Hiếm có nơi nào có được những vùng đất linh thiêng và kỳ bí như Nam Định. Du khách thập phương đến trảy hội tháng Giêng rất nhiều năm mà không khám phá hết được sự thú vị của nơi đây.
Chưa có năm nào đêm giao thừa lại “kỳ lạ” như năm nay. Khi khoảnh khắc đất trời vừa chuyển giao thì sấm vang động, mưa rào như mùa hạ. Mọi người đều ngỡ ngàng trước sự thay đổi chưa từng có của đất trời.
Đêm giao thừa không thấy lún phún mưa phùn như mọi năm mà thay vào đó là cơn mưa rào dải khắp miền Bắc. Mọi người “rỉ tai” nhau, hiện tượng lạ như thế này năm nay đất nước sẽ khởi sắc nhiều, cùng nhau đi lễ để cầu cho đất nước hưng thịnh, gia đình ấm no.
Khắp nơi nơi lòng người rộn ràng trảy hội mùa xuân với mong muốn nguyện cầu một năm mới sức khoẻ, bình an. Vào tháng Giêng, Nam Định là một trong những địa phương có nhiều lễ hội lớn thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương như: Lễ Khai ấn Đền Trần; chợ Viềng Xuân Vụ Bản, Nam Trực; lễ hội chùa Bi (Thị trấn Nam Giang), lễ hội Hoa - cây cảnh làng Vị Khê, xã Điền Xá (Nam Trực); lễ hội làng An Cư, xã Xuân Vinh, làng Ngọc Tiên, xã Xuân Hồng (Xuân Trường); hội Đền Tuân Lục, xã Liêm Hải (Trực Ninh)…
Có thể bạn quan tâm
15:12, 07/01/2020
06:06, 06/01/2020
15:11, 05/01/2020
09:53, 04/01/2020
Theo các nhà nghiên cứu và bảo tồn văn hóa, hiện nay lễ Khai ấn Đền Trần đã khôi phục được đầy đủ các nghi lễ truyền thống, xứng tầm Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Về dự Lễ Khai ấn đầu xuân, du khách không chỉ thỏa mãn ước nguyện cầu lộc, cầu may, cầu phúc, mà còn thể hiện lòng thành kính biết ơn tổ tiên và cũng nhắc nhở người dân kết thúc những ngày nghỉ ngơi, vui chơi Tết để bắt tay vào một năm lao động sản xuất mới. Tỉnh Nam Định có hai chợ Viềng Xuân là chợ Viềng Vụ Bản (dân gian gọi là Viềng Phủ) và chợ Viềng Nam Giang (Nam Trực) hay còn gọi là Viềng Chùa diễn ra ngày mùng 7, rạng sáng mùng 8 tháng Giêng.
Trong những ngày đầu xuân, huyện Nam Trực còn diễn ra nhiều lễ hội có quy mô vùng thu hút đông đảo nhân dân trảy hội. Lễ hội chùa Đại Bi, thị trấn Nam Giang được tổ chức vào ngày 20 và 21 tháng Giêng hấp dẫn người dân bởi nhiều hoạt động văn hoá cổ truyền độc đáo như lễ rước, đấu vật, cờ người, tổ tôm điếm… Độc đáo nhất là trò hát rối cạn (còn gọi là rối đầu gỗ) với những nội dung như chúc tụng, mong ước cuộc sống thanh bình, làm ăn thịnh vượng.
Lễ hội Hoa - cây cảnh Vị Khê hàng năm được tổ chức từ ngày 12 đến 16 tháng Giêng tại ngôi Đình thờ Thành Hoàng làng và ồng Tổ nghề Hoa cây cảnh Tô Trung Tự. Lễ hội gồm các nghi lễ: Tế Nam Quan, Tế Nữ Quan, rước hoa cây cảnh về đình làng dâng hương Tổ nghề. Phần hội gồm các hoạt động: trưng bày những loại hoa quý, cây thế độc đáo, biểu diễn văn nghệ và các trò chơi dân gian… Lễ hội đặc biệt hấp dẫn và sôi động với hoạt động trưng bày cây cảnh và thi tạo thế cây cảnh. Với ý nghĩa trưng bày hoa, cây cảnh ở vùng đất “thiêng” nên cuộc triển lãm hoa cây cảnh Vị Khê thu hút nhiều làng nghề, nhà vườn của cả nước về tham dự và cũng với một ý niệm tưởng nhớ, tôn vinh công lao của Tổ nghề.
Lễ hội Đền Tuân Lục, xã Liêm Hải (Trực Ninh) được tổ chức sáng mùng 4 Tết. Ngoài phần lễ Thánh kính cẩn và trang nghiêm, làng còn giữ tục “cướp Trái” đầu năm để tưởng nhớ tới vị Thành hoàng làng Đỗ Công Hạo (1460-1516) thời Lê sơ. “Quả Trái” được làm bằng gốc dứa dại, gọt thành hình bầu dục. Trước đây, tục “cướp Trái” được duy trì hàng năm nhưng đến nay, chỉ những năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu, người trong làng mới tổ chức đầy đủ các nghi thức của tục “cướp Trái”.
Điểm đặc biệt, tục “cướp Trái” ở làng Tuân Lục không có giải nhất, nhì. Tham gia cướp trái, người thắng người thua đều vui vẻ, cùng được nhận lộc Thánh lấy may. Không chỉ nhắc nhở người dân phải thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao, rèn luyện sức khỏe, sự nhanh nhẹn, dẻo dai... mà tục “cướp Trái” còn mang ước vọng, khát khao có một năm mới thành công.
Ở huyện Xuân Trường lễ hội làng Ngọc Tiên (từ 12 đến 15 tháng Giêng), tâm điểm là lễ tục thổi cơm thi, làm cỗ chay dâng thánh với ý nghĩa diễn lại cảnh sinh hoạt của nghĩa binh dưới thời Đức Thánh tổ dấy binh trấn ấp, thiếu thốn mọi bề, vừa hành quân, vừa lo hậu cần và phải “tích cốc phòng cơ” cho những khi thiếu đói. Tục thổi cơm thi trong hội làng Ngọc Tiên diễn ra theo một quy trình khép kín từ việc lấy nước, tạo lửa, đến thổi cơm, làm bánh… mang đậm bản sắc dân tộc và sắc thái văn hóa làng quê. Kỹ thuật địch thủy, địch hỏa, thổi cơm thi, uốn cần trúc, chọn tre già… được truyền từ đời này qua đời khác, chính là sự giáo dục trang bị những kỹ năng sinh tồn cho họ, cũng như giáo dục truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ, bồi đắp lòng trân quý giá trị lịch sử - văn hóa quê hương.
Hội làng An Cư diễn ra từ ngày 6 đến 7 tháng Giêng nhằm tỏ lòng biết ơn đối với các liệt tổ lập làng. Ngoài các nghi thức tế lễ, rước kiệu, làng còn tổ chức nhiều trò chơi như: đấu vật, bơi chải, cờ tướng, tổ tôm điếm... Tham dự lễ hội Xuân truyền thống làng An Cư du khách được hoà mình vào không khí của một lễ hội thuần Việt độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc.
Có thể nói, dù mỗi lễ hội dịp đầu xuân ở các địa phương trong tỉnh được tổ chức ở quy mô khác nhau, mang ý nghĩa, sắc thái riêng, nhưng đều có điểm chung là tưởng nhớ công lao của những người có công với quê hương đất nước, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.
Trảy hội tháng Giêng không chỉ để nguyện ước về một năm mới “nhân khang, vật thịnh” mà còn có ý nghĩa giáo dục hướng về cội nguồn, nhắc nhở mỗi người trong cộng đồng về truyền thống cha ông, thêm tự hào về lịch sử làng, lịch sử dân tộc, tạo “cú huých” tinh thần phấn đấu vươn lên xây dựng quê hương giàu đẹp.