Năm cam kết của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp

Thy Hằng 23/12/2019 15:30

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải thay đổi tư duy, những gì tư nhân làm được và làm tốt thì nên để tư nhân làm, kể cả cung cấp dịch vụ công.

ádf

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Sau khi lắng nghe tất cả những ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp, kể cả những ý kiến trái chiều, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân khẳng định ghi nhận những thành tích đáng mừng, những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, giúp đất nước rút ngắn khoảng cách phát triển trên thế giới.

Chống "tham lớn, bỏ nhỏ"

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, khi doanh nghiệp phát triển được thì người dân mới có thu nhập mua hàng hóa, tiêu dùng. Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp, hiện tại con số này là khoảng 800.000. Chính phủ không chỉ quan tâm đến số lượng, còn cả chất lượng.

“Tại Việt Nam, hiện trung bình cứ 120 người dân mới có một doanh nghiệp. Con số này ở các nước ASEAN là 90 người dân. Còn ở các nước phát triển là 10 người dân có một doanh nghiệp”, Thủ tướng nói, đồng thời cho rằng dư địa tăng trưởng và phát triển doanh nghiệp Việt Nam còn rất lớn. Chính phủ tạo mọi điều kiện cho phát triển doanh nghiệp.

Thủ tướng đề nghị sau hội nghị phải có nghị quyết về phát triển doanh nghiệp, để tháo gỡ những tồn tại và phát triển số lượng doanh nghiệp về cả số lượng và quy mô.

“Trừ cứu hỏa và thiên tai, việc giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp phải nằm trong đầu quyển sổ tay hành động của lãnh đạo”, Thủ tướng nói.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục có những chính sách cởi mở hơn, thực sự cởi trói, ủng hộ để doanh nghiệp bứt phá, làm được nhiều hơn nữa, đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước, cởi trói cho doanh nghiệp tư nhân tham gia nhiều hơn vào các lĩnh vực, các ngành mà trước đây chỉ có Nhà nước đảm trách, ngoại trừ những lĩnh vực nhạy cảm liên quan đến an ninh, quốc phòng và điều hành vĩ mô thì Nhà nước phải tiếp tục nắm.

“Chúng ta phải thực sự thay đổi tư duy không phải những gì mà Nhà nước không muốn làm thì chuyển cho tư nhân mà là những gì tư nhân làm được và làm tốt thì nên để tư nhân tham gia, kể cả doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ công, những quan điểm mới này tôi xin đề nghị các địa phương, các ngành nên quán triệt để triển khai. Không phải cái khó đẩy cho tư nhân mà cái gì tư nhân làm được nên ủng hộ", Thủ tướng nêu rõ.

Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2019 có chủ đề

Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2019 có chủ đề "phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp - hội nhập, hiệu quả, bền vững".

Đặc biệt, Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, nỗ lực cải thiện đầu tư kinh doanh, bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ, đặc biệt là việc tiếp cận đất đai, giảm danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, giải quyết tranh chấp hợp đồng.

Chính phủ cũng sẽ rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật về đầu tư, đất đai, môi trường, thiết lập ưu đãi tài chính tốt hơn cho các lĩnh vực như sản xuất thông minh, bảo vệ môi trường…

Nhắc tới câu chuyện của Samsung, trước đây chỉ sử dụng khoảng 10% các nguyên liệu do doanh nghiệp Việt cung cấp, đến nay, con số tăng lên 45%. Hay, một ví dụ khác là Ôtô Trường Hải đã đạt tỷ lệ nội địa hóa 40%, Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp Việt cần liên kết với nhau hơn nữa để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Có thể bạn quan tâm

  • Ngân hàng ngại cho vay, doanh nghiệp nông nghiệp khó sản xuất lớn

    12:30, 23/12/2019

  • Vingroup xin ưu đãi thuế phí cho lĩnh vực sản xuất ô tô điện

    12:05, 23/12/2019

  • Chủ tịch VCCI: Nếu xóa chồng chéo giữa các luật đầu tư kinh doanh, tăng trưởng GDP có thể đạt 9-10%

    11:49, 23/12/2019

  • "Thẳng thắn nêu tên bộ ngành, địa phương gây nhũng nhiễu doanh nghiệp"

    09:48, 23/12/2019

  • "Hội nghị Diên hồng" lần thứ 3 và quyết tâm hỗ trợ doanh nghiệp từ Chính phủ

    04:50, 23/12/2019

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ ngành lắng nghe doanh nghiệp, sau đó phải giám sát vấn đề này. “Các cơ quan quản lý Nhà nước phải loại đi những cán bộ nhũng nhiễu phiền hà, gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh do tham nhũng tiêu cực hoặc do trình độ yếu kém để kéo dài thời gian, làm mất thời gian, cơ hội đầu tư của doanh nghiệp”, Thủ tướng nhấn mạnh. Đồng thời, yêu cầu phải thay đổi tư duy, chống phân biệt loại hình doanh nghiệp. Tuyệt đối không có tư duy “tham lớn, bỏ nhỏ”.

5 cam kết từ Chính phủ

Đặc biệt, Người đứng đầu Chính phủ cũng nêu ra yêu cầu với cộng đồng doanh nghiệp và 5 cam kết của Chính phủ.

Đối với cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao tinh thần đoàn kết, tương tác và khuyến khích sự chủ động hợp tác, tương trợ nhau trên thương trường, phát huy tinh thần yêu nước, gắn bó với nhau khi khó khăn và cùng nhau vươn ra biển lớn.

Cộng đồng doanh nghiệp cần phải chủ động đổi mới chính mình, phải thực sự tái cấu trúc và cải tiến liên tục, nâng cao sức cạnh tranh, xây dựng uy tín thương hiệu sản phẩm, chú trọng đầu tư áp dụng công nghệ, luôn nghĩ đến chìa khóa công nghệ mỗi khi cần giải quyết một bài toán sản xuất, tận dụng cơ hội cách mạng công nghiệp 4.0 và các hiệp định FTA.

Doanh nghiệp phải tuân thủ luật pháp, cần thực hành các chuẩn mực kinh doanh tiến bộ, cần nộp thuế và các nghĩa vụ tài chính bắt buộc, thực hiện đầy đủ các quyền lợi của người lao động như đóng bảo hiểm cho người lao động, bảo vệ môi trường, bảo vệ, giữ gìn thương hiệu, uy tín quốc gia. Thủ tướng yêu cầu: “Chúng ta cần nói không với các hành vi gian lận thương mại, sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Cần phải tiếp tục xây dựng thương hiệu, tạo dựng chỗ đứng cho doanh nghiệp".

Doanh nghiệp Việt Nam cần đi đầu trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, nhất là không được đưa hối lộ và kịp thời phát hiện tình trạng tham nhũng, kể cả tham nhũng vặt.

“Thủ tướng hôm nay đích thân mời cộng đồng doanh nghiệp cùng tham gia xây dựng các quy định chuẩn mực về môi trường và văn hóa kinh doanh, các quy định này cũng được xem là một khế ước cam kết hành động có trách nhiệm giữa cộng đồng doanh nghiệp với các bộ, ngành”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng mong muốn với những thành quả quan trọng về kinh tế-xã hội đạt được trong năm 2019 và khí thế mới 2020 cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hãy tự tin đặt mục tiêu lớn hơn trong năm 2020, dám đặt tầm nhìn và nuôi dưỡng khát vọng lớn hơn trong giai đoạn tới.

Về các cam kết của Chính phủ, Thủ tướng cũng nhấn mạnh 5 cam kết. Thứ nhất, Chính phủ cam kết tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, phải giữ tốc độ phát triển trong nhiều năm tới.

Thứ hai, Chính phủ sẽ cải cách tích cực, rà soát, tạo quyền lợi cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh Chính phủ sẽ không được làm thay, tạo sự ỷ lại cho doanh nghiệp trong nước.

Thứ ba, Chính phủ cam kết bảo vệ quyền tài sản chính đáng của người dân và doanh nghiệp. Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ nghiên cứu và sớm ban hành thiết chế bảo vệ quyền tài sản của người dân và doanh nghiệp, kiểm soát quyền lực, tránh lạm dụng quyền lực công, đụng chạm đến tài sản và lợi ích của doanh nghiệp.

Thứ tư, Thủ tướng cho rằng cần ý thức việc để một doanh nghiệp, thương hiệu lớn của Việt Nam biến mất là thất bại của không chỉ doanh nghiệp mà còn là cả Chính phủ, chính quyền địa phương.

“Chúng ta cần ý thức rằng để một doanh nghiệp hay một thương hiệu chính đáng nào đó của Việt Nam biến mất thì đó không chỉ là thất bại của riêng doanh nghiệp mà của cả Chính phủ và chính quyền địa phương, nói chung là của tất cả chúng ta”, Thủ tướng bày tỏ. Đồng thời khẳng định, doanh nghiệp lớn, có tên tuổi, làm ăn làm ăn lành mạnh, đúng đắn, thì chúng ta phải lắng nghe, bảo vệ thương hiệu bền vững, phát triển.

Thứ năm, Thủ tướng nhấn mạnh, một cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh bền vững có khả năng cạnh tranh toàn cầu, với những doanh nhân Việt Nam có khát vọng, có lòng tự tôn dân tộc mãnh liệt, chính là những tiền đề quan trọng để Việt Nam trở thành một quốc gia độc lập tự cường và thịnh vượng vào năm 2045.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Năm cam kết của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO