Mặt bằng lãi suất đang có những biến động trái chiều giữa thị trường 1 và thị trường 2. Trên thị trường 1, mặt bằng lãi suất huy động vẫn có xu hướng tăng nhẹ sau Tết Nguyên đán...
Tuy nhiên, các ngân hàng tăng lãi suất chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ và mức độ tăng cũng không lớn, tập trung ở các kỳ hạn dài. Hiện lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng cao nhất là 7,4%/năm; 7-11 tháng cao nhất là 7,8%/năm; 12 tháng cao nhất là 8%/năm; 24 tháng trở lên cao nhất là 8,6%/năm.
Trong khi trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất giảm liên tục từ sau Tết Nguyên đán đến nay, cho dù NHNN liên tiếp hút ròng tiền về. Tính chung từ sau tết đến nay, NHNN đã hút về hơn 145 nghìn tỷ đồng. Điều đó cho thấy thanh khoản của hệ thống đang rất dồi dào.
“Theo quan sát của chúng tôi, thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn tương đối tích cực, thể hiện thông qua hoạt động hút ròng liên tục của NHNN trong các tuần gần đây”, Công ty chứng khoán Bảo Việt nhận định và dự báo: Xu hướng giảm của lãi suất liên ngân hàng sẽ vẫn duy trì trong các tuần sắp tới và giảm về mức trung bình quanh 3%/năm đối với tất cả các kỳ hạn.
Lý giải về động thái tăng lãi suất huy động các kỳ hạn dài của một số ngân hàng, một chuyên gia cho biết, là do các ngân hàng đang đẩy mạnh huy động vốn trung, dài hạn để cơ cấu lại nguồn vốn cũng như để đáp ứng yêu cầu vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn đã được giảm về còn 40% kể từ đầu năm.
Có thể bạn quan tâm
05:01, 22/03/2019
10:11, 21/03/2019
09:50, 19/03/2019
02:53, 10/03/2019
05:01, 09/03/2019
05:01, 05/03/2019
Minh họa thêm cho nhận định này của mình, vị chuyên gia trên dẫn chứng, nhìn lại các ngân hàng đang duy trì lãi suất huy động ở mức cao đều có tỷ trọng tín dụng trung, dài hạn trong tổng dư nợ ở mức khá cao 60-70%, thậm chí có ngân hàng tỷ lệ này lên tới 80%. “Tỷ trọng tín dụng trung dài hạn cao cũng đồng nghĩa với việc tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn cao do nguồn vốn của các ngân hàng hiện nay chủ yếu là ngắn hạn”, vị này cho biết.
Đó chính là lý do những ngân hàng này đang nỗ lực huy động vốn, đặc biệt là nguồn vốn trung dài hạn. Không chỉ tăng lãi suất huy động, nhiều ngân hàng còn phát hành chứng chỉ tiền gửi để huy động vốn dài hạn từ khách hàng cá nhân, doanh nghiệp với mức lãi suất cao xấp xỉ 9%/năm.
Đơn cử Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) vừa phát hành chứng chỉ tiền gửi đợt 1 dành cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp tại tất cả điểm giao dịch trên toàn quốc với mức lãi suất lên đến 8,9%/năm. Tổng mệnh giá đợt phát hành là 10.000 tỷ đồng.
Theo đó, cá nhân tham gia mua chứng chỉ mệnh giá dưới 2 tỷ đồng, lãi suất các kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng lần lượt là 8,6%/năm, 8,7%/năm và 8,8%/năm. Với chứng chỉ mệnh giá từ 2 tỷ đồng trở lên, lãi suất các kỳ hạn trên lần lượt là 8,7%/năm, 8,8%/năm và 8,9%/năm.
Đối với khách hàng doanh nghiệp, SHB triển khai phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất 8,2%/năm. Các khách hàng doanh nghiệp tham gia chương trình với số tiền từ 500 triệu đồng và lựa chọn các kỳ hạn linh hoạt từ 6 - 36 tháng.
Ông Nguyễn Văn Lê - Tổng giám đốc SHB cho biết, chứng chỉ tiền gửi được xem là hình thức đầu tư dài hạn với mức lãi suất cao hơn so với sản phẩm gửi tiết kiệm thông thường. Với điều kiệm tham gia dễ dàng nên chương trình phù hợp với đại đa số khách hàng. Thông qua đợt phát hành này, SHB cũng muốn bổ sung nguồn vốn trung dài hạn.
Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) cũng vừa phát hành chứng chỉ tiền gửi Lộc Bảo Phát liên kết lợi suất đầu tư trái phiếu chính phủ đầu tiên trên thị trường. Theo đó, lãi suất của chứng chỉ này có thể cao hơn tới 30% so với lãi suất sản phẩm tiết kiệm thông thường. Hiện lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6, 12 hoặc 18 tháng tại MSB tương ứng là 6,8%/năm, 7,3%/năm và 7,7%/năm.
Trước đó, BIDV cũng triển khai chương trình chứng chỉ tiền gửi ghi danh trung, dài hạn 2019 dành cho khách hàng cá nhân và tổ chức với lãi suất 7,6%/năm. Với 3 mức kỳ hạn lần lượt là 18, 24 và 36 tháng với mệnh giá chứng chỉ tiền gửi tối thiểu là 10 triệu đồng với khách hàng cá nhân và 50 triệu đồng với khách hàng doanh nghiệp.
Trước đó, hồi cuối tháng 1, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) cũng phát hành chứng chỉ tiền gửi dài hạn bằng VND với mức lãi suất lên tới 8,6%/năm cho các khách hàng cá nhân. Theo đó, các khách hàng tham gia với mệnh giá tối thiểu từ 100 triệu đồng, thời hạn 24 tháng, 36 tháng sẽ được hưởng mức lãi suất tương ứng là 8,4%/năm và 8,6%/năm. Lãi suất chứng chỉ tiền gửi được cố định trong suốt thời hạn gửi và tiền lãi được trả định kỳ hàng năm cho khách hàng.
Bình luận về vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng cho biết, ngoài sức ép thiếu vốn trung dài hạn, việc chọn lựa phương án phát hành chứng chỉ tiền gửi cũng giúp các ngân hàng tính trước được chi phí bỏ ra, do chỉ phát hành với số lượng nhất định.
Trong khi trên thị trường tài chính, chứng chỉ tiền gửi được coi là hình thức đầu tư dài hạn với mức lãi suất cao hơn so với các sản phẩm gửi tiết kiệm thông thường. Sản phẩm này phù hợp với các khách hàng cá nhân có nguồn tài chính nhàn rỗi, ổn định, có xu hướng chọn kênh đầu tư an toàn mà vẫn được hưởng lãi suất hấp dẫn.