Nghiên cứu bổ sung thuế nhà đất chặn đầu cơ

Diendandoanhnghiep.vn Tại Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất bổ sung thuế tài sản nhà ở nhằm ổn định thị trường, hạn chế đầu cơ.

>> Hà Nội khó đánh thuế biệt thự bỏ hoang

>> Trung Quốc thí điểm đánh thuế bất động sản: Bài học cho Việt Nam

NGHIÊN CỨU ĐÁNH THUẾ TÀI SẢN NHÀ Ở

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2161 Phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Một trong những mục tiêu tổng quát của chiến lược này là phát triển thị trường bất động sản nhà ở bền vững, minh bạch dưới sự điều tiết, giám sát của Nhà nước, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất…; hạn chế tình trạng đầu cơ, lãng phí tài nguyên đất trong phát triển nhà ở.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất bổ sung thuế tài sản nhà ở 

Để thực hiện Chiến lược trên, Chính phủ nêu lên một loạt giải pháp từ hoàn thiện thể chế, chính sách về nhà ở, quy hoạch, phát triển quỹ đất đến giải pháp về thuế, cải cách thủ tục hành chính, đầu tư…

Trong đó, giải pháp đầu tiên là tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi về thuế liên quan đến phát triển nhà ở xã hội như miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và các ưu đãi khác theo pháp luật về thuế và pháp luật về nhà ở.

Bên cạnh đó, điều chỉnh, bổ sung các loại thuế liên quan đến nhà ở để điều tiết thị trường bất động sản nhà ở cho phù hợp với tình hình thực tế, tránh thất thoát ngân sách nhà nước.

Đáng chú ý, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu chính sách khuyến khích phát triển đa dạng nguồn vốn dài hạn dành cho phát triển nhà ở như quỹ đầu tư bất động sản, quỹ đầu tư tín thác bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản và các công cụ tài chính dài hạn khác.

Bên cạnh đó, hướng dẫn thực hiện các ưu đãi liên quan đến chính sách tài chính, thuế, tín dụng, chế độ miễn tiền sử dụng đất, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền quy định chế độ miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và các thuế khác liên quan đến hoạt động phát triển nhà ở xã hội.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ này nghiên cứu đề xuất bổ sung một số loại thuế liên quan đến thị trường bất động sản như thuế tài sản nhà ở nhằm ổn định thị trường, hạn chế đầu cơ, khai thác có hiệu quả bất động sản nhà ở và đảm bảo quyền lợi của Nhà nước.

Trên thực tế, vấn đề đánh thuế nhà ở nhằm ngăn chặn đầu cơ và tình trạng người có nhà đất bỏ hoang, trong khi đó người dân có nhu cầu sở hữu nhà ở không có cơ hội để mua nhà.

Theo đó, mới đây, TP Hà Nội đã có đề xuất gửi Bộ Tài chính thực hiện phương án đánh thuế hoặc xử phạt đối với chủ sở hữu nhà bỏ hoang, không đưa vào sử dụng.

Theo đề xuất của UBND Tp Hà Nội, với các bất động sản bỏ hoang 3 tháng có thể áp thuế khoảng 5% trên giá trị hợp đồng, còn sau một năm bất động sản vẫn bỏ hoang sẽ bị tính thuế 10% trên tổng giá trị.

Bên cạnh đó, Hà Nội còn đề xuất xử phạt hành chính chủ sở với mức phạt 10 - 20 triệu đồng/căn, đồng thời kiến nghị Chính phủ áp dụng thu thuế cao lũy tiến đối với người mua từ ngôi nhà thứ hai trở lên.

Đề xuất này được đưa ra khi tình trạng các khu đô thị "ma" xuất hiện ngày một nhiều, gây lãng phí nguồn tài nguyên đất, làm mất mỹ quan đô thị.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia cũng lên tiếng cho rằng đã đến lúc Chính phủ và các địa phương cần áp dụng những công cụ mạnh để triệt tiêu động lực của giới đầu cơ đang làm thị trường bất động sản méo mó và sốt ảo.

GIẢI PHÁP TRIỆT NẠN ĐẦU CƠ

Đại diện doanh nghiệp, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) trước đó cũng đã gửi công văn tới Thủ tướng Chính phủ đề xuất đánh thuế rất cao đối với hành vi bán, chuyển nhượng lại nhà, đất ngay sau khi tạo lập để triệt tiêu ý chí đầu cơ của nhà đầu tư lướt sóng, trong trường hợp thị trường bất động sản có dấu hiệu bị đầu cơ, sốt nóng “bong bóng”.

KĐT Bảo Sơn với hàng trăm căn biệt thự "triệu đô" đã bỏ hoang hóa nhiều năm. (Ảnh: Lê Sáng)

Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA, từ năm 2017 thị trường bất động sản đã lặp đi lặp lại nhiều đợt sốt đất, gây ra nhiều hệ quả tiêu cực, khi cơn sốt đất xẹp xuống, nhiều nhà đầu tư cá nhân sập bẫy, bị thua lỗ nặng nề, thậm chí lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, trắng tay. Nhiều khu đất trở thành hoang hóa, làm mất cơ hội tạo lập nhà ở của đông đảo người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp ở đô thị.

Chủ tịch HoREA cho rằng, với người sở hữu nhiều nhà đất mà không dùng để ở hoặc không sử dụng để sản xuất, kinh doanh thì chịu mức thuế suất lũy tiến tùy theo số lượng nhà đất sở hữu. Bên cạnh đó, với người chậm đưa đất vào sử dụng cũng bị đánh thuế cao nhằm triệt tiêu ý chí "găm giữ" đất, chống đầu cơ đất đai.

Đồng quan điểm, theo GS-TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, để “triệt” được biệt thự bỏ hoang, việc tăng thuế nhà đất là giải pháp hữu hiệu nhất. Ở nước ngoài, người ta đánh thuế nhà đất rất cao, nhà đất càng không được sử dụng càng bị đánh thuế cao. Như vậy không ai dám đầu cơ, người có nhà buộc phải đến ở hay cho thuê.

"Ở ta cũng nên tăng thuế nhà đất vì với nền kinh tế thị trường không thể dùng các biện pháp hành chính đơn thuần. Cần đánh thuế nhà đất ở mức 1%/năm. Thuế nhà đất như hiện nay chỉ ở mức 0,15% giá trị nhà đất không thể chống được đầu cơ” - GS Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Nghiên cứu bổ sung thuế nhà đất chặn đầu cơ tại chuyên mục Bất động sản của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713522904 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713522904 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10