Như DĐDN đã thông tin, sau khi 12 doanh nghiệp đồng loạt làm đơn kêu cứu và phản ánh về quy chuẩn xử lý nước thải tại địa phương, lãnh đạo Sở TNMT tỉnh Bình phước đã chính thức lên tiếng.
Câu chuyện 12 doanh nghiệp chế biến cao su trên địa bàn tỉnh Bình Phước, đồng loạt làm đơn gửi cho các cơ quan ban ngành tỉnh Bình Phước, Hiệp hội cao su Việt Nam, Hiệp hội DNNVV… “Đề nghị xem xét chấp thuận cho các doanh nghiệp được xả nước thải chế biến mủ cao su thiên nhiên theo đúng quy chuẩn Việt Nam (QCVN), đang là vấn đề hết sức khó hiểu, trong khi theo quy định các doanh nghiệp này hiển nhiên được áp dụng”.
Trao đổi với DĐDN về sự việc nêu trên, ông Lê Hoành Lâm – Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường (TNMT) tỉnh Bình Phước, cho biết: Ngày 28/11/2018, Sở TNMT tỉnh Bình Phước có nhận được văn bản kiến nghị của 12 doanh nghiệp hoạt động chế biến mủ cao su trên địa bàn tỉnh Bình Phước về việc xem xét chấp thuận cho các công ty xả nước thải chế biến mủ cao su thiên nhiên theo đúng quy chuẩn Việt Nam (QCVN) 01-MT:2015/BTNMT.
Và với góc độ là đơnvị quản lý trên địa bàn, Sở TNMT cho rằng, việc các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến mủ cao su kiến nghị được phép áp dụng theo đúng quy chuẩn Việt Nam (QCVN) 01-MT:2015/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sơ chế cao su thiên nhiên (gọi tắt là nước thải cao su) là phù hợp với các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, việc áp dụng giá trị tối đa cho phép của các thông số ô nhiễm (cột A, cột B) trong nước thải của nhà máy chế biến mủ cao su trên địa bàn tỉnh Bình Phước được tuân thủ theo quy định tại Quyết định số 1469/QĐ-UBND ngày 21/6/2011 của UBND tỉnh Bình Phước về việc phân vùng môi trường tiếp nhận nước thải và khí thải công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Phước đến năm 2020.
Theo đó, các nhà máy chế biến mủ cao su nằm trong khu vực phân vùng tiêu chuẩn xả nước thải cột A buộc phải tiến hành xây dựng, cải tạo hệ thống xử lý nước thải đảm bảo xử lý nước thải đạt cột A theo quy định, các nhà máy còn lại không nằm trong khu vực phân vùng phải áp dụng cột B của QCVN.
Bên cạnh đó, với đặc điểm là tỉnh nằm trên khu vực thượng nguồn các sông lớn (Sông Bé, Sài Gòn, Đồng Nai), có nhiều các nhà máy chế biến mủ cao su, tinh bột mì… Và đây là những nhà máy có lưu lượng nước thải phát sinh lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm cao.
Trước yêu cầu cấp bách trong công tác bảo vệ môi trường, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành Công văn số 778/UBND-KTN ngày 20/3/2014 về việc thực hiện lộ trình áp dụng tiêu chuẩn xả thải cột A đối với các nhà máy chế biến tinh bột mỳ, chế biến mủ cao su trên địa bàn tỉnh Bình Phước; Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31/3/2017 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Bình Phước; Công văn số 2037-CV/TU ngày 12/4/2018 của Tỉnh ủy về việc tuân thủ chủ trương cho gia hạn thời gian hoàn thành nâng cấp, cải tạo hệ thống xử lý nước thải của các doanh nghiệp.
Do đó, Tỉnh ủy yêu cầu các nhà máy chế biến mủ cao su và tinh bột mỳ trên địa bàn tỉnh phải hoàn thành nâng cấp, cải tạo hệ thống xử lý nước thải đạt cột A trước ngày 31/12/2018.
Có thể bạn quan tâm
06:30, 30/01/2019
06:16, 21/11/2018
11:11, 07/11/2018
Cũng theo ông Lâm, sau khi nhận được đơn của 12 doanh nghiệp và phản ánh của báo DĐDN, Sở TNMT xét thấy: “Trước những khó khăn của doanh nghiệp về tình hình sản xuất, giá cả thị trường xuống thấp, công nghệ và tài chính đầu tư công trình xử lý nước thải… Sở TNMT sẽ báo cáo lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh xem xét và cho ý kiến chỉ đạo để giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp – ông Lâm nói.
Ông Lâm cho biết thêm, vừa qua Sở TNMT đã mời các sở ngành và 12 doanh nghiệp cao su họp để lấy ý kiến, và trên cơ sở này sẽ báo cáo Tỉnh ủy và UBND tỉnh để tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp.