Đó là một trong những giải pháp được Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đưa ra tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2018.
Theo đó, mới đây, Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới đã công bố Báo cáo Việt Nam 2035 và báo cáo đã trở thành một tài liệu tham khảo có giá trị đối với công tác hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đóng góp tích cực vào việc cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước.
Có thể bạn quan tâm
12:15, 05/12/2018
11:54, 05/12/2018
Báo cáo đã đưa ra khát vọng của Việt Nam đến năm 2035, đó là: Thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ với mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao, đạt 10 nghìn USD/người/năm tính theo giá hiện hành. Khát vọng này được thực hiện thông qua chương trình cải cách thể chế và các chính sách hỗ trợ dựa trên ba trụ cột chính: Thịnh vượng về kinh tế đi đôi với bền vững về môi trường; Công bằng và hòa nhập xã hội; Nâng cao năng lực và trách nhiệm giải trình của Nhà nước.
Góp ý và đưa ra bình luận liên quan đến Báo cáo này, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đưa ra những góc nhìn về diễn biến địa chính trị, địa kinh tế trên thế giới trong thời gian gần đây.
Cụ thể, ông Vũ Khoan lưu ý Chính phủ khi xây dựng kế hoạch phát triển từ nay đến 2030 cần phải quan tâm đến những diễn biến xấu, trong đó dự báo đến cuộc khủng hoảng kinh tế có thể xảy ra.
Nhìn lại lịch sử, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan phân tích đã có những cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra theo chu kỳ thập niên. Ông dự báo nếu xảy ra khủng hoảng, khả năng cao nhất có thể xảy ra khủng hoảng về tiền tệ. Và cho dù xảy ra khủng hoảng kinh tế gì thì kinh tế toàn cầu và Việt Nam sẽ phải chịu ảnh hưởng rất nặng nề. Do đó, Chính phủ cần rất chú ý trong công tác dự báo.
Nói về sự thay đổi tình hình thế giới, ông đưa ra nhiều nhận định về xu hướng bảo hộ thương mại toàn cầu, đặc biệt là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc.
“Sau hội nghị G20, chúng ta lần đầu tiên thấy khái niệm “hoãn binh kinh tế”. Chắc chắn trong những năm tới, thế giới chứng kiến hiện tượng này phổ biến hơn, lúc căng, lúc dịu. Nó không chỉ liên quan kinh tế thương mại, mà còn liên quan đến chính trị, an ninh, cuộc cạnh tranh một vị thế mới trên thế giới, không dễ gì thay đổi”, ông Vũ Khoan phân tích.
Nguyên lãnh đạo Chính phủ dự báo, rất có khả năng trật tự kinh tế giới cũ không mất hẳn, nhưng cục diện kinh tế mới cũng chưa thể thắng thế hoàn toàn. Ông cho rằng nó sẽ “mix với nhau”, nghĩa là vừa cạnh tranh, vừa hợp tác, vừa đơn phương, vừa đa phương, không biết ai thắng ai thua.
Trong bối cảnh đó, ông cho rằng Việt Nam đối diện cục diện lẫn lộn. Do đó chúng ta nên tiếp cận theo hướng “3 trong 1”, nghĩa là một sự việc có ba việc cần làm.
Một là, cần giảm bớt độ chấn thương của nền kinh tế, gia tăng nội lực của đất nước, trong khi tích cực tranh thủ nguồn lực của thế giới. Hai là, cần tiếp tục cùng cộng đồng phấn đấu cho một thế giới tự do hóa thương mại là chủ yếu. Ba là, cần thích nghi với thay đổi. Sự thay đổi là ngoài ý muốn của Việt Nam và các nước nên cần phải đề ra biện pháp thay đổi.
Theo đó, Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhắc lại lịch sử loài người đã chứng kiến nhiều cuộc thay đổi trật tự thế giới, có nước mới ngoi lên, có nước cũ yếu đi. Việc va chạm có xảy ra chiến tranh, nhưng ông mong không xảy ra điều đó. Hiện tại thế giới đang chứng kiến sự cạnh tranh rất gay gắt, không kém gì chiến tranh lạnh. Việt Nam nằm ở khu vực rất nhạy cảm.
“Tôi cho rằng Việt Nam phải chọn một con đường, chúng ta không phải chọn đứng về ai, mà phải chọn đứng về lợi ích nào. Việt Nam nên chọn hòa bình, hợp tác, thông qua thương lượng để có hòa bình, hợp tác. Càng phải đa dạng hóa, đa phương hóa hơn nữa”, ông Vũ Khoan khẳng định.