Ngành đóng tàu bắt lại đà tăng trưởng thu hút dòng vốn FDI từ Singapore

Ngọc Hà 15/02/2018 06:30

Mới đây, 4 nhà đầu tư nước ngoài đến từ Singapore đã đầu tư vào ngành đóng tàu Việt Nam sau một giai đoạn “trầm lắng” do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008. Sự trở lại của nhiều nhà đầu tư nước ngoài khiến chúng ta kỳ vọng, ngành đóng tàu Việt Nam sớm bắt được đà tăng trưởng từ 6 -8% vào năm 2020.

Hình ảnh đóng tàu tại Nhà máy đóng tàu thuộc Tập đoàn

Hình ảnh đóng tàu tại Nhà máy đóng tàu thuộc Tập đoàn Trivards.

Theo đó, 4 nhà đầu tư nước ngoài đến từ Singapore sẽ đầu tư khoảng 50 triệu USD vào Nhà máy sửa chữa và đóng tàu thuộc Tập đoàn Trivards trong năm 2018. Số vốn này sẽ tập trung để phát triển những dự án mới như đóng tàu du lịch, làm tàu sắt, tàu nhôm..., đồng thời đầu tư phát triển các sản phẩm về năng lượng điện gió ngoài khơi.

Ngành vận tải biển khởi sắc

Hiện nay, Singapore là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 3 vào Việt Nam với tổng số vốn đầu tư đạt khoảng 4,2 tỷ USD.

Tập đoàn Trivards là kết quả liên doanh giữa Việt Nam – Singapore tại khu công nghiệp Đông Xuyên, phường Rạch Dừa, TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

Ông Chan Eng Yeu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Triyards cho biết: “3 năm trở lại đây, ngành dầu khí thế giới đã gặp phải những khó khăn về giá. Giá dầu thô giảm dốc, từ 100 USD/thùng xuống có thời điểm chỉ đạt 20 USD/thùng đã ảnh hưởng không nhỏ tới ngành dầu khí của Việt Nam. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp tới nhu cầu thị trường ngành đóng tàu”.

Đồng tình với quan điểm này, ông Đỗ Thành Hưng, Thành viên HĐTV Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ (SBIC) cho biết thêm: “Nguyên nhân khiến cho ngành đóng tàu Việt Nam sụt giảm đó là do ngành vận tải biển và đóng tàu thế giới đã trải qua một giai đoạn cực kỳ khó khăn bởi ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới từ năm 2008 đến nay”.

Theo số liệu từ SBIC, tổng doanh thu ngành đóng tàu năm 2017 chỉ đạt khoảng 3.071 tỷ đồng, tương đương hoàn thành 69% kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, khi nhìn vào tình hình chung của thị trường, và những thách hiện hữu, con số đạt 69% kế hoạch cũng đáng được ghi nhận. Ngoài ra, các lĩnh vực khác trong ngành đóng tàu lại đạt mức tăng trưởng khá, cụ thể như lĩnh vực sửa chữa tàu đạt 488,3 tỷ đồng, tương đương đạt 125% kế hoạch. Ngành công nghiệp phụ trợ đạt 264,5 tỷ đồng, tương đương đạt 123% kế hoạch. Được biết, công suất hàng năm của nhà máy đóng tàu thuộc Tập đoàn Trivards đạt khoảng 20 con tàu các loại và tàu nghiên cứu khoa học cho Chính phủ Ấn Độ.

Phân tích về những con số khởi sắc của ngành đóng tàu năm 2017, ông Ngô Tùng Lâm, Phó tổng giám đốc SBIC cho biết: “Thị trường vận tải biển trong năm 2017 có dấu hiệu tăng trưởng trở lại. Sự phục hồi này của vận tải biển là cơ hội cho ngành đóng tàu vì khi đó mới có sửa chữa, nâng cấp, đóng mới để đáp ứng nhu cầu vận tải”.

Có lẽ, do thị trường vận tải biển tại Việt Nam đã có dấu hiệu tăng trưởng trở lại mà ngành đóng tàu Việt Nam đã nhanh chóng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư đến từ Singapore như vừa nêu.

Hiện thực hoá mục tiêu tăng trưởng 5 – 10%

Hiện nay, ngành đóng tàu Việt Nam là một trong 13 nhóm ngành, nghề được ưu đãi đầu tư theo Điều 16, Luật Đầu tư sửa đổi năm 2014. Theo đó, về hình thức áp dụng ưu đãi đầu tư, Điều 15, Luật Đầu tư quy định, các đối tượng sẽ được áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường có thời hạn hoặc toàn bộ thời gian thực hiện dự án đầu tư. Ngoài ra, các đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư cũng được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cũng như miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định và nguyên liệu, vật tư, linh kiện để thực hiện dự án đầu tư. Thêm nữa là miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và thuế sử dụng đất.

Còn nhớ, bắt đầu từ quý IV năm 2014, Bộ Tài chính đã tiến hành rà soát lại toàn bộ thuế suất ưu đãi đối với nhập khẩu nguyên liệu, linh kiện và đề xuất thuế nhập khẩu, danh mục nguyên liệu, linh kiện được hưởng ưu đãi. Ngoài ra, xem xét lại cơ chế, chính sách thuế đang áp dụng với các doanh nghiệp sản xuất trang thiết bị tàu trong nước. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã rà soát toàn bộ các văn bản hiện hành liên quan, ưu đãi đối với phát triển công nghiệp hỗ trợ, ưu đãi trong chương trình cơ khí trọng điểm kết hợp với lộ trình giảm thuế theo AFTA và WTO, đề xuất danh mục, thuế suất ưu đãi theo lộ trình.

Tất cả những ưu đãi về thuế và thủ tục hành chính nhằm hướng đến mục tiêu, đưa ngành đóng tàu trở thành ngành mũi nhọn trong thực hiện Chiến lược kinh tế biển. Trong đó, tập trung vào sản xuất một số gam sản phẩm phù hợp với điều kiện phát triển của Việt Nam. Theo đó, phần đấu đến năm 2020, tốc độ tăng giá trị sản lượng toàn ngành đạt 5 – 10%.

Vì vậy, dự án đầu tư vào Nhà máy sửa chữa và đóng tàu thuộc Tập đoàn Trivards đến từ 4 nhà đầu tư Singapore với tổng giá trị 50 triệu USD sẽ góp phần hiện thực hoá mục tiêu đề ra của ngành tầm nhìn đến năm 2020.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ngành đóng tàu bắt lại đà tăng trưởng thu hút dòng vốn FDI từ Singapore
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO