Năng suất chất lượng quyết định khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định nhấn mạnh tại Hội nghị Tổng kết chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”, do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức.
Theo Thứ trưởng Lê Xuân Định, vai trò của năng suất ngày càng được khẳng định, đặc biệt là khi nền kinh tế gặp phải khủng hoảng, gặp nhiều khó khăn, trong bối cảnh như vậy, nhiều quốc gia đã lựa chọn con đường để khôi phục kinh tế một cách nhanh nhất, để thay đổi lại và thích nghi trong bối cảnh mới đó là áp dụng khoa học công nghệ và nâng cao năng suất.
“Thúc đẩy phát triển kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất chất lượng hiệu quả có sức cạnh tranh là chủ trương lớn và xuyên suốt của Đảng trong phát triển kinh tế xã hội”, Thứ trưởng Lê Xuân Định nói.
Để hiện thực hóa chủ trương này của Đảng, thì Chính phủ đã ban hành nhiều Chương trình để nâng cao năng lực, cải tiến sức cạnh tranh của nền kinh tế. Quyết định 712 của Chính phủ về nâng cao năng suất chất lượng và sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020 là một trong những nhiệm vụ quan trọng để thực hiện mục tiêu này.
Chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào đúng thời điểm doanh nghiệp Việt Nam cần một động lực để chuyển đổi từ giai đoạn phát triển theo hướng tập trung vào vốn và sử dụng lao động giá rẻ sang giai đoạn phát triển với cách thức quản lý hiệu quả hơn, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và mang lại giá trị gia tăng cao hơn.
Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan được Thủ tướng Chính phủ giao trách nhiệm chủ trì tổ chức thực hiện chương trình. Hoạt động chương trình trong 10 năm qua luôn bám sát mục tiêu và nhiệm vụ, và đa số nhiệm vụ đề ra đều được yêu cầu.
Hoạt động chính và điểm nhấn của chương trình là hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao năng suất chất lượng thông qua các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý và công cụ cải tiến năng suất, đa dạng hóa các loại hình doanh nghiệp được hỗ trợ từ tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp lớn đến doanh nghiệp nhỏ đến siêu nhỏ.
Từ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ đến doanh nghiệp tổ chức, hợp tác sản xuất nông nghiệp, kể cả các làng nghề.
Các hệ thống công cụ cải tiến năng suất chất lượng tiên tiến trên thế giới đã được nghiên cứu, triển khai và áp dụng tại Việt Nam ở trong các doanh nghiệp đã hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý sản xuất, quản trị kinh doanh của doanh nghiệp, thu hẹp khoảng cách với doanh nghiệp khu vực và trên thế giới.
“Chúng tôi hy vọng, trong giai đoạn tới chương trình sẽ có sức lan tỏa mạnh mẽ đến tới cộng đồng doanh nghiệp, từ doanh nghiệp tiên phong chi phối nền kinh tế đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Yếu tố nâng cao năng suất chất lượng sẽ được nhìn nhận ở các khía cạnh cơ hội khác nhau. Đây là một nội dung vô cùng quan trọng của chương trình”, Thứ trưởng Lê Xuân Định bày tỏ.
Chia sẻ tại Hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Trần Văn Vinh đánh giá, Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến doanh nghiệp, coi việc nâng cao năng suất chất lượng, sản phẩm hàng hóa trong doanh nghiệp là bước chuyển hóa quan trọng để doanh nghiệp tồn tại, phát triển và cạnh tranh với thị trường trong nước và quốc tế.
“Thông qua chương trình, hàng chục nghìn doanh nghiệp đã được tiếp cận các công cụ quản lý, tiêu chuẩn hiện đại nhất quốc tế hiện nay để tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế, qua đó có thể làm quen và làm việc với đối tác liên quan theo chuẩn mực quốc tế được ban hành tại Việt Nam”, Tổng cục trưởng Trần Văn Vinh nói.
Còn theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Hà Minh Hiệp, Chương trình đã tạo dựng được phong trào năng suất chất lượng trong phạm vi cả nước với 7 dự án năng suất chất lượng ngành và 57 dự án năng suất chất lượng địa phương được xây dựng và đồng thời triển khai thực hiện.
Bên cạnh những mặt đã đạt được, Phó Tổng cục trưởng Hà Minh Hiệp cũng thẳng thắn đề cập một số hạn chế, như doanh nghiệp chưa tích cực, chủ động tham gia vào chương trình, năng lực đội ngũ cán bộ, chuyên gia còn hạn chế; các bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm đúng mực, kinh phí ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, định mức chưa phù hợp…
Có thể bạn quan tâm