Theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP, mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức sẽ tăng thêm 100.000 đồng. Điều này kéo theo mức tiền lương hưu, các khoản tiền trợ cấp xã hội khác tăng lên từ 1/7.
Tăng 7,19 % mức lương hưu, trợ cấp xã hội cho 8 nhóm đối tượng
Nghị định 38/2019/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (chi tiết). Mức điều chỉnh này nhằm phần nào đáp ứng sự thay đổi của chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế và khả năng đáp ứng của ngân sách nhà nước.
Theo đó, từ ngày 1/7/2019, lương cơ sở tăng từ 1.390.000 đồng lên mức 1.490.000 đồng/tháng. Lương cơ sở sẽ được dùng làm căn cứ để tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng quy định; tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật…
Nghị định 44/2019/NĐ-CP điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7. Qua đó, 8 nhóm đối tượng sẽ được tăng thêm 7,19% lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng của so với mức tháng 6.
Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động (kể cả người có thời gian tham gia BHXH tự nguyện, người nghỉ hưu từ quỹ BHXH nông dân Nghệ An chuyển sang theo Quyết định số 41/2009/QĐ-TTg ngày 16/3/2009 của Thủ tướng Chính phủ); quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hàng tháng.
Cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009, Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21/10/2003 và Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23/1/1998 của Chính phủ đang hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng…
Tăng tiền đóng bảo hiểm xã hội từ 1/7
Theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP, mức lương cơ sở được điều chỉnh tăng từ 1.390.000 đồng/tháng lên mức 1.490.000 đồng/tháng nên số tiền đóng BHXH của cán bộ, công chức cũng sẽ tăng theo.
Tại Khoản 1, Điều 85, Khoản 1 Điều 89 Luật BHXH 2014 và Khoản 1 Điều 6 Quyết định 595/QĐ-BHXH, số tiền đóng BHXH của cán bộ, công chức được quy định như sau:
Số tiền đóng BHXH = Mức tiền lương tháng x 8% = (Lương + các khoản phụ cấp tính theo mức lương cơ sở) x 8%.
Bên cạnh đó, Điều 89 Luật BHXH 2014 có quy định nếu tiền lương cao hơn 20 lần mức lương cơ sở thì tiền lương tháng đóng BHXH bằng 20 lần mức lương cơ sở. Do đó, mức tiền lương tối đa tính đóng BHXH từ ngày 1/7/2019 = 1,49 triệu đồng x 20 = 29,8 triệu đồng (mức hiện hành là 27,8 triệu đồng tương ứng với mức lương cơ sở 1,39 triệu đồng).
Căn cứ vào tiền lương tính đóng BHXH cùng với tỷ lệ trích đóng các quỹ BHXH thì sẽ tính được mức đóng BHXH hàng tháng của người lao động, trong đó người lao động đóng 8% vào quỹ BHXH, 1% vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp và 1,5% vào quỹ BHYT.
Có thể bạn quan tâm
21:20, 22/05/2019
07:38, 02/05/2019
11:00, 16/10/2018
14:23, 16/08/2018
Từ 1/7 tăng mức đóng BHYT
Do điều chỉnh tăng lương cơ sở từ 1.390.000 triệu đồng lên 1.490.000 từ 1/7 nên mức đóng BHYT cũng sẽ tăng theo.
Đối với những người thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình sẽ có thay đổi về mức đóng BHYT. Theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật BHYT, quy định mức đóng BHYT hộ gia đình của người thứ nhất bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Theo đó, khi tăng lương cơ sở, mức đóng BHYT của người thứ nhất tăng cao nhất, thêm 4.500 đồng/tháng, người thứ 5 trở đi chỉ tăng 1.800 đồng/tháng. Cụ thể:
- Người thứ nhất: 67.050 đồng/tháng; 1 năm là: 804.600 đồng. Hiện nay người thứ nhất: 62.550 đồng/tháng; 1 năm là: 750.600 đồng.
- Người thứ 2: 46.935 đồng/tháng; 1 năm là: 563.220 đồng. Hiện nay mức đóng người thứ 2: 43.785 đồng/tháng; 1 năm là: 525.420 đồng.
- Người thứ 3: 40.230 đồng/tháng; 1 năm là: 482.760 đồng. Hiện nay mức đóng người thứ 3: 37.530 đồng/tháng; 1 năm là: 450.360 đồng.
- Người thứ 4: 33.525 đồng/tháng; 1 năm là: 405.300 đồng. Hiện nay mức đóng người thứ 4: 31.275 đồng/tháng; 1 năm là: 375.300 đồng.
- Từ người thứ 5 trở đi: 26.820 đồng/tháng; 1 năm là: 321.840 đồng. Hiện nay mức đóng từ người thứ 5 trở đi: 25.020 đồng/tháng; 1 năm là: 300.240 đồng.
Cũng theo Nghị định 146, mức hưởng của người tham gia BHYT theo hộ gia đình là 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh nếu đi khám, chữa bệnh đúng tuyến.
Trong trường hợp khám, chữa bệnh vượt tuyến, người bệnh được thanh toán 40% nếu điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến trung ương; 60% nếu điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh; 100% nếu khám, chữa bệnh tại bệnh viện tuyến huyện.
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến tháng 5/2019, cả nước đã có 84,5 triệu người dân có thẻ BHYT và đã đạt được tỉ lệ bao phủ là 89%.
Bên cạnh đó, với mức tăng lương cơ sở lên 1.490.000 đồng/tháng từ ngày 1/7/2019 nên các loại trợ cấp BHXH được tính dựa trên mức lương cơ sở sau đây cũng tăng theo: Tăng mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau sinh; Tăng trợ cấp một lần sau khi sinh con; Tăng mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau sinh; Tăng mức lương hưu tối thiểu hàng tháng; Tăng mức trợ cấp mai táng; Tăng mức trợ cấp tuất hàng tháng; Tăng trợ cấp tai nạn lao động.