Không thể tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp và người dân nếu không thống kê được những chi phí về thời gian, cơ hội, tiền bạc… đã bị những thủ tục hành chính, kinh doanh “ngốn” mất.
Bộ tiêu chí chất lượng thống kê Nhà nước đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ban hành tại Quyết định số 01/2019/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 5/3/2019 được kỳ vọng sẽ thống nhất số liệu thống kê trên cả nước.
Hồi đầu tháng 12/2018, trong hội nghị ngành thống kê, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã khẳng định rằng: “Thống kê là một ngành quan trọng vì nó đo lường và đánh giá nền kinh tế. Quản lý mà không có thông tin thì không ra được quyết định. Thông tin không đầy đủ, chính xác thì ra quyết định... sẽ sai lầm”.
Có thể bạn quan tâm
05:51, 11/12/2018
21:37, 27/09/2018
01:00, 18/05/2018
Số liệu thống kê phải đồng nhất
Không chỉ trên bình diện quốc gia, mà trên thế giới, công tác thống kê cũng được xác định là rất quan trọng. Chẳng vậy mà tháng 4/1994, Cơ quan Thống kê Liên hợp quốc đã thông qua “Các nguyên tắc cơ bản của thống kê” nhằm áp dụng các nguyên tắc cơ bản để phát huy những giá trị cốt lõi của thống kê là bảo đảm tính thống nhất, tính chính xác và tính minh bạch của số liệu thống kê. Đến tháng 7/2010, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã ban hành Nghị quyết 64/267 khẳng định tầm quan trọng và giá trị cơ bản của thống kê. Theo đó, giá trị cốt lõi của thống kê phải là cung cấp kịp thời, đầy đủ các chỉ tiêu và số liệu thống kê đáng tin cậy phản ánh sự tiến bộ xã hội phục vụ cho việc hoạch định các chính sách phát triển bền vững ở mọi quốc gia.
Quả vậy, ở bất kỳ đâu, số liệu thống kê được sử dụng thường xuyên trên mọi bình diện, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, từ xây dựng kế hoạch và hoạch định chính sách của quốc gia đến những cuộc hội thảo, các công trình nghiên cứu, giảng dạy, các quyết định kinh doanh của doanh nghiệp… Bởi thế, như Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã khẳng định: Chính phủ và Thủ tướng luôn quan tâm đến công tác thống kê. Mặt khác, về pháp lý, Quốc hội đã ban hành luật thống kê, hệ thống pháp luật về thống kê cũng đầy đủ và chiến lược về thống kê đến 2030 đã được phê duyệt. Những năm gần đây, ngành thống kê đã được Thủ tướng giao nhiều nhiệm vụ quan trọng.
Để giảm thiểu chi phí xã hội
Không thể tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp và người dân nếu không thống kê được những chi phí về thời gian, cơ hội, tiền bạc… đã bị những thủ tục hành chính, kinh doanh “ngốn” mất. Không thể rút ra được những bài học trong điều hành hay những kinh nghiệm trong xây dựng chiến lược nếu những thành tựu về kinh tế - xã hội không được thống kê đầy đủ, khách quan và độc lập.
Đương nhiên, thực tế là không thể tránh được những tranh cãi về số liệu thống kê bởi dữ liệu về thống kê cũng như quan điểm về thống kê không phải lúc nào cũng nhất quán. Vài năm gần đây, mỗi khi Tổng cục Thống kê công bố tỷ lệ tăng trưởng GDP hàng năm, gần như các chuyên gia có uy tín đều lên tiếng ít nhiều. Ngay cả những chuyên gia người Việt có uy tín từng làm trong cơ quan thống kê Liên Hợp quốc cũng có ý kiến.
Ngay ở trong nước, tuy vui mừng với tỷ lệ tăng trưởng GDP cao, nhưng không phải ai cũng đã yên lòng. Người ta đã phải băn khoăn khi công nghiệp chế tạo, chế biến tăng trưởng nhiều mà vì sao điện năng lại tiêu thụ không tăng lên tương xứng. Người ta cũng đặt câu hỏi vì sao ít có công trình, dự án lớn nào những năm qua được khởi công mà tăng trưởng vẫn cao như vậy.
Nhìn chung, vẫn còn nhiều băn khoăn về công tác thống kê như chính Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng từng nói: “Ngành thống kê còn phải nỗ lực nhiều”.
Những băn khoăn này liệu có được giải đáp hay không? Có thể có bởi mới đây Bộ tiêu chí chất lượng thống kê Nhà nước đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 01/2019/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 5/3/2019. 19 tiêu chí chất lượng đã bám sát và theo thông lệ quốc tế. Nhưng quan trọng hơn cả, 19 tiêu chí ấy có được các cơ quan thống kê tuân thủ triệt để hay không?
Nền kinh tế có thể đạt được những mục tiêu kỳ vọng hay không phụ thuộc rất lớn vào tính chính xác và độc lập của thống kê.