Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2020 sẽ tạo động lực để cải thiện môi trường kinh doanh, giúp họ yên tâm sản xuất kinh doanh.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020.
Cải cách còn “khấp khểnh”
Tại đối cuộc đối thoại với doanh nghiệp mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục có những chính sách cởi mở hơn, thực sự cởi trói, ủng hộ để doanh nghiệp bứt phá.
Cởi trói cho doanh nghiệp tư nhân tham gia nhiều hơn vào các lĩnh vực, các ngành nghề…. Cùng với đó là tiếp tục thực hiện nhất quán và triệt để trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung vào những khâu còn yếu và doanh nghiệp còn kêu ca; phải tiếp tục giảm đáng kể danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh…
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, cải thiện môi trường kinh doanh hiện còn “khấp khểnh”, sự chậm trễ của thủ tục của cải cách thể chế hành chính vẫn đang là vấn đề cần phải được tiếp tục giải quyết.
Theo đó, khẩu hiệu cho cải cách hành chính đó là chúng ta chung tay và phải nhanh tay lên.
“Một trong những điều quan trọng trong thời gian tới, để cải cách không chỉ có việc quán triệt, không chỉ có việc thực thi những đường lối chủ trương, chính sách được hoạch định từ Trung ương, mà còn cần phải sáng tạo ra những mô hình cải cách phù hợp với địa phương.
Như vậy thì việc lan tỏa, chia sẻ thực tiễn quản trị tốt sẽ là một cách thức rất tốt để chúng ta có thể cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao sự phát triển của doanh nghiệp”, Chủ tịch VCCI cho hay.
Đáng nói, Nghị quyết 02 lần này tiếp tục đạt ra mục tiêu đưa Việt Nam và top 4 ASEAN về môi trường kinh doanh.
Tuy nhiên, phân tích về điều này, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM), một trong những người trực tiếp chắp bút cho Nghị quyết 02 lại cho rằng, đó là đặt trong bối cảnh các nền kinh tế khác... đứng yên.
“Thực tế, sẽ không có ai đứng đợi chúng ta cả. Nên mục tiêu bước lên 5-7 nước sẽ không đơn giản là từ thứ hạng 70 của hiện tại. Năm ngoái, điểm số của Việt Nam tăng, nhưng tụt 1 bậc do các nền kinh tế khác đi nhanh hơn. Đây là điều chúng tôi đã xác định rất rõ khi đề xuất các giải pháp đi kèm”, bà Thảo nói.
Để doanh nghiệp bứt phá
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng để môi trường kinh doanh được thuận lợi, giúp doanh nghiệp thật sự bứt phá, chúng ta phải tạo ra sức ép và áp lực cho sự cải cách nhằm hoàn thiện thể chế cũng như tạo động lực cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian tới.
Theo đó, ông Tuấn cho rằng trước hết, cần phải rà soát, cải cách các quy định kinh doanh không phù hợp, tạo rào cản trong phát triển kinh doanh. Năm 2019, theo đánh giá của chúng tôi, cải cách có xu hướng chững lại, trong khi dư địa để cải cách còn rất lớn. Năm 2020 là năm chuyển đổi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, dự kiến sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV vào tháng 5 tới, vì thế cần nỗ lực cắt giảm các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Chúng tôi kiến nghị, nhiều ngành nghề cần phải bỏ ra và một số ngành nghề khác cần tiếp tục được đơn giản hóa để tạo điều kiện tự do kinh doanh cho doanh nghiệp và người dân.
Có thể bạn quan tâm
05:20, 20/01/2020
11:41, 15/01/2020
04:50, 01/01/2020
Đồng thời, tiếp tục tập trung cải cách một số lĩnh vực, chẳng hạn những lĩnh vực mà theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) rằng vẫn còn kém như việc gia nhập thị trường. Cụ thể “thị trường” ở đây hiểu theo nghĩa rộng là tất cả những vấn đề liên quan đến doanh nghiệp cần phải được cải cách, từ thủ tục đăng ký kinh doanh cho đến việc mua hóa đơn phải dễ dàng hơn, thủ tục thuế môn bài cần được cải cách,…
Về công tác thanh tra, kiểm tra mặc dù đã có giảm so với trước, song theo quy định từ năm 2017, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật, còn lại không được thanh tra, kiểm tra quá một lần một năm.
“Ví dụ, với doanh nghiệp có tình trạng hoặc nguy cơ vi phạm pháp luật, hoặc việc chấp hành pháp luật không cao thì cần phải đưa vào diện thanh tra, kiểm tra nhiều hơn; còn những doanh nghiệp tuân thủ pháp luật, ít bị vi phạm thì cần phải có lộ trình giảm thanh tra, kiểm tra. Muốn thế cần phải xây dựng được một bộ tiêu chí đánh giá rủi ro, giao các cơ quan nhà nước có liên quan thực hiện theo xu hướng này”, ông Tuấn nhấn mạnh.