Nghịch lý ngành y tế: Thiếu thốn lại không thể tiêu hết tiền

Diendandoanhnghiep.vn Việc Bộ Y tế lại đề nghị trả lại 802 tỷ đồng vốn đầu tư được phân bổ trong khi ngành Y tế đang rất thiếu thốn, chật vật khiến cho dư luận, đại biểu rất băn khoăn.

>> Phụ cấp ngành Y - muộn còn hơn không

Phải thừa nhận, từ khi COVID-19 bùng phát, chưa có khi nào lĩnh vực y tế lại nhận được các quan tâm từ xã hội nhiều như 2 năm trở lại đây. Rất nhiều nguồn lực đã được dành cho ngành y tế với mong muốn y tế trở thành lá chắn then chốt bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ngành y đang rất khó khăn, thiếu quá nhiều, từ cơ sở vật chất đến trang thiết bị y tế... Đây là vấn đề hết sức nóng, không chỉ riêng của bệnh viện nào mà còn là của toàn ngành y tế.

Bên cạnh đó, chế độ đãi ngộ cho đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý và các nhân viên làm công tác y tế thời gian qua chưa được làm tốt, dẫn đến việc sụt giảm nhân sự của ngành, khiến y tế cơ sở vốn đã thiếu người giờ càng thêm mỏng. Vì vậy cần tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực y tế là chuyện không phải bàn cãi.

Theo Nghị quyết 43, bố trí tối đa 14.000 tỷ đồng để đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng, nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh... (Cơ sở vật chất của 1 Trung tâm Hồi sức Covid-19 tại TP.HCM tháng 8/2021. Ảnh BVCC)

Cơ sở vật chất của 1 Trung tâm Hồi sức Covid-19 tại TP.HCM tháng 8/2021. Ảnh BVCC

Thế nhưng, dư luận cảm thấy bất ngờ khi trong Phiên họp bất thường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét mức vốn các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Nghị quyết 43) vừa qua, Bộ Y tế xin trả lại 802 tỷ đồng do chưa sử dụng hết.

Được biết, ngân sách giao Bộ Y tế 14.000 tỷ đồng vốn đầu tư, thời hạn giải ngân trong hai năm 2022-2023, đến nay gần 13.200 tỷ đồng được phân bổ cho 144 dự án, còn lại 802 tỷ đồng.

Số vốn đầu tư công mà Bộ Y tế được giao là dùng đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng, nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh của viện và bệnh viện cấp trung ương gắn với đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế, sản xuất vaccine trong nước và thuốc điều trị COVID-19.

>> Giải pháp "giữ chất xám" từ các bệnh viện công

>> Giải tỏa “khủng hoảng” xã hội hóa ngành y tế: Tách bạch công tư dịch vụ y tế

>> Thấy gì từ việc hàng trăm cán bộ ngành Y bỏ việc?

Giải thích thêm về số vốn ngành y tế “xin chưa sử dụng”, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên khẳng định cơ quan này đã rà soát rất kỹ, họp nhiều lần, có văn bản trao đi đổi lại với các địa phương.

“Nhu cầu đầu tư cho y tế rất lớn nhưng vẫn phải bám vào quy định. Bộ đưa ra mốc thời gian cụ thể, đến thời hạn địa phương không báo cáo thì có nghĩa là không có nhu cầu, chứ Bộ không chờ đợi vì đã chậm tiến độ”, Thứ trưởng Bộ Y tế giải thích.

Quy định là một chuyện, vấn đề ở chỗ chúng ta chưa có cách làm đột phá vì sợ sai, sợ trách nhiệm. Số “vốn tồn” không sử dụng hết kia một phần xuất phát từ các địa phương, bệnh viện có tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra, không dám làm, không dám mua sắm.

Lực lượng y tế làm việc không kể ngày hay đêm trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát. Ảnh: Hải Ngân

Dừng ở đây, bỗng dưng tôi nhớ đến lời phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại một Phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc khi ông nói rằng, mua sắm công trong phòng, chống COVID-19 rất lúng túng.

Có tình trạng các nơi sợ việc mua sắm, ngay cả vật tư thiết bị phòng chống dịch cũng rất sợ. Chủ tịch Quốc hội nêu thực tế, đồng thời cho rằng: “Người ta chỉ thích tiền Mặt trận Tổ quốc hỗ trợ, đó không phải là tiền ngân sách, hoặc tài trợ bằng hiện vật người ta sử dụng được…”. Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý “đừng để vừa mất tiền, vừa mất người, mất người là mất toàn đội ngũ tinh hoa, GS,TS, thầy thuốc nhân dân…”.

Không chỉ dư luận khúc mắc, mà nhiều đại biểu, thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng không đồng ý chuyển số tiền mà ngành y tế báo cáo “không sử dụng hết” sang ngành khác vì các vị ấy đều cho rằng “anh em y tế đang rất khổ, cần được đầu tư”.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói rằng: “Cấu chỗ nào thì cấu chứ cấu chỗ y tế, an sinh xã hội thì không nên”. Dẫn cụ thể 2 bệnh viện vệ tinh ở Hà Nam không có thiết bị nên không vận hành được, ông Thanh đặt vấn đề số tiền này sao không bố trí mua thiết bị?

“Hơn 800 tỷ đầu tư vào bệnh viện là con số rất nhỏ, nhưng 'một miếng khi đói bằng một gói khi no', có số tiền đó để mua sắm trang thiết bị, đầu tư cơ sở hạ tầng thì quá là may mắn”, một chuyên gia y tế nói.

Có thể nói, ngành Y tế ngay lúc này cũng cần “cấp cứu”, đầu tư hơn bao giờ hết. Bởi vì, sau COVID-19 là cúm A, là đậu mùa khỉ, là trầm cảm... Xã hội đang mong manh căng thẳng và yếu ớt hơn, trông chờ phó thác cho bác sĩ nhiều hơn. Còn nhân viên y tế, bao gồm cả bác sĩ tiếp tục bị hành hung, xin nghỉ việc hàng loạt hoặc tiếp tục khám chữa bệnh trong lo âu, mệt mỏi nhiều hơn nữa.

Mặt khác, để tránh tình trạng bệnh nhân chờ mổ cả 2-3 tháng vẫn được cho là “bình thường”, để tránh nỗi oan “cắt chân cắt tay” vì hết thuốc, tránh tình trạng “con dao mổ rạch tới 3 lần” mới xuyên da… vì còn đang chờ đấu thầu, vì những người có trách nhiệm sợ trách nhiệm.

Thế nên, việc Bộ Y tế lại đề nghị trả lại 802 tỷ đồng vốn đầu tư được phân bổ trong khi ngành Y tế đang rất thiếu thốn, chật vật… có vẻ rất nghịch lý.  Đầu tư công thời đại 4.0 không thể chấp nhận thái độ thụ động kiểu 0.4. Cần phải chủ động, linh hoạt hơn trong các phương án thực hiện.

Hãy nhớ rằng, đầu tư công là lĩnh vực phản ánh năng lực cán bộ một cách rõ ràng nhất. Nếu không dùng dằng “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”, thì đừng để đầu tư công lâm vào cảnh “cha chung không ai khóc”.

Cũng xin nhớ rằng, khi ngành Y “ốm” thì vấn đề sức khỏe của nhân dân cũng bị đe dọa, ảnh hưởng. Nên vướng khâu nào trong đầu tư công thì phải đề xuất tháo gỡ, bổ sung, không nên theo một quy trình cứng nhắc.

  

Từ khóa
Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Nghịch lý ngành y tế: Thiếu thốn lại không thể tiêu hết tiền tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713854816 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713854816 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10