Nét phác họa đầu tiên bức tranh kinh tế 2021 (Kỳ 3): Chú ý sức khoẻ khu vực tài chính

THY HẰNG 19/02/2021 11:00

Ngân hàng Thế giới khuyến cáo, khi cân nhắc hỗ trợ nền kinh tế khi khủng hoảng tiếp tục kéo dài, cần quan tâm theo dõi đặc biệt tới dư địa tài khóa, sức khỏe của khu vực tài chính.

Tăng trưởng tín dụng (đơn vị: %)

Tăng trưởng tín dụng (đơn vị: %)

LTS: Nền kinh tế tiếp tục phục hồi trong tháng 1/2021 với tăng trưởng vững chắc về doanh số bán lẻ và sản xuất công nghiệp, cũng như kết quả tốt từ khu vực kinh tế đối ngoại - xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa... Tuy nhiên, cần thêm thời gian để định lượng các tác động trước diễn biến mới song nền tảng vĩ mô sẽ tiếp tục được củng cố tạo ra bước đệm để Việt Nam đối phó với các rủi ro bên trong lẫn bên ngoài.

Báo cáo Cập nhật kinh tế vĩ mô tháng 2/2021 của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho thấy một chỉ số quan trọng, đó là tăng trưởng tín dụng ổn định lại sau khi bật tăng mạnh vào cuối năm 2020.

Cụ thể, tăng trưởng tín dụng tháng 01/2021 đi ngang ở mức 12,1% (so cùng kỳ năm trước) sau đợt tăng đột biến vào tháng 12/2020 liên quan đến chuẩn bị hoạt động kinh doanh cho dịp Tết Dương lịch và kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Mặc dù vậy, mức tăng này khẳng định quy mô tín dụng dành cho khu vực tư nhân được đẩy nhanh, một phần do tác động của chính sách tiền tệ nới lỏng của NHNN, một phần do nhu cầu của cả doanh nghiệp và hộ gia đình

Bên cạnh đó, mặc dù hụt thu ngân sách trong tháng 01/2021, nhưng thanh khoản dồi dào tiếp tục tạo điều kiện cho Chính phủ vay với lãi suất hấp dẫn trên thị trường trong nước

Tổng thu ngân sách trong tháng 01/2021 đạt 153,5 ngàn tỷ đồng, thấp hơn 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Giảm thu chủ yếu do thu nội địa bị giảm 16,5% (so cùng kỳ năm trước). Thu cân đối từ hoạt động xuất, nhập khẩu tăng 16,9% do nhập khẩu hàng hóa tăng trưởng vững chắc. Trong tháng đầu tiên của năm 2021, Chính phủ chi ngân sách tổng cộng 99,6 ngàn tỷ VND, tăng nhẹ (1,0%) so với cùng kỳ năm trước.

Đầu tư công đạt 15 ngàn tỷ VND, với tỷ lệ giải ngân đạt 3,25%. Kho bạc Nhà nước vay khoảng 23,4 ngàn tỷ VND trong tháng 01/2021 trên thị trường nội địa, tương đương 23,4% kế hoạch phát hành 100 ngàn tỷ VND trong quý I năm 2021. Đúng theo kế hoạch, trái phiếu được phát hành chủ yếu với kỳ hạn từ 10 năm trở lên, góp phần kéo dài kỳ hạn trong cơ cấu nợ công. Chi phí vay nợ tiếp tuc giảm, với lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm vào ngày 23/01 ở mức 2,17%, nghĩa là thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với tháng trước, và thấp hơn 0,7% so với tháng 01/2020.

Do đó, WB khuyến cáo, nếu khủng hoảng tiếp tục kéo dài, chính phủ có thể cần cân nhắc hỗ trợ nền kinh tế thêm bằng biện pháp tài khóa và tiền tệ. Tuy nhiên, cần quan tâm theo dõi đặc biệt tới dư địa tài khóa, sức khỏe của khu vực tài chính. 

Trước đó, WB cũng từng đưa ra cảnh báo rủi ro trong khu vực tài chính cần theo dõi. WB khuyến nghị cơ quan tiền tệ cần cảnh giác với những rủi ro đang tăng lên liên quan đến nợ xấu, đồng thời theo dõi chặt chẽ sự ổn định của khu vực ngân hàng, hiện vẫn còn những ngân hàng có tỷ lệ vốn hóa thấp.

Do đó, hệ thống cảnh báo sớm cần được xây dựng để xác định nguy cơ tiềm năng ở từng ngân hàng và toàn bộ hệ thống. Các cấp có thẩm quyền cần thiết lập chiến lược rõ ràng nhằm chấm dứt các biện pháp hoãn nợ. Quá trình triển khai các biện pháp hoãn nợ có thể làm cho một phần nguy cơ dễ tổn thương của người vay và ngân hàng bị che khuất, vì vậy phải được theo dõi chặt chẽ.

WB khuyến nghị cơ quan tiền tệ cần cảnh giác với những rủi ro đang tăng lên liên quan đến nợ xấu, đồng thời theo dõi chặt chẽ sự ổn định của khu vực ngân hàng

WB khuyến nghị cơ quan tiền tệ cần cảnh giác với những rủi ro đang tăng lên liên quan đến nợ xấu, đồng thời theo dõi chặt chẽ sự ổn định của khu vực ngân hàng.

Điều cần làm nữa là sớm ban hành kế hoạch giải quyết nợ xấu, không cho phép gánh nặng nợ xấu tiếp tục luẩn quẩn trong khu vực ngân hàng vì để như vậy có thể gây hạn chế cho vai trò của khu vực ngân hàng nhằm hỗ trợ tăng trưởng bao trùm. Bên cạnh đó, nhu cầu đặt ra là cần xác định cơ chế rõ ràng để xử lý các ngân hàng yếu kém và có vấn đề, đồng thời tiếp tục tái vốn hóa các ngân hàng để đáp ứng các yêu cầu của Basel II.

Đặc biệt, theo WB, những rủi ro về bền vững tài khóa cần theo dõi. Dư địa tài khóa đang bị thu hẹp, do chi đầu tư tăng cao còn thu ngân sách đang giảm xuống. Nếu tiến trình khôi phục kinh tế toàn cầu diễn ra chậm hơn dự kiến, Chính phủ có thể cần phải cân đối giữa hỗ trợ nền kinh tế thông qua kích thích tổng cầu với nhu cầu đảm bảo bền vững tài khóa trong trung vài dài hạn.

Áp dụng chính sách tài khóa khắc khổ quá sớm sẽ gây ảnh hưởng đến tiến độ khôi phục kinh tế, vì vậy các cấp có thẩm quyền cần cân nhắc các phương án về thời gian để đảm bảo các mục tiêu bền vững tài khóa/nợ.

Trên phương diện chính sách, trước mắt cần phải nâng cao hiệu suất chi tiêu và đảm bảo chi tiêu đúng mục đích và đối tượng, đồng thời cải thiện về quản lý nợ. Trong trung hạn, cải thiện về thu thuế có vai trò quan trọng để nâng cao dư địa tài khóa.

Có thể bạn quan tâm

  • Nét phác họa đầu tiên bức tranh kinh tế 2021 (Kỳ 2): Nghịch lý trong xu hướng xuất nhập khẩu

    01:52, 19/02/2021

  • Nét phác họa đầu tiên bức tranh kinh tế 2021: (Kỳ 1) Những diễn biến kinh tế mới

    05:00, 18/02/2021

  • Triển vọng kinh tế Việt Nam: Động lực tăng trưởng 2021

    18:16, 18/02/2021

  • Triển vọng kinh tế Việt Nam: Cơ hội từ khủng hoảng

    18:08, 18/02/2021

  • Kinh tế Việt Nam “năm COVID thứ hai” (kỳ III): Những ưu tiên phát triển dài hạn

    04:00, 15/02/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nét phác họa đầu tiên bức tranh kinh tế 2021 (Kỳ 3): Chú ý sức khoẻ khu vực tài chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO