Sau Quyết định 11/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển cây tre đã tạo tiền đề và chính sách để doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này có thêm động lực đầu tư, phát triển.
Trên thực tế, nguồn nguyên liệu và nhân công của Việt Nam rất rẻ và dồi dào. Thế nhưng, so với các nước, chất lượng sản phẩm cũng như mẫu mã của chúng ta còn yếu và kém. Các cơ sở đào tạo tay nghề cao đối với lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp chưa thật sự chuyên nghiệp. Hiện nay, chúng ta còn phải vừa làm, vừa học, vừa mày mò theo kinh nghiệm nên còn mang tính chắp vá, manh mún.
Ngay như sản phẩm mây tre đan xuất khẩu của Công ty TNHH Đức Phong hiện nay đã có mặt tại 34 nước trên thế giới và Công ty cũng là cơ sở bao tiêu sản phẩm cho 35 làng nghề mây tre đan trên địa bàn Nghệ An trong những năm qua, nhưng nếu sản phẩm của doanh nghiệp như chúng tôi tham gia vào thị trường chung của cộng đồng kinh tế ASEAN (viết tắt là AEC) để được gỡ bỏ hàng rào thuế quan và thuế xuất nhập khẩu giữa các nước ASEAN về mức 0% thì còn tồn tại nhiều hạn chế ở khâu kỹ thuật tay nghề chế tác.
Trong khi đó, khâu liên kết nhóm giữa các làng nghề để tiến tới xây dựng bản quyền, thương hiệu mang tầm quốc tế, hiện nay chúng ta chưa làm được. Khâu xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm ở thị trường các nước trong thời gian qua chưa được quan tâm, chú trọng đúng mức.
Thực tế, chất lượng đời sống của người dân tăng cao, thị hiếu của khách hàng không chỉ là những sản phẩm mây tre đan gia dụng đơn điệu, mà còn đòi hỏi về tính thẩm mĩ với tính sáng tạo cao.
Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, chính quyền địa phương và các cấp ngành cần hỗ trợ các cơ sở đào tạo nghề hơn nữa về công tác đào tạo tay nghề chất lượng cao; quy hoạch vùng nguyên liệu, chú trọng chất lượng, mẫu mã, nhãn mác, đầu tư công nghệ, máy móc. Ngoài ra, các địa phương cần quan tâm chỉ đạo việc chủ động thành lập các tổ hợp tác, HTX và doanh nghiệp tại các làng nghề để làm “bà đỡ” cho các làng nghề bảo tồn và phát triển…