NHTW Nga không tin rằng, một đồng rúp kỹ thuật số sẽ gây tổn hại cho các ngân hàng của họ và coi việc ra mắt CBDC là một cơ hội để củng cố thêm quyền lực trong NHTW.
Nhiều quan điểm trái chiều
Mới đây, các ngân hàng Nga đã cảnh báo Ngân hàng Trung ương Nga (NHTW) rằng, đồng rúp kỹ thuật số có thể làm suy yếu các ngân hàng truyền thống nếu mọi người rút tiền của họ để đổ xô vào hệ thống mới.
Sber, ngân hàng lớn nhất của Nga và Đông Âu đã lên tiếng, đồng rúp kỹ thuật số khi tham gia vào hệ thống tài chính của Nga có thể khiến chi phí các ngân hàng tại nước này tăng lên đến 25 tỷ rúp ( tương đương 34 triệu USD). Thậm chí có thể mất tới 4 nghìn tỷ rúp (tương đương 54 tỷ USD) thanh khoản trong ba năm đầu tiên khi dự án ra mắt. Do đó, các ngân hàng thiếu tiền sẽ phải tăng lãi suất khoảng nửa phần trăm và hạn chế cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ và bán lẻ.
Tuy nhiên, ngay lập tức, bà Elvira Nabiullina – Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Nga đã bác bỏ chỉ trích trên.
“Chúng tôi không thấy việc ra mắt đồng rúp kỹ thuật số ảnh hưởng đến bất kỳ dòng tiền hoặc thay đổi đáng kể nào. Tôi cũngkhông chắc những con số này đến từ đâuvà lãi suất sẽ không bị ảnh hưởng bởi đồng rúp kỹ thuật số mà bởi tỷ lệ lạm phát và các chính sách tiền tệ chung. Nếu vì lý do nào đó, không liên quan đến đồng rúp kỹ thuật số, các ngân hàng gặp phải tình trạng thiếu thanh khoản, chúng tôi có các công cụ để khắc phục điều đó,” bà Nabiullina nói.
Với quan điểm của Sber, Hội đồng Thị trường Tài chính Quốc gia (NCFM) và nhóm thương mại của các ngân hàng Nga, dòng tiền chảy ra từ các ngân hàng sang hệ thống đồng rúp kỹ thuật số sẽ khiến các ngân hàng kém ổn định hơn và phụ thuộc nhiều hơn vào các khoản vay từ NHTW.
Để ngăn chặn điều đó, NCFM đề xuất một mô hình tương tự như mô hình đồng nhân dân tệ kỹ thuật số của Trung Quốc, nơi NHTW sẽ mở tài khoản rúp kỹ thuật số cho các ngân hàng thương mại, sẽ quản lý đồng rúp kỹ thuật số của người dùng bán lẻ như một phần của bảng cân đối kế toán của họ.
Tuy nhiên, cơ quan quản lý dường như không cởi mở với cách tiếp cận này. Theo đó, cơ quan quản lý tài chính của Nga đã phác thảo các kịch bản có thể ra mắt tiền tệ kỹ thuật số (CBDC) của NHTW trong tương lai từ vài tháng trước.
Cụ thể, NHTW Nga dường như ủng hộ một mô hình tập trung, trong đó cơ quan quản lý sẽ là người quản lý hệ thống và các ngân hàng chỉ có chức năng trợ giúp người dùng, điều mà các ngân hàng không thích.
Điều này dẫn đến một số tổ chức tài chính của Nga bày tỏ lo ngại rằng, các ngân hàng có nghĩa vụ sử dụng ngân sách của họ để tích hợp hệ thống đồng rúp kỹ thuật số và không có lợi nhuận kinh doanh. Hơn nữa, Ngân hàng Trung ương Nga có thể trở thành một ngân hàng lớn “mới” được Chính phủ hậu thuẫn, trong khi các ngân hàng khác sẽ phải cạnh tranh với nó để lấy tiền của người dân Nga.
Tiếp tục mạnh tay
Theo Cố vấn Hiệp hội Blockchain và Tiền điện tử Nga (RAKIB), ông Vladislav Martynov cho biết, các báo cáo của NHTW Nga không thực sự giải thích lý do tại sao đất nước nhất định cần có CBDC. Và NHTW cũng không muốn bận tâm quá nhiều về đồng rúp kỹ thuật số, nhưng có một “phong trào” các CBDC trên khắp thế giới, trong khi các NHTW đang nghiên cứu các khái niệm thì NHTW Nga không thể ngồi im không làm gì cả.
“Trong những trường hợp này, cơ quan quản lý coi việc ra mắt CBDC là một cơ hội để củng cố thêm quyền lực trong NHTW. Tinh thần của báo cáo được công bố là rất thận trọng, đó là tạo ra một thế lực độc quyền mới, một ngân hàng nhà nước mới sẽ thống trị thị trường trong khi vai trò của các ngân hàng thương mại sẽ bị giảm sút”, ông Martynov tin tưởng.
Một mối quan tâm khác là việc áp dụng đồng rúp kỹ thuật số sẽ bị buộc phải thông qua theo cách từ trên xuống và các công ty do Chính phủ kiểm soát sẽ có nghĩa vụ sử dụng nó.
Trước đây, điều này đã từng xảy ra với Hệ thống Thanh toán Thẻ Quốc gia (NSPK), hệ thống “cây nhà lá vườn” của Nga thay thế cho Visa và Mastercard. NSPK được thành lập nhằm mục đích giữ cho nền kinh tế Nga tiếp tục hoạt động trong trường hợp đất nước này bị cắt khỏi các mạng lưới thanh toán toàn cầu - một mối đe dọa đã xuất hiện từ vài năm trước.
Chủ tịch NHTW Nga đã nói rằng, nếu cơ quan quản lý quyết định tiếp tục với CBDC, thí điểm đầu tiên có thể diễn ra vào cuối năm 2021. Đồng thời, NHTW Nga cũng đề xuất bốn mô hình tiền kỹ thuật số bao gồm: Mô hình đầu tiên liên quan đến việc triển khai ví điện tử của NHTW cho các tổ chức tài chính khác để thanh toán liên ngân hàng mà không có sự tham gia của các cá nhân và pháp nhân.
Mô hình thứ hai đặt việc mở và duy trì ví điện tử dưới sự kiểm soát hoàn toàn của NHTW, điều này được cho là gây báo động cho khu vực ngân hàng về dòng chảy thanh khoản.
Mô hình thứ ba và thứ tư là cung cấp cho các tổ chức tài chính và ngân hàng một số chức năng trung gian, cho phép khách hàng mở ví điện tử trong các điều kiện quen thuộc và trên các nền tảng và ứng dụng quen thuộc.
Đại diện NHTW Nga cũng nêu ra những lợi ích mà đồng rúp kỹ thuật số có thể mang lại, đó là Nhà nước sẽ phân bổ trợ cấp cho các gia đình và muốn những khoản tiền này được dành riêng cho trẻ em. Ngày nay, không phải lúc nào người dân cũng có thể theo dõi được tiền trợ cấp được chi tiêu như thế nào. Nếu những khoản tiền này được thanh toán bằng đồng rúp kỹ thuật số và chỉ có thể được chi tiêu trong các cửa hàng dành cho trẻ em để mua hàng hóa cho trẻ em, nó sẽ giải quyết được vấn đề chi tiêu không hợp lý.
Các khoản thanh toán như vậy có thể được mã hóa bằng màu sắc: Tiền "xanh lam" dùng để trợ cấp, "màu đỏ" dành cho thanh toán thuế. Các khoản thanh toán khác cũng có thể được mã hóa bằng màu sắc để ngăn chặn việc sử dụng sai mục đích.
Một lĩnh vực đầy hứa hẹn khác cho tiền kỹ thuật số là thanh toán quốc tế. Việc thực hiện các giao dịch trong một nhóm trạng thái nhất định có thể trở nên thuận tiện hơn và nhanh hơn nhiều nếu cơ chế của tiền kỹ thuật số được sử dụng.
Có thể bạn quan tâm