Ngoại giao Mỹ - Triều "tan băng" và “người giữ nhiệt” Hàn Quốc

Trương Khắc Trà 03/01/2019 15:00

Hòa bình trên bán đảo Triều Tiên chưa bao giờ rõ ràng như hiện nay, chỉ một vài ngày đầu năm 2019, các bên đã phát đi thông điệp đầy thiện chí.

Từ nửa cuối năm 2018 đến nay, tình hình Triều Tiên tạm lắng xuống nhường chổ cho những sự kiện khác. Tương lai trên bán đảo đầy trắc trở này bị gác lại chăng?

Hơn 3 tháng im hơi lặng tiếng là thời gian vừa đủ để các bên toan tính bước đi tiếp theo, bộ ba Mỹ - Triều - Hàn thực chất là mối quan hệ song phương, trong đó Hàn Quốc đóng vai trò sứ giả.

Nhưng vấn đề trên bán đảo Triều Tiên lôi cuốn người ta là ở chổ, ông Moon Jae - In vừa nằm trong mối quan hệ với Bắc Triều vừa là đồng minh thân cận của Mỹ. Vì vậy, với ông Trump - để “nói chuyện” với Kim Jong - un chưa bao giờ thuận lợi như vậy!

Lịch sử ngoại giao của gia đình họ Kim ở Triều Tiên chưa bao giờ “thông thoáng” với Mỹ như lúc này. Ngay đầu năm mới, ông Kim đã phát đi thông điệp rất mềm mại.

Ông Kim xuất hiện trong một video đầu năm 2019

Ông Kim xuất hiện trong một video đầu năm 2019 kèm những chi tiết thú vị

Xuất hiện trong một video chúc mừng năm mới, sự kiện mà chưa bao giờ Triều Tiên xem trọng. Đất nước này vẫn sử dụng lịch riêng của họ, năm nay mới là năm 108 - tính từ ngày sinh của cố lãnh tụ Kim Nhật Thành.

Có thể bạn quan tâm

  • Hàn Quốc đẩy mạnh đầu tư vào Triều Tiên

    Hàn Quốc đẩy mạnh đầu tư vào Triều Tiên

    16:25, 04/10/2018

  • Ngoại trưởng Mỹ: Không có chuyện Triều Tiên từ bỏ cam kết phi hạt nhân

    Ngoại trưởng Mỹ: Không có chuyện Triều Tiên từ bỏ cam kết phi hạt nhân

    04:30, 09/07/2018

Trong bài nói chuyện rất gần gũi, chỉ một mình ông Kim trong căn phòng trông như thư viện, trên chiếc ghế sofa sang trọng, trang phục được sử dụng là bộ comple caravat chứ không phải bộ đồ đại cán như thường thấy.

Một căn phòng  được bài trí “rất Tây”, sau lưng ông Kim là chân dung cố lãnh tụ (ông nội) Kim Nhật Thành và người cha Kim Jong - in. Hình ảnh hiện đại phát đi qua sự điềm đạm của nhà lãnh đạo Triều Tiên cho thấy rằng, nước này không còn muốn đứng ngoài dòng chảy văn minh tiến bộ?

Đài Truyền hình Trung ương Triều Tiên phát video này vào lúc 9h30 ngày 1/1/2019, nhưng chiếc đồng hồ sau lưng ông Kim chỉ vào lúc 0h03 phút.

Chi tiết trong này cho thấy, đây là một chương trình được ghi hình từ trước, có nghĩa rằng, họ đã chuẩn bị kỹ lưỡng để phát đi thông điệp ra thế giới.

Sau đó 24 tiếng, tại cuộc họp đầu năm mới của nội các Mỹ, Tổng thống Trump đã mở bức thư được gửi bởi nhà lãnh đạo Triều Tiên và vắn tắt rằng: “Ông ấy muốn gặp mặt và tôi cũng muốn gặp mặt”.

Truyền thông quốc tế hình như bỏ quên sự tiến triển của mối quan hệ Mỹ - Triều với tư cách là một trong những sự kiện lớn năm 2019. Song, với những thông điệp rõ ràng, sẽ hứa hẹn một năm bận rộn với các nhà quan sát chính trị quốc tế cũng như báo giới.

Bây giờ hãy nói về “chất xúc tác” mang tên Moon Jae- in, rõ ràng người Hàn Quốc không mong muốn chung sống với một người láng giềng chỉ biết chú trọng vào các vụ thử vũ khí nguy hiểm.

Nếu xung đột hai miền xảy ra, Seoul sẽ là bên chịu thiệt hại nặng nề hơn - một nền kinh tế thứ 10 thế giới, một xã hội thịnh vượng không có lý do gì muốn vướng vào một cuộc chiến lợi bất cập hại.

Hàn - Triều đang cùng nhau chạy đua để giành quyền đăng cai Olympic vào năm 2032, đây là minh chứng rõ nét nhất cho thấy ngoại giao hai miền đang "ấm" dần lên.

Ông Trump đã bắt đầu rút quân ra khỏi Syria và Afganistan, cho thấy gì? Còn quá sớm để khẳng định Nhà trắng thực sự muôn buông Trung Đông, nhưng không thể không thấy rằng, Mỹ đang muốn tăng cường hiện diện ở Châu Á - Thái Bình Dương.

Về kinh tế, chiến lược “Ấn Độ - Thái Bình Dương” đã khởi động ở Australia, Papua New Guinea. Nhưng với bệ đỡ chính trị, ngoại giao, vấn đề Triều Tiên mang tính chất sống còn với Washington, nếu hữu hảo với ông Kim, Mỹ sẽ bớt đi nỗi lo Trung Quốc.

Như vậy, Triều Tiên không thể nằm ngoài sự quan tâm của Mỹ nếu muốn thể hiện sức mạnh ở Châu Á, trong sự quan tâm đó, dĩ nhiên - hòa bình là thượng sách.

Với Hàn Quốc, với tư cách là đồng minh thân cận của Mỹ, ông Moon sẵn sàng nhận “lệnh” để xúc tiến các cuộc gặp với Bắc Triều, thông qua đó thông điệp “dọn đường” từ Washington sẽ được bàn thảo trước một bước.

Có thể thấy rằng, hòa bình trên bán đảo Triều Tiên chưa bao giờ sáng sủa như lúc này, hai bên đạt được dường như mọi điều kiện ban đầu. Nhưng điều quan trọng nhất là trạng thái thiện chí của Kim Jong - un, tính cách quyết đoán của Trump và vai trò sứ giả đầy hiệu quả từ Hàn Quốc.

Nhưng, không thể không chú ý trước những lần gặp gỡ ông Moon và ông Trump, Kim Jong - un phải “quá cảnh” sang Bắc Kinh!

Một lần nữa thách thức lại đến từ Bắc Kinh, Trung Nam Hải chưa cho thấy động thái gì, song, chắc chắn ông Tập không bao giờ muốn Triều Tiên ngã về phía Mỹ.

Hãy chờ xem, Trung Quốc sẽ xử sự thế nào với vấn đề Triều Tiên

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ngoại giao Mỹ - Triều "tan băng" và “người giữ nhiệt” Hàn Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO