Trong bài thông điệp liên bang, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cáo buộc Mỹ và phương Tây khơi mào xung đột và đình chỉ Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới với Mỹ.
>>Trục lợi ích mới từ chiến sự Nga - Ukraine
Trong Thông điệp Liên bang, Tổng thống Nga đã nhấn mạnh Nga đang bảo vệ lãnh thổ và tính mạng của người dân trong khi mục tiêu của Mỹ và phương Tây là đạt được quyền lực vô hạn. Theo ông Putin, Mỹ và phương Tây mới là bên phát động chiến tranh và Nga đang sử dụng lực lượng để ngăn chặn điều đó.
Cụ thể, nhà lãnh đạo Nga nêu lại lý do tiến hành chiến sự Nga- Ukraine rằng: "Chúng ta đã làm mọi thứ có thể để giải quyết vấn đề Donbass một cách hòa bình, nhưng phương Tây chuẩn bị cho kịch bản khác. Kiev đã tổ chức các cuộc đàm phán với phương Tây về việc cung cấp vũ khí trước khi chiến dịch quân sự bắt đầu".
Theo ông Putin, mặc dù Nga sẵn sàng đối thoại mang tính xây dựng với phương Tây và đề xuất hợp tác trong nhiều năm để xây dựng cấu trúc an ninh chung, nhưng bị phớt lờ, từ chối. "Họ có ý định biến cuộc xung đột cục bộ thành một cuộc đối đầu toàn cầu, chúng tôi hiểu điều đó theo cách này và sẽ có những phản ứng tương ứng”, Tổng thống Nga cho biết.
Đáng lo ngại, ông Putin đã tuyên bố Nga đình chỉ tham gia Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (NEW START). Tuy nhiên, Tổng thống Putin cho biết, Nga không rút khỏi hiệp ước này. Được biết, Hiệp ước quy định các giới hạn đối với kho vũ khí hạt nhân chiến lược của hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới; đồng thời giới hạn các tài sản hạt nhân chiến lược ở mức 1.550 đầu đạn và 700 tên lửa.
Hiệp ước này cũng quy định việc giám sát chung kho vũ khí hạt nhân được triển khai của mỗi bên, cũng như điều phối thông qua một ủy ban tư vấn song phương.
>>Chiến sự Nga- Ukraine: Ông Putin đã hóa giải được thách thức nào?
Có thể thấy, việc đình chỉ Hiệp ước NEW START và Thông điệp Liên bang của Tổng thống Nga đã đánh dấu quan hệ Nga-Mỹ xuống mức thấp nhất. Được biết, Đại sứ Mỹ tại Nga đã được triệu tập ngay sau khi ông Putin kết thúc bài phát biểu của mình, có thể là để thông báo chính thức về việc Nga đình chỉ thực hiện các nghĩa vụ của mình theo hiệp ước này.
Đánh giá về vấn đề này, ông Jon Wolfsthal, người từng là Cố vấn cấp cao của Barack Obama về kiểm soát và không phổ biến vũ khí hạt nhân tại Hội đồng An ninh quốc gia từ năm 2014 đến 2017 nhận định, Mỹ và Nga đã có một số hình thức kiểm soát vũ khí chiến lược từ năm 1972.
Chuyên gia này đánh giá, mặc dù Washington vẫn có khả năng giám sát rộng rãi các lực lượng hạt nhân của Nga, ngay cả khi không có Hiệp ước, nhưng việc mất các thỏa thuận sẽ làm gia tăng sự không chắc chắn và tạo cơ hội cho những hiểu lầm phát sinh, thổi phồng nhận thức về mối đe dọa và đẩy nhanh cuộc chạy đua vũ trang.
"Việc rút khỏi NEW START về mặt lý thuyết sẽ cho phép Nga chấm dứt việc tuân thủ các giới hạn về vũ khí hạt nhân được triển khai và cũng sẽ ngừng các cuộc họp của Ủy ban tư vấn song phương, cơ quan giám sát thực thi hiệp ước này", ông Wolfsthal chỉ ra.
Đồng quan điểm, ông Andrey Baklitskiy, nhà nghiên cứu cấp cao về vũ khí hủy diệt hàng loạt và chương trình vũ khí chiến lược khác tại Viện nghiên cứu giải trừ quân bị của Liên Hợp Quốc, cho biết: "Đây là một vấn đề nghiêm trọng. Việc Nga đình chỉ hiệp ước NEW START không đồng nghĩa với việc rút lui nhưng trên thực tế, nó có thể trở thành hiện thực theo thời gian".
Tổng thống Nga cho biết thêm, quốc gia này sẽ tiếp tục thử vũ khí hạt nhân nếu Mỹ làm điều tương tự, một sự leo thang nghiêm trọng có thể có nghĩa là họ đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine.
Chuyên gia Baklitskiy nói: “Một điều may mắn là quyết định của Nga mang tính chính trị và có thể dễ dàng bị đảo ngược nếu các mối quan hệ chính trị nói chung thay đổi. Ngoài ra, do Hiệp ước vẫn còn tồn tại, nên việc quay trở lại thực thi sẽ rất đơn giản. Vấn đề đáng lo ngại là trước mắt, mối quan hệ chính trị giữa Nga và Mỹ ngày càng xuống dốc".
Có thể bạn quan tâm
Mỹ xây lại ảnh hưởng ở châu Á (Bài 2): Nóng cuộc cạnh tranh Mỹ- Trung
04:30, 12/02/2023
Doanh nghiệp Mỹ "ồ ạt" dịch chuyển sản xuất chip sang Đông Nam Á
04:00, 12/02/2023
Mỹ xây lại ảnh hưởng ở châu Á (Bài 1)
04:30, 11/02/2023
Mỹ chặn "yết hầu" công nghệ chất bán dẫn Trung Quốc
04:30, 09/02/2023
Thấy gì từ Thông điệp Liên bang Mỹ của ông Biden?
14:52, 08/02/2023