Đón năm 2018, các bạn trẻ cần thay đổi, trang bị thêm nhiều kỹ năng mới để không bị robot thay thế, và tăng thêm cơ hội tìm kiếm được việc làm.
Bà Nguyễn Thu Trang - giám đốc Dịch vụ tuyển dụng và tư vấn nhân sự Manpower Group Việt Nam - khẳng định, hiện có tới 40% giới chủ trên toàn cầu báo cáo tình trạng thiếu hụt nhân tài. Do đó, số lượng giới chủ lựa chọn phương pháp đào tạo và phát triển nguồn nhân lực hiện có để lấp đầy các vị trí đang thiếu tăng gấp đôi.
Theo bà Trang, các loại công việc khó tìm được ứng viên bao gồm các công việc đòi hỏi kỹ năng lành nghề như thợ mộc, thợ nề; nhân viên IT; bán hàng; kỹ sư; nhân viên kỹ thuật; tài xế; nhân viên kế toàn tài chính; quản lý cấp cao; vận hành máy móc sản xuất và nhân viên hỗ trợ văn phòng.
Trong đó, các ngành nghề đòi hỏi kỹ năng lành nghề khó tìm nguồn nhân lực nhất, các vị trí IT hiện đứng vị trí số 2.
"Con người sẽ cần những kỹ năng mới, và họ sẽ thường xuyên cần đến hơn để có thể tìm kiếm được cơ hội việc làm" - bà Trang nói.
Theo đó, những kỹ năng cần thiết sẽ thay đổi đến năm 2020 là: kỹ năng giải quyết vấn đề phức tạp, tư duy phản biện, sáng tạo, quản lý nguồn lực con người, phối hợp với đồng nghiệp, trí tuệ cảm xúc, đánh giá và ra quyết định, định hướng dịch vụ, đàm phán, linh hoạt trong nhận thức.
Khả năng sáng tạo, trí tuệ cảm xúc và linh hoạt trong cảm xúc là những kỹ năng nêu bật tiềm năng của con người và giúp chúng ta không bị robot thay thế.
Đồng thời, hiện có 3 lĩnh vực thu hút nguồn nhân lực nhất là sản xuất, kỹ sư và bán lẻ. Điều này dẫn đến 3 vị trí là kinh doanh, tiếp thị, kỹ thuật có nhu cầu tuyển dụng ngày càng cao.
Bổ sung vấn đề này, PGS. TS Mạc Văn Tiến - nguyên viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học dạy nghề - cho hay, bạn trẻ phải được trang bị những kỹ năng mà doanh nghiệp cần, đặc biệt là kỹ năng sáng tạo và xử lý tình huống.
"Hiện nay mới có 8 nhóm ngành nghề: kế toán, kỹ sư, khảo sát, kiến trúc, điều dưỡng, dịch vụ y tế, dịch vụ nha khoa và du lịch được tự do di chuyển trong khu vực ASEAN. Số lao động đủ kỹ năng để dịch chuyển lại chỉ chiếm 1% trong tổng số lao động dịch chuyển", ông Tiến cho biết thêm.