Nghe mưa nơi này, lại nhớ mưa xa...

Diendandoanhnghiep.vn Một sáng cuối tuần, chùa Hòe Nhai (Hà Nội) hạn chế khách vãng lai. Sau khi đi hết một vòng chùa với bộn bề tâm trạng, tôi chưa kịp ra về thì trời đổ mưa.

Ngồi nán lại ở dãy bàn ghế “tịnh vô trần” nơi hiên chính điện, mưa nơi này đưa tôi miên du đến những mưa xa, gắn với những nơi tôi đã qua và những người tôi đã gặp.

Đó là mưa Huyền Không Sơn Thượng ngoại ô Huế vào cái đêm tôi cùng bạn thơ vong niên ngủ lại chùa. Chùa vốn dĩ hòa vào mênh mông thông, bềnh bồng mây, lúc này lại chìm vào đêm, ngập vào mưa. Sư trụ trì là một bậc chân tu danh sĩ, đặc biệt yêu văn chương. Thư phòng của sư là cả một thư viện. Tôi không khỏi ngầm thắc mắc, rằng một cõi đặc quánh khí đạo mùi thiền cách biệt với lao xao kim tiền này, không lẽ thường xuyên có những “xa thư đồ sộ” đến đây, kịp thời thả xuống những quyển hôi hổi mùi đời thế kia. Muốn đạt đạo thì phải trót đời? Nhân vật nữ chính trong tiểu thuyết “Và khi tro bụi” của Đoàn Minh Phượng "muốn biết mình là ai để ngày tôi chết tôi biết rằng ai đã chết”. Cũng vậy, với tu sĩ lánh đời, chắc hẳn họ cũng muốn thông tỏ đời là gì để biết mình đang lánh gì…

Đêm thượng sơn ngộ vũ ấy, trước khi đi ngủ, tôi và bạn đồng hành dùng tạm mỗi người một bát mì tôm. Sư trụ trì nhân từ thủ thỉ: Nhà chùa chỉ ăn mặn mỗi ngày một bữa; bữa tối là bánh ngọt qua loa… Điều khiến tôi bận tâm, đó là người đàn bà lúi húi pha mì cho hai khách đường xa đường đột. Chị mặc trang phục lam. Đứng bếp nhưng vẫn để nguyên cái nón ướt mưa trên đầu. Quai nón cũng màu khói, ôm cằm, bên dưới đôi môi rất đỏ.

Phụ nữ Huế thường đánh son môi đậm - từng dan díu đất thần kinh những sáu năm, tôi không lạ điều này. Nhưng ở đây, trong không gian thiền tịnh, màu son môi trên khuôn mặt có cặp mắt u buồn của người đàn bà thế tục cứ ám ảnh tôi. Rồi tôi không ngăn nổi tái hiện hình ảnh hai đường lằn quần của một chú tiểu mặt trứng cá trèo cây hái quả khi chập tối tôi và bạn vong niên vừa tới vườn chùa. Đêm ấy, nằm nghe mưa rơi, tôi không thôi nghĩ về cái sự độc lập và liên thông giữa đời và đạo, cái sự giằng co giữa dục và diệt dục, giữa tục và thoát tục…

Cái cụm từ khóa tình thế bị làm người lại đưa tôi hồi cố về đêm mưa năm ấy ở biệt phủ Tây Hồ, khi các đại biểu tỉnh xa được bố trí nghỉ lại đây trước khi tùy nghi di tản, sau mấy ngày diễn ra Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc tổ chức tại Tuyên Quang. Chẳng biết “cái đêm hôm ấy… đêm gì” mà mưa mù trời tối đất.

Cùng phòng với tôi có một anh bạn trẻ, đẹp trai con nhà giàu, một tay thơ một tay nghiên cứu phê bình mà tay nào cũng là tay viết ra hoa. Trước mọi người, anh nói trạng pha cười rôm rả vui nhộn. Chắc chỉ tôi để ý, mỗi lần năm ba phút anh đi ra hành lang phòng là một lần anh tháo chiếc mặt nạ để trở về với bản diện của mình. Làm sao mọi người có thể ngờ được, đằng sau cái “phong tư tài mạo tót vời/ vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa” kia là một khối nhàu nhĩ rỗng rượi.

Đọc thơ anh, người ta bảo là anh khéo vẽ nỗi buồn và tự dưng tình nguyện chung thân với nỗi buồn tưởng tượng. Tôi thì sau đêm ấy, càng củng cố xác tín, rằng cái gì khác có thể giả, riêng tình yêu và thơ thì không thể giả được.

Nhắc đến con người với cái mặt nạ đa nhân cách, mà ta vẫn quen gọi là nhân vật đa diện, mưa lại đưa tôi tái hồi Hà Giang. Ngày ấy, khi đoàn đến cao nguyên đá thì rất may là trời tạnh mưa, chuyển ráo. Ôi, đá trùng điệp lớp lớp chất chồng. “Hỏi đá xanh rêu bao nhiêu tuổi đời”. Đá không vô tri vô giác, không đơn diện. Đá toát mồ hôi. Đá rỉ nước mắt. Đá có khả năng phát lửa.

Nhạc phẩm “Lệ đá” của Trần Trịnh (phổ thơ Hà Huyền Chi) phát đi thông điệp mỗi người hãy “là hoa rót mật cho đời”. Trường ca “Đời đá” của Thy Nguyên lại nhắc người hãy “khúc xạ qua mưa biết tạo nên những sắc độ cầu vồng”, để “trong ngôi nhà mùa đông lửa không lụi tắt”. Đá, phải thấm bao nhiêu mưa nắng mới có thể phát lửa, sưởi ấm mình, sưởi ấm đời. Đá (tảng), phải bao nhiêu đón hứng dung nạp mới có thể dạy người biết chắc đặc kiệm lời.

Chuyến Hà Giang năm ấy, tôi đi cùng một anh bạn là dân xây dựng nhưng bản mệnh là thi sĩ. Từ thành phố Hà Giang đi tuyến điểm tham quan, hai anh em tôi chung xe ghép đoàn cùng nhiều khách khác, trong đó một nhóm đông có vẻ là một gia đình lớn gồm bố mẹ con cái cháu chắt từ miền Nam ra.

Khi lên đến cột cờ Lũng Cú thì trời lại mưa. Mọi người nép vào nhau run rẩy, vì lạnh, vì nhận ra vị trí chiều kích của mình giữa vũ trụ. Bất giác, một người đàn ông trung niên trong nhóm gia đình kia từ đằng sau ôm chặt lấy tôi. Tôi biết cách đánh thức mà không làm người khác giật mình, nên nhẹ nhàng gỡ tay anh ta và đi sang chỗ khác, coi như không có chuyện gì xảy ra. Sau đó tôi kín đáo quan sát, thì thấy người đàn ông ấy tuy đi cùng gia đình lớn nhưng là đi một mình.

Sáng hôm sau thức dậy trên phố cổ Đồng Văn, ngồi uống cà phê ở quán “A Sử” mà tôi vẫn không thôi nghĩ về việc có những con người suốt một đời phải loay hoay vừa khéo vừa vụng để ngụy trang che đậy bản thể của mình.

Và tôi không thôi nghĩ về cái sự cô đơn câm nín của con người. Mị của Tô Hoài, thoát A Sử để đi theo A Phủ. Nhưng còn bao nhiêu cô Mị khác, có thoát được A Sử thì cũng chẳng biết đi đâu.

Đã xế trưa nhưng trời vẫn mưa. Tôi đeo tai nghe, mở bài “Cát bụi”. Giọng Khánh Ly ma mị ngân nga: “Nghe mưa nơi này, lại nhớ mưa xa…”.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Nghe mưa nơi này, lại nhớ mưa xa... tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713861074 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713861074 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10