Các công ty châu Á đã gia tăng tầm ảnh hưởng toàn cầu trong năm 2018, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ trong bối cảnh còn nhiều rào cản.
Mặc dù bị ảnh hưởng bởi một loạt rào cản lớn như tác động từ các tranh chấp thương mại giữa các cường quốc, tiền tệ mất giá... Tuy nhiên, theo Asian Nikkei Review, một số câu chuyện của các doanh nghiệp châu Á trong năm 2018 xứng đáng để thế giới chờ đợi và kỳ vọng vào khu vực này trong năm 2019.
Huawei và ZTE gánh chịu cơn thịnh nộ của Washington
Hai nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn của Trung Quốc, ZTE và Huawei Technologies có thể rất vui mừng khi năm 2018 đã kết thúc. Cả hai đã có một năm "chiến đấu" với áp lực mạnh mẽ đến từ Hoa Kỳ khi những lo ngại về an ninh xuất phát từ mối quan hệ được cho là thân thiết của họ với chính phủ Trung Quốc.
Có thể bạn quan tâm
06:10, 14/12/2018
05:30, 12/12/2018
11:24, 10/12/2018
11:36, 30/12/2018
21:03, 29/12/2018
Vào tháng Tư, Hoa Kỳ đã áp đặt lệnh cấm đối với ZTE với cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Mặc dù lệnh cấm cuối cùng đã được dỡ bỏ, nhưng sau đó Mỹ chuyển trọng tâm sang Huawei và loại trừ công ty này khỏi các gói thầu của chính phủ. Điều này dẫn đến hành động tương tự ở các quốc gia khác, và ngăn công ty này tham gia các dự án mạng 5G trên toàn thế giới.
Một trở ngại khác với Huawei là việc Giám đốc tài chính Mạnh Vãn Châu đã bị bắt ở Canada vì nghi ngờ vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Nhiều khả năng, vụ việc này tiếp tục làm "nóng" sự căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trong năm tới.
Grab sáp nhập với Uber
Nền kinh tế số đang bùng nổ đã mang lại nhiều thương vụ giao dịch kinh doanh đáng chú ý. Một trong số đó là việc Grab mua lại thị phần tại khu vực Đông Nam Á của Uber Technologies. Thỏa thuận này đã mang lại cho Uber 27,5% cổ phần của Grab và giúp Grab trở thành công ty lớn nhất trong khu vực hoạt động trong lĩnh vực ứng dụng gọi xe sau 5 năm cạnh tranh với Uber.
Là một trong những công ty dịch vụ số hấp dẫn nhất khu vực, Grab đã huy động được khoảng 3 tỷ USD trong năm nay từ Toyota Motor, Hyundai Motor, Microsoft và các công ty lớn toàn cầu khác. Nhưng không phải mọi kế hoạch của Grab đều diễn ra thuận buồm xuôi gió.
Sự mở rộng nhanh chóng của Grab đã thu hút sự chú ý của các nhà quản lý dẫn tới việc đã có hai quốc gia xử phạt công ty này do vi phạm luật cạnh tranh. Giờ đây, đối thủ lớn nhất của Grab là Go-Jek đã bắt đầu mở rộng phạm vi toàn khu vực cùng sự lớn mạnh của các doanh nghiệp nội trong từng quốc gia, sự cạnh tranh trong thị trường chia sẻ xe dự kiến sẽ rất khốc liệt vào năm 2019.
Sự sa sút của iPhone
Sự suy giảm về nhu cầu sử dụng iPhone của Apple và các dòng smartphone cao cấp khác đã tác động lớn đến các nhà cung cấp và lắp ráp ở châu Á, bao gồm Foxconn của Đài Loan vầ Japan Display. IPhone XR đã đem lại sự thất vọng khi doanh số bán ra của mẫu smartphone đại này là rất ít ỏi.
Trong khi đó, Samsung Electronics và các nhà sản xuất châu Á khác đã đưa ra thị trường những mẫu smartphone nắp gập được dự kiến sẽ bán ra vào năm 2019. Các mẫu điện thoại thông minh này hứa hẹn mang lại cho người tiêu dùng trải nghiệm mới mẻ với tính năng hỗ trợ cho một thế hệ ứng dụng mới. Liệu sự đổi mới mới nhất này có thể hồi sinh thị trường smartphone trì trệ hay không sẽ là một chủ đề được theo dõi chặt chẽ trong năm 2019.
Sự bùng nổ của Trung Quốc, Ấn Độ
Nền kinh tế kỹ thuật số toàn cầu mới đây đã chứng kiến hai dấu mốc ấn tượng. Số lượng người dùng Internet ở Trung Quốc chạm mốc 800 triệu, theo sát là Ấn Độ với 500 triệu người dùng, vượt quá tổng số lượng người sử dụng Internet trên 37 quốc gia OECD cộng lại.
Theo chỉ số DEI (Digital Evolution Index) của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Trung Quốc và Ấn Độ đều đang trong giai đoạn "bùng nổ", quá trình phát triển hệ thống kỹ thuật số của họ diễn ra vô cùng mạnh mẽ. Điều này hứa hẹn một cuộc chạy đua giành vị trí dẫn đầu khu vực trong lĩnh vực công nghệ số giữa hai quốc gia này trong năm 2019.
Hai nhà sáng lập rời "ngôi vị"
Người sáng lập Alibaba, ông Jack Ma sẽ thôi giữ chức chủ tịch của tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc vào tháng 9 năm 2019 trong lễ kỷ niệm 20 năm của Alibaba. Được biết, giám đốc điều hành hiện tại của Alibaba, ông Daniel Zhang Yong sẽ giữ chức vụ này. Bên cạnh đó, ông trùm bất động sản của Hồng Kông Li Ka-shing cũng tuyên bố nghỉ hưu với tư cách là chủ tịch của CK Hutchison Holdings và CK Asset Holdings.
Thị trường đang theo dõi chặt chẽ việc quản lý mới của Alibaba sẽ thay đổi như thế nào trong bối cảnh công nghệ và xu hướng toàn cầu đang đổi mới từng ngày.
Cựu Chủ tịch Nissan ngồi tù
Cựu chủ tịch của Nissan, ông Carlos Ghosn đã được một tòa án ở thành phố Tokyo (Nhật Bản) gia hạn giam giữ tới ngày 11/1/2019 vì những cáo buộc mới đây về vi phạm luật tài chính. Trước đó, Nissan đã ra quyết định cách chức chủ tịch của ông Ghosh. Ngày 26/11, hãng Mitsubishi cũng thông báo quyết định cách chức chủ tịch với nhân vật này. Nếu bị kết tội, ông Ghosn sẽ đối mặt với mức án lên tới 10 năm tù và bị phạt 10 triệu yen (hơn 88.000 USD)
Sắp tới, Nissan sẽ đứng trước thử thách khi hoạt động mà không có nhà lãnh đạo nổi bật của mình, trong khi Ghosn phải đấu tranh với tòa án.