng tất cả những nguyên nhân với nhau. Ở Thủ Thiêm, bao nhiêu lời xin lỗi mới đủ?

Một nơi quan trọng như Thủ Thiêm mà không thoát khỏi con mắt “lợi ích nhóm” thì thử hỏi còn những nơi nào hay không? Đây là một dạng “tham nhũng chính sách”, tác động xấu vào quy hoạch để một nhóm người có thể dồn rất nhiều người vào nghịch cảnh.

Thưa bạn đọc!

Như vậy là bức tranh kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của năm 2018 đã được người viết cố gắng phác họa qua 9 sự kiện. Với nhiều người, con số này có thể nhiều hoặc ít hơn mới phải. Âu đó cũng là một góc nhìn.

Có chuyện vui, chuyện chưa vui và cả chuyện cần phải quên đi. Nhưng tất cả cũng chỉ một mục đích là nhìn lại chặng đường đã qua để rút kinh nghiệm cho chặng đường sắp tới, dẫu biết “sợi dây kinh nghiệm” dài quá đỗi!

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Năm 2018 - Một góc nhìn (Bài cuối) tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714005035 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714005035 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10