Bài học của năm cũ 2020 khi bị Mỹ gắn mác thao túng tiền tệ dù chúng ta không hề có chủ đích này, sẽ cần được Việt Nam thay đổi ngay trong năm 2021.
Từ kỳ tháng 7/2019- tháng 6/2020, thời điểm Bộ Tài chính Mỹ xem xét về việc có hay không thao túng tiền tệ của Việt Nam, tổng thương mại 2 chiều Việt Nam - Mỹ là 80 tỷ USD, vượt gấp đôi ngưỡng tham chiếu 40 tỷ USD. Trong đó, thặng dư thương mại hàng hóa song phương Việt Nam - Mỹ, lên tới 53 tỷ USD, vượt xa so với ngưỡng 20 tỷ USD mà Mỹ đặt ra.
Trên thực tế, rất nhiều quốc gia có cơ cấu thương mại đặc thù xuất khẩu lớn đều giống như Việt Nam, cũng rất dễ rơi vào vi phạm các tiêu chí do Mỹ đặt ra, đặc biệt là 2 tiêu chí đầu về cán cân thương mại. Do đó mà trong “danh sách dự bị” thao túng tiền tệ của Mỹ xem xét, có cả Trung Quốc (đợt điều tra công bố mới Trung Quốc đã được đưa ra ngoài danh sách -BTV), Thụy Sĩ, Nhật, Hàn Quốc, Đức, Italy, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ, Đài Loan…
Thặng dư thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ lớn, một mặt cho thấy sự tích cực khi hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã vươn tới hầu hết các thị trường trên thế giới. Trong đó nhiều sản phẩm đã dần có chỗ đứng vững chắc và nâng cao được khả năng cạnh tranh trên nhiều thị trường có yêu cầu cao như Mỹ, EU…. Mặt khác, lại phản ánh rằng mặc dù rất nỗ lực mở rộng thị trường, song Việt Nam vẫn còn sự phụ thuộc vào một số thị trường lớn truyền thống có sức chi dùng cao. Cùng với đó, giá trị của hàng hóa xuất khẩu mà Việt Nam “thực nhận, thực chất vẫn chỉ được một phần, chủ yếu là thu nhập gia công.
Xem xét một ví dụ cụ thể hơn là da giày. Tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành này năm 2019 là 22,0 tỷ USD, tăng 12,2% so với năm 2018 và chiếm tỷ trọng 8,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước năm 2019. Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam đối với mặt hàng da giày với kim ngạch xuất khẩu giày dép đạt 6,6 tỷ USD (chiếm tỷ trọng 36,6% tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép của cả nước). Mặt hàng túi xách, ví, vali, mũ, ô, dù đạt 1,58 tỷ USD. Tính chung kim ngạch xuất khẩu ngành da giày sang thị trường Hoa Kỳ năm 2019 đạt 8,2 tỷ USD tăng 15,1% so với năm 2018 và chiếm tỷ trọng 37,2% toàn ngành.
Trên thực tế với vị trí là quốc gia đứng thứ 2 chỉ sau Trung Quốc về giá trị xuất khẩu da giày trên bản đồ toàn cầu, song Việt Nam vẫn phải nhập nguyên phụ liệu dệt may, da giày, đặc biệt là da bò thuộc cao cấp vì chúng ta chưa sản xuất được. Tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nguyên phụ liệu này năm 2019 là 5,9 tỷ USD.
Chính vì hiện trạng đó, còn nhớ vào tháng 5/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dùng hình ảnh đôi giày Nike để minh họa lợi nhuận của các nhà đầu tư Hoa Kỳ tại Việt Nam. Qua đó giúp thấy rõ hơn thực chất của quan hệ thương mại giữa hai bên.
Bởi rõ ràng ngoài chuyện phải nhập khẩu nguyên phụ liệu và phụ thuộc bên ngoài, hiện ngành da giày Việt Nam có số lượng doanh nghiệp khá ít ỏi, nhưng lại hội tụ đầy đủ các nhãn hiệu quốc tế lớn từ Nike, Adidas, Clacks, Reebok, Puma, New Balance… thuê chúng ta gia công. Các ông lớn FDI ngành này số lượng là 20% nhưng chiếm tới 80% kim ngạch xuất khẩu. Có nghĩa rằng cứ một đôi giày thương hiệu quốc tế thuê Việt Nam gia công, thì trừ đi nguyên phụ liệu, thương hiệu sản phẩm và lợi nhuận doanh nghiệp FDI hiện thực tại thị trường họ bán, chúng ta chỉ nhận được một phần nhỏ. Tương tự là chúng ta chỉ được một phần rất nhỏ, thực tế trong con số 22 tỷ USD. Hay nói cách khác chúng ta "gặm xương gà chiên bơ", phần thịt gà thuộc về doanh nghiệp ngoại.
Tình trạng này cũng vẫn còn hiện hữu ở các ngành hàng chiếm đóng góp tỷ trọng cao trong cơ cấu thương mại của Việt Nam như linh kiện thiết bị điện tử, gỗ, dệt may… Miếng “xương gà chiên bơ” của thời đại gia công giờ đây còn khiến chúng ta đứng trước rủi ro “hóc xương” khi trở thành nguyên cớ thặng dư thương mại song phương, hơn thế, vốn đầu tư FDI vào Việt Nam lớn khiến NHNN phải tăng mua ngoại tệ dự trữ để điều hòa... khiến Hoa Kì gắn nhãn Việt Nam thao túng tiền tệ.
Rõ ràng, bên cạnh những chính sách, động thái vừa tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư nước ngoài, vừa tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối để củng cố dư địa và có thêm giải pháp phù hợp trong điều hành tiền tệ, vừa đảm bảo thận trọng không “phạm quy”, Việt Nam đang cần hơn những nỗ lực để cân bằng cán cân thương mại song phương với Mỹ.
Theo đó, nhập khẩu từ Mỹ cần được tạo điều kiện cụ thể, có thể sử dụng các chính sách ưu đãi thuế cao hơn, để doanh nghiệp dễ dàng tăng cường nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị vào Việt Nam. Đặc biệt và căn cơ hơn, Việt Nam cũng sẽ phải tính toán để thay đổi cơ cấu thương mại, sao cho giảm bớt tỷ trọng “xương gà”, tăng “thịt gà” trong mỗi sản phẩm hàng hóa xuất khẩu.
Nói thì dễ, thực hiện không hề dễ khi trong chuỗi cung ứng toàn cầu, bên cạnh những ràng buộc về yêu cầu tỷ lệ xuất xứ nguyên phụ liệu, việc giảm phụ thuộc và tăng tỷ lệ nội địa hóa đòi hỏi Việt Nam phải có một chiến lược tổng thể, với những giải pháp cụ thể, lâu dài để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và một số ngành công nghiệp vật liệu cơ bản, quan trọng. Và thực hiện điều đó không có nghĩa là chúng ta chê lợi nhuận gia công, mà chúng ta đảm bảo cho giá trị gia công của Việt Nam ngày càng được trả tương xứng, quan hệ thương mại ngày càng bình đẳng hơn cũng như, tạo ngược "dư địa" trở lại cho sự rộng đường điều hành chính sách tiền tệ của NHNN càng vững mạnh hơn.
Đã bước sang năm 2021, theo thông tin ban đầu, Việt Nam vẫn đang trong phiên điều trần đầu tiên về cáo buộc thao túng tiền tệ này ở cuối năm cũ. Thông tin ghi nhận sơ bộ cho thấy các bằng chứng hoàn toàn không thể quy kết Việt Nam có thao túng tiền tệ chủ đích. Nhưng chúng ta không thể ỷ lại. Cũng như, Việt Nam không thể “ỷ” vào cơ hội dời chú ý của Mỹ đối với thao túng tiền tệ nếu chính quyền Tổng thống đắc cử Joe Biden tiếp nhận Nhà Trắng. Bởi nếu không nỗ lực thay đổi quan hệ thương mại thực chất hiện tại đến tích cực hơn nữa từ sự chủ động nội tại, thì hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng do phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện đầu vào nhập khẩu trong COVID-19 đầu năm 2020, cũng như mác thao túng tiền tệ mà Việt Nam đang gặp vào cuối năm qua lúc nào cũng có thể lặp lại, là những rủi ro bất ngờ. Vào lúc này, rủi ro chưa nặng nề song nếu không khéo léo, có thể khiến các nhà đầu tư quốc tế sẽ phải cân nhắc lại kế hoạch đầu tư vào Việt Nam do lo ngại nguy cơ áp thuế, và sẽ khiến chúng ta lỡ mất vé lên tàu của hành trình tái cơ cấu chuỗi cung ứng mới, tiến đến trở thành công xưởng số mới của toàn cầu.
Để thoát mác thao túng tiền tệ và sản xuất bền hơi, đã đến lúc chúng ta không thể không ưu tiên thận trọng trong chính sách tăng dự trữ ngoại hối trường kỳ. Càng không thể không ưu tiên cho những hành động.
Có thể bạn quan tâm
"Hóa giải" cáo buộc thao túng tiền tệ đối với Việt Nam
03:20, 24/12/2020
VNDIRECT: Mỹ gán Việt Nam thao túng tiền tệ là chưa khách quan
11:00, 30/12/2020
Doanh nghiệp cần ứng phó thế nào khi Việt Nam bị gắn mác thao túng tiền tệ?
11:00, 22/12/2020
Mỹ “gắn mác” Việt Nam thao túng tiền tệ: Cần đánh giá lại cơ cấu thương mại hai nước
04:00, 22/12/2020